(TNO) Không còn nhiều ghế trống, không thấy những “nỗi niềm” trên tít các bài về chương trình... đó là tín hiệu tốt lành khi Giai điệu mùa thu 2013 mở rộng quy mô thành liên hoan nghệ thuật.
>> Xem "Giai điệu Trẻ 2013" miễn phí
>> Múa đương đại ở Giai điệu trẻ tháng 4
>> Nhạc thính phòng cho Giai điệu trẻ tháng 6
Khác với những năm trước (chỉ diễn ra 2, 4 đêm), Giai điệu mùa thu năm nay gồm 7 đêm diễn chính thức (từ 16 - 22.8 tại Nhà hát TP.HCM) với đa dạng loại hình nghệ thuật, 6 chương trình mở rộng: 3 lớp học nâng cao dành cho giới chuyên môn về chỉ huy dàn nhạc, biểu diễn piano, 2 tọa đàm về âm nhạc và múa, chương trình Giai điệu trẻ tháng 8 (diễn ra tối 25.8) như hoạt động cuối cùng của liên hoan.
Đã vui hơn
Theo dõi những đêm diễn vừa qua, cảm nhận sự khác biệt trong thưởng thức của người xem so với những năm trước khi đến với chương trình: hào hứng, say mê, thích thú thật sự với tiết mục được trình diễn.
Đặc biệt trong đêm mở màn, Tổ khúc dân ca Việt Nam Dòng chảy (được Trần Mạnh Hùng chuyển soạn nhạc dựa trên 21 bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam, do Hữu Trị, Phúc Hải dàn dựng vũ đạo và Trần Nhật Minh dàn dựng sân khấu) đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả.
Những đêm biểu diễn piano, violin, accordeon, domra (nhạc cụ Nga), múa ballet của các tài năng trẻ Nga; đêm của vở vũ kịch Cô bé lọ lem với phần biên đạo của nhà biên đạo người Na Uy Johanne Jakhelln Constant… cũng thu hút khán giả không kém.
|
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), nói: “Tuy sự đầu tư chưa thể hoành tráng như mong muốn, nhưng như thế đã là bước tiến lớn so với điều kiện hiện tại. Hiệu ứng của khán giả cũng rất tốt, điều này càng cho chúng tôi niềm tin để tiếp tục chuẩn bị cho liên hoan 2015”.
8 năm nhìn lại
Từ khi ra mắt (2005), Giai điệu mùa thu (do HBSO và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM tổ chức) được xác định là chương trình biểu diễn vinh danh thành tích của các tài năng nghệ thuật hàn lâm Việt Nam, là dịp hội ngộ, giao lưu giữa các tài năng trẻ đang học tập, làm việc nước ngoài cùng đội ngũ âm nhạc hàn lâm trong nước.
Theo đó, khán giả (đặc biệt là gia đình, bạn bè của nghệ sĩ) đã có những mùa “rộn rã” cùng các giai điệu khi chương trình nô nức chào đón những tên tuổi từ nước ngoài trở về (trong 3 năm đầu), với những cảm xúc (có vẻ như) thiêng về tự hào, hân hoan trong ngày hạnh ngộ.
Nhưng từ 2009, các tài năng Việt Nam gặp “khó khăn” trong việc về nước tham gia chương trình, khi nguồn kinh phí cho việc đi lại bị cắt giảm, các mạnh thường quân cũng hờ hững hơn đối với lĩnh vực này. Vậy là, chương trình chuyển hướng “tập trung nội lực”, giới thiệu sự trưởng thành của các nghệ sĩ trong nước sau thời gian học tập nước ngoài: Nguyễn Mạnh Duy Linh, Vũ Việt Anh, Nguyễn Anh Sơn, Đỗ Kiên Cường, Trần Nhật Minh, Phan Thị Hồng Châu, Đào Nhật Quang, Cho Hae Reyong...
Đáng chú ý, năm 2011, Giai điệu mùa thu giới thiệu 2 tác phẩm khí nhạc lớn của 2 nhà soạn nhạc trẻ Vũ Việt Anh (Vàng son) và Nguyễn Mạnh Duy Linh (Concerto cho violin và dàn nhạc). Song, chẳng biết có phải vì sự thiếu vắng những tên tuổi thu hút, vì cách tổ chức/chọn lọc tác phẩm biểu diễn (thậm chí có chương trình chỉ diễn lại các tác phẩm đã từng giới thiệu trong các buổi diễn định kỳ của nhà hát), hay vì loại hình này chưa thực sự có lớp khán giả cần và đủ nhu cầu để quan tâm, mà càng về sau, đa phần các đêm diễn của chương trình đều để lại dư âm man mác…
Sẽ có lớp khán giả cho âm nhạc hàn lâm?
Từ cuối năm 2011, khán giả trẻ tại TP.HCM bắt đầu làm quen với sân chơi mới: Giai điệu trẻ, chương trình được HBSO và Thành đoàn TP.HCM phối hợp thực hiện, nhằm giới thiệu nghệ thuật hàn lâm đến với thanh thiếu niên, sinh viên học sinh.
Theo ban tổ chức Giai điệu trẻ, gần 2 năm diễn ra, nhiều đêm diễn đã phải kê thêm rất nhiều ghế nhưng vẫn thiếu chỗ. Sự thu hút này hẳn không phải vì chương trình miễn phí, mà bởi chính hình thức tổ chức, biểu diễn: đi từ dẫn giải về các loại hình: nhạc giao hưởng, múa ballet, nhạc kịch… đến biểu diễn minh họa, mở rộng…
Không chỉ có Giai điệu trẻ, một số chương trình khác như Luala concert, những buổi diễn/album nhằm giới thiệu nhạc cổ điển đến gần công chúng hơn của một số nghệ sĩ (Trang Trịnh, Phạm Thu Hà, Hồng Vy, Ngọc Tuyền - Triệu Yên…) bước đầu cũng đã được đón nhận.
Điều này cho thấy, không phải nghệ thuật hàn lâm không có khán giả, mà vấn đề là những người tổ chức đã và sẽ phải làm thế nào, bằng cách thức nào để đưa nó đến được dễ dàng hơn với công chúng.
Nói như vậy để thấy, trong thành công của Liên hoan Giai điệu mùa thu năm nay, không thể không kể sự góp phần lan tỏa từ khán giả trong cảm thụ âm nhạc từ những chương trình/sản phẩm được xem là nhẹ nhàng hóa âm nhạc hàn lâm trong thời gian qua.
Nhưng, vấn đề là, để Liên hoan 2015 đúng nghĩa và chất lượng hơn, cũng như để Nhà hát của HBSO đi vào hoạt động khi hoàn thiện vào năm 2015, thiết nghĩ, sẽ phải cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ và nỗ lực, không chỉ riêng HBSO hay những tổ chức, nghệ sĩ đơn lẻ…
Nguyên Vân
>> Giai điệu mùa thu 2013
>> Giai điệu mùa thu 2013 mở rộng quy mô
>> Giai điệu mùa thu 2012
>> Gala "Giai điệu mùa thu" kết thúc ấn tượng
Bình luận (0)