Lý giải cho câu hỏi này, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) nói về hình học Schwarzschild, gợi ý rằng mô hình chuẩn cho lỗ đen và lỗ trắng tương ứng với phương trình trường của Einstein phải bao gồm 2 vũ trụ (hay 2 hệ không thời gian khác nhau) mà một bên chứa một lỗ đen và một bên chứa một lỗ trắng, nối liền nhau bởi một đường hầm gọi là lỗ sâu (wormhole).
Sự ra đời của khái niệm này là một giải pháp cho các phương trình của Einstein, cũng như một phương án cho giả thuyết cầu Einstein-Rosen (Einstein-Rosen Bridge).
“Chúng ta nên lưu ý rằng: lỗ sâu cũng như lỗ trắng vi phạm định luật thứ 2 của nhiệt động lực học, vì vậy thực tế chúng không thể tồn tại trong phần vũ trụ nhìn thấy của chúng ta.
Tuy vậy trong thuyết tương đối rộng của Einstein thì thời gian có tính đối xứng (không có khái niệm xuôi hay ngược thời gian) nên mô hình này được chấp nhận”, ông Sơn cho biết.
Điều này có nghĩa là lỗ trắng và lỗ sâu nối chúng với các lỗ đen có thể tồn tại ở các vùng không - thời gian khác mà chúng ta không thể quan sát, hay thậm chí là trong một vũ trụ khác. Dù có giả định không chắc chắn nhưng lỗ sâu vẫn được đặt kỳ vọng “nhiệt tình” bởi những người... mơ mộng.
“Người ta tin rằng một lỗ sâu có thể giúp con người vượt qua không gian nhanh hơn cả ánh sáng bởi một công nghệ gọi là warp drive hay du hành về quá khứ hoặc tới tương lai (time travel)”, nhà nghiên cứu dẫn giải.
Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam nhấn mạnh rằng tất cả sự tồn tại của lỗ trắng và lỗ sâu tới nay vẫn chỉ tồn tại trên hình học Schwarzschild và bản thân mô hình lý thuyết cũng cho thấy rằng rất khó có thể có sự tồn tại của những thứ này trong vũ trụ nhìn thấy của chúng ta.
Bình luận (0)