Giải đáp thắc mắc về luật Căn cước: Mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?

Giải đáp thắc mắc về luật Căn cước: Mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?

29/06/2024 10:42 GMT+7

Luật Căn cước chính thức có hiệu lực kể từ 1.7 tới, thay thế luật Căn cước công dân. Theo đó, dữ liệu sinh trắc học mống mắt sẽ được thu thập tại cơ quan công an cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt khi công dân (từ đủ 6 tuổi trở lên) làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.

Từ ngày 1.7.2024, luật Căn cước chính thức có hiệu lực. Không ít người thắc mắc về những quy định như quy trình thu thập thông tin sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói; cấp thẻ mới, hay thẻ đã cấp trước đó có còn hiệu lực không.

Hãy cùng Báo Thanh Niên tìm hiểu những thông tin sau từ thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an).

Giải đáp thắc về luật Căn cước- Mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?

Quy trình thu thập mống mắt thực hiện thế nào?

Thiếu tá Trần Duy Hiển cho biết: "Để chuẩn bị triển khai cho việc này (thu thập thông tin sinh trắc học - PV), chúng tôi đã phối hợp cùng công an các địa phương cài đặt, nâng cấp phần mềm mới, đồng thời cấp phát các thiết bị thu nhận mống mắt. Hình thức thu nhận mống mắt sẽ tương tự như thu nhận vân tay, đó là thông qua một thiết bị chuyên dụng. Quá trình thu nhận cũng rất đơn giản, công dân chỉ cần áp sát mắt mình vào thiết bị, hệ thống sẽ tự động chụp và lấy đặc điểm hệ thống sinh trắc của mống mắt đó. Người dân cần lưu ý, sẽ không thực hiện thu nhận mống mắt được khi đeo kính".

Nếu muốn bổ sung mống mắt thì cần làm gì?

Theo Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, ngoài trường hợp cấp mới, việc bổ sung mống mắt sẽ được thực hiện khi công dân làm thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Trường hợp công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân trước 1.7 mà muốn bổ sung mống mắt, công dân có thể đến cơ quan làm thủ tục cấp căn cước để đăng ký.

Quy trình thu nhận mống mắt tương tự như khi cấp mới.

Xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản là như thế nào?

Giải pháp gì để bảo đảm an toàn dữ liệu mống mắt của công dân?

"Về nguyên tắc bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, không chỉ riêng dữ liệu sinh trắc mống mắt mà cả dữ liệu sinh trắc khuôn mặt, vân tay đều phải được bảo vệ. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu đối với dữ liệu về ảnh chân dung và vân tay, việc bảo vệ dữ liệu mống mắt cũng sẽ tương tự như vậy. Chúng tôi hoàn toàn đảm bảo khả năng bảo vệ an ninh, an toàn đối với hệ thống quản lý của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư", thiếu tá Trần Duy Hiển thông tin.

Những trường hợp đã được cấp thẻ căn cước công dân trước ngày 1.7.2024 có phải làm lại thẻ căn cước không?

Theo thiếu tá Trần Duy Hiển, luật Căn cước công dân quy định rõ rằng thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực sẽ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định, công dân nếu có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước thì được cấp thẻ mới.

Cấp thẻ căn cước mới có phải xếp hàng không? Bộ Công an đã có những chuẩn bị gì để tránh tình trạng quá tải?

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho biết theo quy định mới tại luật Căn cước, đối tượng được cấp thẻ căn cước sẽ mở rộng với cả người dưới 14 tuổi (cấp theo nhu cầu chứ không bắt buộc).

Trung tâm đã chủ động tính toán 2 vấn đề. Một là, với hình thức thẻ mới, người dân có thể mong muốn được cấp lại, thay thế cho thẻ đã được cấp theo mẫu cũ. Hai là, phạm vi đối tượng cấp thẻ căn cước rộng hơn so với trước đây, bao gồm trẻ em từ 0 – 14 tuổi như đã nêu.

Mẫu thẻ căn cước áp dụng từ 1.7 có điểm gì mới?

"Để chuẩn bị cho công tác cấp căn cước, Cục C06 Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo lực lượng công an các địa phương tập huấn cả trực tiếp và trên môi trường trực tuyến, sẵn sàng phục vụ người dân khi có nhu cầu. Hệ thống sản xuất thẻ căn cước của Bộ Công an hoàn toàn đảm bảo nhu cầu của người dân. Như đợt cao điểm cấp thẻ căn cước công dân trước đây, một ngày có thể sản xuất 450.000 thẻ. Vì thế, khi thực hiện cấp thẻ căn cước theo luật mới, chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể đáp ứng về công tác sản xuất", thiếu tá Trần Duy Hiển thông tin thêm.

Trường hợp nào người dân cần phải cung cấp thông tin ADN và giọng nói?

Thiếu tá Trần Duy Hiển cho biết: "Theo quy định tại luật Căn cước, hồ sơ căn cước của công dân có thể lưu trữ được 5 loại sinh trắc. Trong đó, khuôn mặt, mống mắt và vân tay bắt buộc phải thu nhận khi làm thủ tục cấp thẻ. Với 2 loại còn lại là ADN và giọng nói, sẽ thu nhận theo yêu cầu của người dân chứ không bắt buộc".

