Giải mã "ẩn số" amip "ăn não người"

21/09/2012 19:04 GMT+7

(TNO) Hai trường hợp tử vong do amip "ăn não người" mới được phát hiện tại Việt Nam gần đây cho thấy, loại amip này đã tồn tại trong môi trường nước ở nước ta từ lâu và có thể trước kia đã có những ca tử vong do amip này nhưng chúng ta chẩn đoán sót, chưa ghi nhận.

(TNO) Hai trường hợp tử vong do amip "ăn não người" mới được phát hiện tại Việt Nam gần đây cho thấy, loại amip này đã tồn tại trong môi trường nước ở nước ta từ lâu và có thể trước kia đã có những ca tử vong do amip này nhưng chúng ta chẩn đoán sót, chưa ghi nhận.

Đó là ý kiến của tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nguyên là chuyên gia về ký sinh trùng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Bác sĩ Siêu giải thích: Bởi lẽ, amip "ăn não người" không phải mới xuất hiện. Đồng thời, nó tồn tại ở hồ nước thì cũng có thể tồn tại ở nơi khác có môi trường tương tự.

Amip này là một loại ký sinh trùng có thể sống trong tất cả các môi trường nước: ao hồ, đầm lầy, sông suối, vũng nước lớn…, lý tưởng ở nhiệt độ khoảng 35 độ C.


Ký sinh trùng Naegleria Fowleri qua kính hiển vi - Ảnh: CDC

Loại ký sinh trùng này sinh sôi nhiều vào mùa hè nắng nóng khi nhiệt độ nước ấm dần lên. Ở Việt Nam, những suối nước nóng được nghĩ rằng tốt cho sức khỏe cũng là môi trường thích hợp cho amip "ăn não người" sinh sống vì ở hạ lưu nước thường ấm.

“Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về amip "ăn não người" ở Việt Nam nên chúng ta không có thông tin về phân bố địa lý sinh sống, cũng như mật độ sinh sống của loại ký sinh trùng này như thế nào”, bác sĩ Siêu nói.

 
Ngành y tế khuyên người dân:

- Đi bơi nên dùng nẹp mũi để tránh ngộp hay sặc nước vào mũi. Việc dùng nẹp mũi không chỉ phòng ngừa amip "ăn não người" mà còn có thể giữ vệ sinh, phòng nhiều bệnh đường hô hấp khác.

- Đừng uống nước hay hít nước khi bơi.

- Sau khi bơi, lặn nên rửa mũi phòng bệnh bằng các dung dịch nước muối 0,9%; Clorcid 0,4%.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Siêu, do đặc điểm dòng nước luôn lưu thông nên amip "ăn não người" không sống tập trung mà rải rác cá thể.

Bên cạnh đó, bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM, cũng đưa ra giả thuyết từ nhiều tài liệu y văn thế giới nói đến việc amip "ăn não người" tồn tại cả trong đất và không khí (bụi, máy lạnh...).

Bác sĩ Hiếu nghi vấn rằng ca tử vong thứ hai không tắm hồ, bệnh nhi vẫn nhiễm amip ăn não người, có thể do ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể từ không khí.

Tuy nhiên, các chuyên gia về ký sinh trùng tại TP.HCM lại cho rằng không có amip "ăn não người" sống trong đất và không khí. Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị cần thành lập hội đồng khoa học để tìm hiểu, đánh giá về amip "ăn não người" ở Việt Nam.

"Xui lắm" mới bị amip "ăn não"

“Về bản chất, amip "ăn não người" không phải là một ký sinh trùng gây bệnh cho người. Việc amip này gây bệnh cho người là rất hiếm. Chỉ xui lắm mới bị amip này lạc vào người và sinh sôi và tàn phá não. Bệnh cũng không lây lan và không thành dịch”, bác sĩ Siêu nhấn mạnh.

“Amip "ăn não người" cũng như hàng ngàn loại vi trùng khác vẫn đang tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí) mà con người vẫn tiếp xúc hằng ngày, không phải cứ gặp là gây bệnh”, bác sĩ Hiếu khẳng định.

Bác sĩ Siêu giải thích: Amip "ăn não người" từ môi trường nước xâm nhập vào cơ thể con người qua niêm mạc mũi khi bị sặc hay ngộp nước vô mũi. Tuy nhiên, ký sinh trùng này có thể dễ dàng bị tống ra ngoài khi ta hắc hơi, hỉ mũi.

Các chuyên gia đều cùng khẳng định: Bị amip "ăn não người" xâm nhập vào cơ thể là chuyện vô cùng hiếm gặp nên người dân không nên hoang mang.

Ghi nhận của ngành y tế thì nước ta chỉ mới phát hiện hai ca amip "ăn não người".

Thống kê báo cáo ghi nhận tại Mỹ, trong vòng 10 năm (1995 - 2004) có 23 người tử vong do amip "ăn não người". Gần đây nhất là tháng 8.2011, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận có hai người tử vong do bị nhiễm loại ký sinh trùng amip hiếm gặp này.


Con đường của amip xâm nhập vào cơ thể người - Ảnh: CDC

Phòng amip "ăn não người" như thế nào?

Theo bác sĩ Siêu, vì amip "ăn não người" sống trong nhiều môi trường nước rộng lớn khác nhau, dòng nước lưu thông và còn đa dạng hệ sinh thái dưới nước nên không thể đổ chất sát khuẩn xuống các môi trường nước được.

Vì vậy, chỉ có thể phòng bệnh cá nhân. Mặt khác, cần phải đến bệnh viện kiểm tra ngay nếu sau khi đi bơi về từ 7 ngày trở lại mà xuất hiện các triệu chứng: nhức đầu, sốt (trên 39 độ C), cứng gáy. 

Bác sĩ Siêu nói thêm: Viêm màng não do amip "ăn não người" là một bệnh cấp tính, phát bệnh trong thời gian ngắn - khoảng một tuần. Vì vậy, nếu đi bơi trước đó từ 10 ngày trở lên thì không liên quan gì đến amip "ăn não người".

Viên An

>> Không tắm ao hồ, bệnh nhi vẫn nhiễm amip “ăn não người”
>> Đã có 2 trường hợp tử vong do amip "ăn não người
>> Thêm một trường hợp tử vong nghi do amip "ăn não người"?
>> Phòng amip ăn não người
>> Xuất hiện amip "ăn não người" ở Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.