Giải mã bước tiến của tên lửa Triều Tiên
16/08/2017 09:20 GMT+7
Triều Tiên được cho là phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa trong thời gian ngắn nhờ vào bản thiết kế và nguyên mẫu động cơ từ Ukraine.
Tự động phát
Trong khi Mỹ và các nước đồng minh đẩy mạnh cấm vận và gây áp lực nhằm ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Bình Nhưỡng đã đạt bước tiến nhảy vọt với vụ phóng thành công tên lửa tầm trung Hwasong-12 vào tháng 5 và 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 vào tháng 7. Trước đó, đa số tên lửa của Triều Tiên phát nổ không lâu sau khi rời bệ phóng và nhà lãnh đạo Kim Jong-un buộc phải tuyên bố dừng thử nghiệm loại tên lửa Musudan, được cho là dễ bị Mỹ tấn công mạng phá hoại.
Sự tiến bộ bất thường trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên đang làm đau đầu giới quan sát vốn cho rằng Bình Nhưỡng không thể phóng thành công ICBM trước năm 2020. Nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) lần đầu tiên tiết lộ nhiều khả năng nước này đã âm thầm có được thiết kế động cơ tên lửa của Hãng sản xuất tên lửa Yuzhmash ở Ukraine, từng cho ra lò nhiều tên lửa nổi tiếng của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh như tên lửa SS-18. Thậm chí, Hãng tên lửa Energomash của Nga có liên hệ với Yuzhmash cũng bị nghi giúp chuyển giao động cơ tên lửa RD-250 cùng công nghệ cho Triều Tiên.
|
Theo ông Michael Elleman, chuyên gia IISS từng có 6 năm làm việc trong chương trình giải trừ tên lửa tầm xa ở Nga, Triều Tiên đã thay đổi thiết kế tên lửa trong vòng 2 năm qua. Hình ảnh ông Kim Jong-un thị sát động cơ tên lửa cho thấy nó có thể được sao chép từ nguyên mẫu của Liên Xô với khả năng đưa 10 đầu đạn nhiệt hạch bay xuyên lục địa cùng lúc. “Dường như các động cơ này có được một cách bất hợp pháp từ Ukraine. Vấn đề là họ có được bao nhiêu và người Ukraine có giúp họ không”, ông Elleman nêu lo ngại. Nhiều chuyên gia cũng nhận định Triều Tiên thử động cơ tên lửa mới vào tháng 9.2016 và chỉ mất 10 tháng để phóng thành công ICBM là một giai đoạn quá nhanh, trừ phi nước này có được thiết kế, nguyên mẫu và chuyên gia từ nước ngoài.
Thị trường chợ đen
Trước nghi vấn, Thư ký Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 14.8 đã bác bỏ thông tin nước này có liên quan và cho rằng đây là “tác phẩm” của tình báo Nga. CNN dẫn tuyên bố của văn phòng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng đây là nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn Mỹ cung cấp tên lửa chống tăng cho Kiev. Trong khi đó, người phát ngôn của Hãng Yuzhmash cũng bác bỏ cáo buộc.
Tuy nhiên, ông Elleman cho rằng có thể Triều Tiên có được công nghệ động cơ tên lửa từ Ukraine thông qua thị trường chợ đen, đồng thời ám chỉ đến tình trạng kinh tế khó khăn của hãng cùng những nhân viên không có điều kiện thể hiện hết năng lực. “Các băng nhóm tội phạm ở Ukraine có thể đã liên hệ với một số nhân viên nhà máy để lấy đi một số động cơ tên lửa không dùng đến”, ông nói.
Theo tờ The New York Times, Yuzhmash từng là một trong những hãng sản xuất tên lửa chính cho Nga kể cả sau khi Ukraine tuyên bố độc lập năm 1992. Tuy nhiên, hãng đã lâm vào tình trạng khó khăn sau khi tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ vào năm 2014. Sau khi Nga hủy hợp đồng nâng cấp tàu hạt nhân, nhà máy đã lâm vào tình trạng nợ nần và hoạt động cầm chừng. Một báo cáo năm 2014 của Tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Endowment for International Peace (Mỹ) từng cảnh báo tình trạng khó khăn này có thể khiến các chuyên gia hạt nhân và tên lửa Ukraine mất việc và làm lộ thông tin mật.
Giới tình báo Mỹ cũng cho rằng Triều Tiên lợi dụng thị trường chợ đen để có được công nghệ tên lửa và tuyển dụng chuyên gia. Năm 1992, Moscow từng chặn một đoàn chuyên gia tên lửa Nga đến Bình Nhưỡng. Một báo cáo của LHQ cho thấy 2 người Triều Tiên từng bị bắt vào năm 2011 vì tìm cách trộm thông tin mật về tên lửa của Yuzhmash.
|
Ông Kim Jong-un hoãn phóng tên lửa gần Guam
Ngày 15.8, Hãng thông tấn KCNA đưa tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vừa được báo cáo về kế hoạch phóng 4 tên lửa đạn đạo Hwasong-12 rơi cách đảo Guam của Mỹ 30 - 40 km mà Bình Nhưỡng công bố hồi tuần trước. Sau khi xem qua kế hoạch, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố ông sẽ “theo dõi hành vi của Mỹ thêm một chút nữa”, đồng thời nhấn mạnh rằng để ngăn chặn xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên, Washington “cần có lựa chọn thích hợp trước tiên và thể hiện điều đó bằng hành động”. Ông Kim cảnh báo nếu Mỹ tiếp tục có những “hành động liều lĩnh cực kỳ nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên, thách thức sự kiềm chế của CHDCND Triều Tiên”, Bình Nhưỡng “sẽ đưa ra quyết định quan trọng như đã tuyên bố”. KCNA đưa ra thông tin mới chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo nếu Triều Tiên phóng tên lửa tới Mỹ, tình hình có thể leo thang thành cuộc chiến tranh nhanh chóng, theo Reuters. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua tuyên bố Seoul sẽ ngăn chặn chiến tranh bùng nổ bằng mọi giá và sẽ tăng cường nỗ lực ngoại giao để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Sau khi biết tin Triều Tiên hoãn kế hoạch phóng tên lửa hướng về Guam, nhiều người dân trên đảo này thở phào nhẹ nhõm, theo Reuters. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng căng thẳng có thể dâng cao trở lại khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” từ ngày 21 - 31.8. Bình Nhưỡng lâu nay vẫn quy kết đây là cuộc diễn tập xâm lược Triều Tiên.
Văn Khoa
|
Bình luận (0)