Để triển khai việc thu thập thông tin ADN, Bộ Công an sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế xác định, công khai danh sách các đơn vị đủ điều kiện trong việc xét nghiệm ADN. Trường hợp người dân có nhu cầu cập nhật dữ liệu mà chưa xét nghiệm, khi đến làm thủ tục sẽ được cơ quan công an hướng dẫn đến các cơ sở để thực hiện xét nghiệm.

Trường hợp người dân đã xét nghiệm ADN từ trước và cung cấp khi đến làm thủ tục, trước tiên cơ quan công an sẽ kiểm tra cơ sở mà công dân đã thực hiện xét nghiệm có đủ điều kiện theo quy định hay không. Đồng thời, công dân phải cung cấp được mã số hồ sơ xét nghiệm, để cơ quan công an đối sánh với dữ liệu đã lưu trên hệ thống thông qua các thông tin nhân thân, ảnh chân dung hoặc vân tay. Phải xác định chính xác ADN đó là của công dân chứ không phải người khác.

Cũng giống các loại thông tin sinh trắc khác, thông tin về ADN của công dân sẽ được bảo mật rất cao, mã hóa ngay khi cập nhật vào hệ thống dữ liệu, đảm bảo an toàn, không lộ, lọt.

Một điểm mới của luật Căn cước là cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Giải đáp thắc mắc về luật Căn cước: Mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?- Ảnh 1.

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư

TUẤN MINH

Vậy điều kiện nào để được cấp giấy chứng nhận căn cước?

"Đây là một trong 4 chính sách lớn khi xây dựng dự án luật Căn cước nhằm thay thế cho luật Căn cước công dân, mang tính nhân văn rất cao. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được xác định là những người không có thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư. Thứ hai là có quan hệ huyết thống với người đã từng có quốc tịch Việt Nam (như cha mẹ, ông bà, con cái - PV)", thiếu tá Trần Duy Hiển thông tin.

Cũng theo thiếu tá Trần Duy Hiển, để được cấp giấy chứng nhận căn cước, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải đáp ứng các điều kiện sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước đang giao cho công an cấp huyện và tỉnh. Quy trình cấp giấy chứng nhận căn cước tương tự như cấp thẻ căn cước, lực lượng công an sẽ thu nhận các thông tin để cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

Thiếu tá Trần Duy Hiển nói: "Về hồ sơ, thủ tục, công dân sẽ kê khai thông tin theo biểu mẫu DC01, sau đó cơ quan công an nơi thu nhận hồ sơ sẽ gửi tới các bộ phận (như quốc tịch, hộ tịch, tàng thư cư trú, căn cước..) để xác minh các thông tin này. Trong trường hợp không có tin, chúng tôi sẽ yêu cầu công dân cam kết về thông tin mình đã kê khai là đúng sự thật, sau đó công an sẽ xác nhận, lập biên bản để xác nhận thông tin".

Giấy chứng nhận căn cước có hiệu lực trong vòng 2 năm, có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài những câu hỏi vừa rồi, hiện nay có nhiều người không có nơi thường trú và tạm trú (do không có nhà, ở thuê thì chủ nhà không cho nhập khẩu, hoặc những người sống lang thang ở gầm cầu, bãi bồi) thì không đủ điều kiện cấp thẻ căn cước công dân, dẫn đến việc không có giấy tờ tùy thân. Có những trường hợp đời cha không làm được căn cước công dân nên đời con cũng không làm được, những trường hợp này không có giấy tờ gì để xin việc làm, cho con đi học được, khám chữa bệnh.

Vậy Bộ Công an có nắm được số lượng người thuộc diện này không? Luật Căn cước mới có quy định về việc cấp căn cước cho các trường hợp này không?

Thiếu tá Trần Duy Hiển cho biết: "Để triển khai luật Căn cước, ngày từ đầu năm 2023, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương triển khai rà soát trên địa bàn, cập nhật thông tin của các trường hợp đang không có giấy tờ tùy thân. Nhóm này sẽ được cập nhật, lưu vào một kho dữ liệu riêng. Hiện tại có khoảng hơn 50.000 trường hợp công dân không có giấy tờ tùy thân. Bộ cũng đã chỉ đạo rà soát lại, xác định những trường hợp nào đủ điều kiện như đã nêu ở phần trên, thì sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho công dân".

Một điểm mới nữa của luật Căn cước đó là thông tin in trên mặt thẻ sẽ là "nơi cư trú" chứ không phải "nơi thường trú" như trước đây.

Nếu công dân có nơi thường trú, thông tin in trên mặt thẻ mặc định là địa chỉ thường trú, nếu chỉ có nơi tạm trú thì thông tin in trên mặt thẻ sẽ là địa chỉ tạm trú.

Trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký cả thường trú và tạm trú thì thông tin in trên mặt thẻ sẽ là địa chỉ của nơi ở hiện tại.

"Rồi một trường hợp nữa, để được cấp căn cước, điều kiện đầu tiên đó là phải có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, có những trường hợp công dân quốc tịch Việt Nam nhưng khai sinh và sinh sống tại nước ngoài. Theo quy định trước đây, những công dân này không đủ điều kiện để cấp căn cước công dân. Còn hiện nay, những người này vẫn có thể được cấp thẻ căn cước, thông tin nơi cư trú sẽ là tên của quốc gia mà công dân đang sinh sống, được Việt hóa theo quy định", thiếu tá Trần Duy Hiển thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.