Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy vào năm 2019 và trong quá trình khai quật nền nhà, các nhà khảo cổ đã phát hiện một cặp quan tài bằng chì bên dưới lối đi chính (nave) ở giữa nhà thờ.
Theo Tạp chí Smithsonian, chì là kim loại giữ ẩm tốt và chống phân hủy, từ lâu đã được dùng làm vật liệu đóng quan tài cho giới tinh hoa. Tấm lót quan tài Nữ hoàng Elizabeth II của Anh cũng làm bằng chì.
Giải mã bí ẩn hai quan tài chì dưới sàn nhà thờ Đức Bà Paris
Việc tìm thấy quan tài bằng chì đã khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi về danh tính của hai thi hài bên trong, bởi họ phải là người thuộc tầng lớp có địa vị cao trong xã hội mới được chôn cất trong quan tài như vậy.
Tháng 12.2022, các nhà nghiên cứu kiểm tra và xác minh ký tự trên một cỗ quan tài, xác định người bên trong là ông Antoine de la Porte, chức sắc cấp cao của giáo hội, qua đời vào năm 1710 ở tuổi 83.
Tuy nhiên, họ không biết người còn lại là ai, ngoại trừ độ tuổi được xác định là ngoài 30 và có một dị tật xương có thể cho thấy người này đã cưỡi ngựa nhiều lúc còn sống.
Sau gần 2 năm nghiên cứu, các học giả quả quyết rằng người mà họ đặt biệt danh là "kỵ sĩ" này có tên là Joachim du Bellay, một nhà thơ nổi tiếng thời Phục hưng tại Pháp và qua đời vào năm 1560.
Các dẫn chứng được họ chỉ ra là ông du Bellay nổi tiếng về tài cưỡi ngựa. Nhà nhân chủng học sinh học Eric Crubezy tại Đại học Toulouse III nói ông du Bellay từng cưỡi ngựa từ Paris sang Rome, điều không hề tầm thường đối với một người bị bệnh lao như ông.
Suốt quãng đời, ông du Bellay có sức khỏe yếu và bộ xương của "kỵ sĩ" trong quan tài có dấu hiệu của bệnh viêm màng não mãn tính gây ra bởi bệnh lao xương. Cả hai chứng bệnh đó đều rất hiếm gặp vào thời đó.
Ông Crubezy nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 17.9: "Ông ấy trùng khớp với mọi đặc điểm của bức tranh. Ông ấy là một kỵ sĩ cừ khôi, bị cả hai chứng bệnh được nhắc đến trong một số bài thơ của ông ấy, như trong bài Lời than thở của người tuyệt vọng, khi ông ấy miêu tả 'cơn bão này làm mờ tâm trí'. Và gia đình ông ấy cũng thuộc dòng dõi hoàng gia và tùy tùng của giáo hoàng".
Theo dữ liệu chính thức, ông du Bellay là cháu của hồng y Jean du Bellay. Nhà thơ được chôn trong nhà nguyện Saint-Crepin bên cạnh người chú sau khi ông qua đời lúc khoảng 37 tuổi. Cuộc khai quật năm 1758 không tìm thấy xương cốt của nhà thơ du Bellay.
Theo tuyên bố của Viện Nghiên cứu Khảo cổ dự phòng quốc gia Pháp (INRAP), các học giả nghi ngờ thi hài của ông du Bellay được đưa đến chôn dưới gian nằm ngang (transept) của nhà thờ Đức Bà Paris, có thể vào năm 1569 hoặc có thể chỉ được đặt ở đó tạm thời.
Nhà thờ Công giáo thường được thiết kế giống hình thập tự giá, với thân dọc của cây thập tự là lối đi từ cổng chính vào, gọi là nave, và phần vắt ngang gọi là transept.
Theo tờ The Times, nơi các quan tài bằng chì được tìm thấy từng là nơi đặt một cỗ quan tài khác, khu vực thường chỉ dành cho những chức sắc cấp cao của giáo hội.
Tại cuộc họp báo, nhà khảo cổ Christophe Besnier của INRAP và là trưởng nhóm khai quật không tin vào việc người nằm trong quan tài là ông du Bellay. Ông Besnier cho biết phân tích đồng vị răng của bộ xương cho thấy người này lớn lên tại vùng Paris hoặc Lyon trong khi ông du Bellay được sinh ra tại Anjou.
Ông Crubezy phản biện rằng chú của ông du Bellay từng làm giám mục Paris và do nhà thơ được người chú nuôi dưỡng nên dành phần lớn thời gian tại Paris.
Chủ tịch INRAP Dominique Garcia cho rằng các bằng chứng là thuyết phục. "Chúng ta có thể đòi hỏi thêm gì nữa? Tìm bàn chải đánh răng của du Bellay để kiểm tra ADN sao? Chỉ độ tuổi và bệnh lý của ông ấy thôi đã đưa ra sự vững chắc đáng kinh ngạc", ông Garcia nói.
Ngoài việc nhận diện 2 bộ hài cốt trong hai quan tài bằng chì, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy hơn 1.000 mảnh vỡ của phần bình phong ngăn cách dàn hợp xướng hoặc khu chánh điện với gian giữa nhà thờ, nơi dành cho giáo dân. Những mảnh vỡ này vẫn còn vết tích của màu sơn gốc, sẽ được sử dụng để khôi phục kiến trúc thời trung cổ của nhà thờ. Nhà thờ Đức Bà Paris dự kiến mở cửa trở lại từ ngày 8.12, hơn 5 năm sau vụ cháy lịch sử.
Bình luận (0)