Giải đấu tàn bạo nhất hành tinh

03/02/2016 06:40 GMT+7

Calcio Storico Fiorentino là một giải đấu bắt nguồn từ Ý, có cách chơi giống bóng bầu dục. Hấp lực của giải đấu này chính là... bạo lực, mỗi trận đấu luôn trở thành một trận hỗn chiến.

Calcio Storico Fiorentino là một giải đấu bắt nguồn từ Ý, có cách chơi giống bóng bầu dục. Hấp lực của giải đấu này chính là... bạo lực, mỗi trận đấu luôn trở thành một trận hỗn chiến.

Một trận đấu Calcio Storico Fiorentino - Ảnh: AFP
Một trận đấu Calcio Storico Fiorentino - Ảnh: AFP
Calcio Storico Fiorentino (CSF) bắt đầu phổ biến tại thành Florence ở thế kỷ 16 và được xem là hậu duệ của harpastum, một môn bóng của người La Mã.
Suốt thế kỷ này, các trận đấu thuộc CSF thu hút rất đông người đến xem nhưng sau này, dần dần trở nên lỗi thời và trận đấu cuối cùng diễn ra ở quảng trường Santa Croce vào tháng 1.1739. Tuy nhiên, đến năm 1930, bất chấp việc mang tính bạo lực cực độ và thi đấu kiểu “quái dị”, CSF được phục hưng và đến nay trở thành một sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn ở Ý. Tại giải đấu năm ngoái, khán đài CSF thu hút một lượng khán giả kỷ lục với hơn 10.000 người.
Giải đấu... hiến máu
Cầu thủ CSF thường phải sở hữu những kỹ năng của bóng đá, bóng bầu dục và năng khiếu... ẩu đả. Vì vậy, mỗi khi ra sân, họ được ví như những đấu sĩ thời cổ xưa khi được phép đấm, đá, chỏ, siết cổ... ngoại trừ những cú ra đòn vào đầu hoặc tấn công từ phía sau đối với cầu thủ đối phương. Mặc dù được “đấm đá tự do” nhưng cầu thủ ra sân không sử dụng thiết bị bảo vệ như bóng bầu dục mà trần trùng trục với mỗi chiếc quần thụng trên bóp dưới. Mỗi đội sẽ xung trận với 27 “cầu thủ đấu sĩ” đụng độ nhau trên sân cát hình chữ nhật (kích thước 80 x 40 m).
Trong 50 phút thi đấu, đội nào đưa bóng về khu vực hoặc cầu môn được quy định cuối phần sân đối phương để ghi bàn nhiều hơn sẽ giành chiến thắng. Nhưng muốn làm được điều đó, các đội phải trải qua một trận hỗn chiến đẫm máu, căng thẳng đến tàn bạo ở quảng trường đẹp nhất thành Florence.
Các đội không được thay thế cầu thủ trong bất kỳ trường hợp nào ngay cả khi dính chấn thương nặng, bị cáng ra sân hoặc phải đưa lên xe cứu thương đến bệnh viện.
Họ thường sử dụng chiến thuật truyền thống với 2 - 4 thủ môn, 3 hậu vệ, 3 tiền vệ và 15 tiền đạo. Sau tiếng còi khai cuộc, hàng tiền đạo đông đảo của 2 đội sẽ “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” ẩu đả nhau đến đổ máu để mở đường cho đồng đội phía sau băng qua phần sân đối phương ghi bàn.
Những lúc như thế, trận đấu vốn có bản chất thể thao bỗng chốc giống như một cuộc chiến của những nhóm côn đồ khát máu với cảnh tượng hàng loạt cầu thủ đổ gục xuống sân, nhân viên y tế làm việc hết tốc lực để cáng cầu thủ ra sân điều trị.
Bất chấp sự nguy hiểm vì bạo lực, trận đấu tuyệt nhiên không được gián đoạn mà chỉ tạm ngưng để 2 đội thay đổi sân sau mỗi bàn thắng được ghi. Vì vậy, người dân của thành Florence thường ví CSF như một “cuộc chiến hiến máu”.
Cuộc giáp lá cà của 2 đội được điều khiển bởi 1 trọng tài chính, 6 trọng tài biên và 1 trọng tài bàn. Các ông “vua áo đen” có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc ẩu đả vượt quá tinh thần của một trận đấu thể thao và đuổi cổ những “đấu sĩ cầu thủ” nào vi phạm luật chơi. Để làm được việc “cầm cân nảy mực”, trọng tài vốn được rèn luyện những kỹ năng “ẩu đả” vào hàng “đại ca” của các cầu thủ.
Bạo lực cản đường phát triển
Mặc dù được xem là một môn thể thao kết hợp giữa bóng đá, bóng bầu dục, đấu vật và võ thuật nhưng CSF chỉ lớn mạnh quanh quẩn thành Florence vì kiểu tranh tài quá tàn bạo. Không những tạo ra những cảnh tượng hãi hùng phi thể thao, đấu trường CSF không ít lần biến thành một cuộc hỗn chiến côn đồ để giải quyết thù hận. Minh chứng là vào năm 2007, quan chức địa phương từng ban hành lệnh cấm thi đấu 1 năm đối với CSF sau khi để xảy ra một cuộc ẩu đả như những tên côn đồ trên đường phố, dẫn đến 50 “đấu sĩ cầu thủ” bị đưa ra tòa và vào tù. Bản chất bạo lực ấy khiến CSF không thể vượt ra khỏi thành Florence để trở thành một môn thể thao chính thống.
Từ khi ra đời cho đến nay, CSF vẫn tồn tại 4 đội địa phương đụng độ nhau gồm: Santa Croce, Santa Maria Novella, Santo Spirito, San Giovanni. Các đội bóng sẽ chia cặp đấu nhau và 2 đội thắng sẽ cạnh tranh chức vô địch ở trận chung kết.
Giải thưởng cho đội chiến thắng chẳng có đồng tiền nào, mà thay vào đó, những nhà vô địch sẽ nhận một phần thưởng truyền thống với một chú bò Chianina, một giống bò thời cổ xưa vẫn còn tồn tại cho đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.