Được tuyển thẳng nhưng muốn thi tuyển
Vượt 80 km đến với địa điểm diễn ra chương trình Tư vấn mùa thi, phụ huynh Trần Văn Sinh nêu thắc mắc: “Con tôi vừa đoạt giải HS giỏi quốc gia nhưng lại muốn thi tuyển. Vậy có được ưu tiên gì không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Theo quy chế, nếu là HS giỏi quốc gia nhưng muốn thi tuyển thì thí sinh sẽ được ưu tiên xét tuyển. Cụ thể, nếu thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên và không có môn nào bị điểm 0, hiệu trưởng các trường sẽ xem xét quyết định xét tuyển thẳng thí sinh này vào trường. Tuy nhiên, cần lưu ý là mỗi trường cũng có quy định bổ sung về ưu tiên và xét tuyển thẳng khác nhau. Vì vậy, cần theo dõi thông báo của trường mà mình muốn thi vào”.
|
Một HS người dân tộc thiểu số gửi câu hỏi qua đường dây nóng: “Em có mẹ là người Khmer, ba là người Kinh, khai sinh của em lại khai là dân tộc Kinh. Như vậy, em có được cộng điểm ưu tiên không?”. Các chuyên gia cho biết theo quy chế tuyển sinh, đối tượng 1, nhóm ưu tiên 1 là những thí sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, mặc dù khai sinh của em là dân tộc Kinh nhưng nếu mẹ là người dân tộc Khmer thì em vẫn được hưởng quyền ưu tiên này (được cộng 2 điểm).
Phan Thanh Thảo, HS Trường THPT Chu Văn An, thắc mắc nếu không trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) thì có được chuyển sang Trường ĐH Mở TP.HCM, và cách điền hồ sơ đăng ký dự thi như thế nào. Theo tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, nếu không trúng tuyển một trường ĐH, nhưng điểm thi bằng điểm sàn trở lên, các trường sẽ cấp cho thí sinh 3 giấy chứng nhận điểm để thí sinh có thể dùng kết quả này xét tuyển vào trường ĐH khác. Nghĩa là thí sinh điền trường muốn thi vào mục số 2 trên hồ sơ đăng ký dự thi. Chỉ khi muốn học tại một trường nhưng thi nhờ ở một trường khác thì mới điền vào mục số 3 trên hồ sơ.
Một HS lo lắng không biết có được dự thi vào các trường ĐH khối quân sự vì mổ ruột thừa được 5 năm. Thạc sĩ Đinh Văn Tân, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Trần Đại Nghĩa, cho biết: “Mỗi năm, các trường khối quân sự sẽ tổ chức sơ tuyển kiểm tra sức khỏe. Nếu thí sinh vượt qua kỳ sơ tuyển này thì sẽ được dự thi bình thường. Nhiều khả năng vết mổ ruột thừa không ảnh hưởng gì đến kết quả sơ tuyển của thí sinh”.
Học ngành nào để giúp giảm hạn hán ở Tây nguyên ?
Gia Lai là tỉnh có thế mạnh về công nghiệp, lâm nghiệp. Tìm cơ hội làm việc tại tỉnh nhà không chỉ là quan tâm của HS mà còn là định hướng của phụ huynh. Một HS Trường THPT chuyên Hùng Vương cho biết: “Em muốn thi vào ngành xây dựng, nhưng cha mẹ lại khuyên em nên học ngành nào mà ra trường có thể tận dụng cơ hội làm việc tại địa phương như khoáng sản, trồng cây công nghiệp. Vậy em nên chọn thi theo sở thích hay theo định hướng của cha mẹ?”. Theo các chuyên gia tư vấn, thí sinh nên xem xét ngành nghề nào phù hợp với sở trường của mình thì khi ra trường làm việc sẽ dễ thành công hơn. Tuy nhiên, định hướng của gia đình cũng cần tham khảo, phải xác định trong những năm tới nhu cầu phát triển ngành nghề của tỉnh Gia Lai để có quyết định hợp lý.
Một HS tâm tư về việc hạn hán thường kéo dài ở Tây nguyên nên đặt câu hỏi có thể học ngành nào để giảm bớt tình trạng này. Thạc sĩ Lê Văn Phùng, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết: “Hạn hán, thiên tai của tự nhiên thì khó mà can thiệp được. Nhưng cũng có thể biết trước để phòng tránh, giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, có thể học ngành khí tượng - thủy văn, môi trường để thực hiện ước muốn này”.
Hướng dẫn ghi hồ sơ chính xác Do chương trình tư vấn diễn ra trong thời gian HS lớp 12 nộp hồ sơ đăng ký dự thi nên các buổi tư vấn lớp ở các trường THPT Hùng Vương (TP.Buôn Ma Thuột), Krong Ana (H.Krong Ana, Đắk Lắk), Nguyễn Chí Thanh (TP.Pleiku) và Nguyễn Huệ (H.Đăk Đoa, Gia Lai), rất nhiều HS đã nhờ các chuyên gia hướng dẫn ghi hồ sơ cho đúng, tránh những sai sót dù là nhỏ nhất. Đây được xem là điểm khác biệt so với các buổi tư vấn lớp trước đó, HS chủ yếu tập trung đặt câu hỏi về quy chế tuyển sinh. Phần mở đầu ở buổi tư vấn lớp, các chuyên gia đã dành nhiều thời gian để giải đáp cặn kẽ thắc mắc của HS xung quanh vấn đề này. M.Luân |
Đăng Nguyên - Trần Hiếu
>> Thí sinh đến dự thi mới nộp lệ phí tuyển sinh
>> Miễn học phí cho thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp
>> Đừng mất cơ hội vì không hiểu quy chế thi
>> Để không phạm quy chế thi
>> Kiểm điểm cán bộ vi phạm quy chế thi
Bình luận (0)