Giải mã bí ẩn đụng độ giữa các đĩa kiến tạo bên dưới Tây Tạng

02/08/2018 14:50 GMT+7

Mô hình nghiên cứu mới cho thấy lớp manti bao quanh lõi Trái đất đã bị xé toạc thành ít nhất 4 mảnh bên dưới cao nguyên Tây Tạng, một phát hiện có thể cải thiện khả năng dự đoán động đất tại đây.

Mô hình nghiên cứu, được tạo dựng từ dữ liệu địa chấn với độ phân giải cao, đã mang đến một bức tranh rõ ràng hơn bao giờ hết về những quy trình địa chất bí ẩn từng diễn ra vào thời điểm các mảng kiến tạo Ấn Độ và châu Á va vào nhau cách đây khoảng 50 triệu năm.
Sự đụng độ giữa hai mảng kiến tạo khổng lồ đã sản sinh ra cao nguyên cao nhất và lớn nhất của thế giới, đó là cao nguyên Tây Tạng, theo báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.
Trong quá trình va chạm các mảng kiến tạo, Tây Tạng lại hứng chịu một số vụ động đất chết chóc nhất thế giới, bao gồm trận siêu động đất Assam-Tây Tạng vào năm 1950, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. Gần đây nhất là cơn địa chấn 6,9 độ Richter làm rung chuyển tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc vào năm 2010, hơn 2.000 người chết.
Cuộc nghiên cứu mới, do Đại học Illinois (Mỹ) tiến hành, đã tìm được bằng chứng cho thấy lớp manti trên cùng của mảng kiến tạo Ấn Độ bị xé thành 4 mảnh và chìm xuống bên dưới mảng kiến tạo châu Á.
“Sự hiện diện của những mảnh này mang đến lời giải thích cụ thể rằng tại sao những trận động đất lại xuất hiện ở một số khu vực ở miền nam và miền trung Tây Tạng, chứ không xảy ra ở nơi khác”, theo đồng tác giả cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Xiaodong Song cho hay.
Đội ngũ chuyên gia đã tập hợp dữ liệu địa vật lý từ nhiều nguồn khác nhau để tái tạo những hình ảnh ghi nhận lại các đợt sóng địa chấn lan tỏa đến độ sâu 160 km so với mặt đất ở Tây Tạng.
Thông tin thu được có thể mang đến một cái nhìn rõ ràng hơn về hoạt động địa chấn tương lai tại khu vực, và từ đó giúp dự đoán nguy cơ động đất trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.