(TNO) Trong lúc các hãng bay áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu thiệt hại khi hành khách bị trả về, những khách Việt đi Singapore với mục đích chính đáng cũng cần lưu ý để tránh bị nghi oan.
>> Giải mã chuyện phụ nữ Việt bị từ chối nhập cảnh Singapore - Kỳ 2: Các hãng hàng không kêu trời
>> Giải mã chuyện phụ nữ Việt bị từ chối nhập cảnh Singapore - Kỳ 1: Không trừ đối tượng nào
>> Bị Singapore từ chối nhập cảnh, hãy tự trách mình
An ninh sân bay Changi áp giải các cô gái Việt bị từ chối nhập cảnh ra máy bay hãng Tiger Airways để về nước - Ảnh: Thục Minh
|
Mặc dù Cục hàng không và Bộ Ngoại giao VN cho hay họ đã lên tiếng với phía Singapore về vấn đề minh bạch hóa đối tượng khách Việt không được chào đón (not to land – NTL) cũng như đối xử mẫu mực với những khách còn lại, việc nhân viên Cục xuất nhập cảnh Singapore (ICA) truy xét khách để loại đối tượng NTL chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra.
Vì vậy, để tránh bị “lọt vào tầm ngắm” của nhân viên ICA, thậm chí bị “xếp loại” oan ức, những hành khách chân chính nên chuẩn bị cho mình một số thứ.
Tệ nạn mại dâm ở Singapore khiến nhà chức trách cũng đau đầu - Ảnh: Độc Lập
|
Không hẳn là tiền
Trước hết, theo khuyến cáo của đại diện một hãng hàng không VN tại Singapore và chuyên giải quyết “hậu sự” cho đối tượng NTL, hành khách (đặc biệt là phụ nữ) nên ăn mặc kín đáo, lịch lãm, sang trọng càng tốt, trang điểm nhẹ nhàng; thái độ nhã nhặn, thiện chí.
Việc không biết tiếng Anh không hẳn là một khuyết điểm quá lớn. Đổi lại, khách có thể bù đắp bằng phong thái tự tin, chừng mực.
Bên cạnh đó, theo logic tự nhiên, khách đi nước ngoài phải cầm theo tiền, thậm chí là nhiều tiền, hay thẻ tín dụng, để tiêu xài.
Tuy nhiên, tiền không phải là yếu tố quyết định quan trọng, như khẳng định của bà Brenda Tham ở ICA mà Thanh Niên Online đã đề cập trong kỳ 2. Bởi trên thực tế, những cô gái đi Singapore để làm việc bất chính bao giờ cũng được những tay cò đưa cho một vài ngàn USD để đánh lừa nhân viên ICA. Chiêu trò này thật ra đã bị lật tẩy từ lâu.
Phóng viên Thanh Niên Online đã chứng kiến nhiều trường hợp khách không mang theo đồng ngoại tệ nào, nhưng có nhân thân và người bảo lãnh đáng tin cậy tại Singapore thì vẫn được chấp nhận tử tế.
Mặc dù vậy, để phòng hờ mọi tình huống phát sinh, khách - dù có người bảo lãnh và bao toàn bộ chi tiêu ở Singapore - cũng nên cầm theo tối thiểu 500 USD. Lý do sẽ được nêu rõ ở phần sau.
Hành trình bay và địa chỉ
Theo quy định phổ quát khắp thế giới, khách đi nước ngoài không thuộc diện đi cư trú, du học hoặc làm việc dài hạn có giấy phép, thì phải có vé bay về trong thời hạn tối đa mà quốc gia đến cho phép họ được lưu trú.
Trong trường hợp người Việt đến Singapore, thời hạn được lưu trú mặc định tối đa là 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Vì vậy, vé bay về phải thỏa mãn điều kiện này thì khách mới được lên máy bay từ đầu khởi hành. Dĩ nhiên, bay hãng càng sang, thời hạn lưu trú càng ngắn thì... càng có giá!
|
An ninh sân bay Tân Sơn nhất yêu cầu hành khách Vietnam Airlines ký cam kết chịu trách nhiệm nếu bị từ chối nhập cảnh vào Singapore do không đem đủ 500 USD. Một thành viên của Vietnam Airlines khẳng định với Thanh Niên Online rằng hãng chưa có quy định này -Ảnh: Thục Minh
|
Nhưng yếu tố có tính chất quyết định, theo vị đại diện hàng không nói trên, là mục đích nhập cảnh rõ ràng, hợp lý; địa chỉ lưu trú tại Singapore đáng tin cậy, có thể kiểm chứng được.
Vậy nên, trong tờ khai nhập cảnh, khách nên điền thông tin về địa chỉ lưu trú càng đầy đủ càng tốt. Nếu ở khách sạn phải có giấy đặt phòng. Nếu ở nhà người quen/người thân, ngoài địa chỉ, nên ghi rõ tên, mối quan hệ và số điện thoại của người đó.
Chu đáo hơn đối với khách không nói được tiếng Anh, chủ nhà hay người bảo lãnh có thể viết một bức thư bằng tiếng Anh, ghi rõ tên tuổi, số hộ chiếu, công việc, thông tin liên lạc của khách lẫn của mình, và cam kết chịu trách nhiệm về mọi vấn đề phát sinh (nếu có) đối với khách trong thời gian lưu trú ở Singapore, để khách trình cho nhân viên ICA. Đó là cách mà vị đại diện hàng không đã làm khi mời vợ chồng người bạn sang Singapore du lịch mới đây.
Vị này cũng lưu ý, hiện nay ICA truy xét, thậm chí trả về cả những khách lớn tuổi. Vì gần đây có tình trạng nhiều phụ nữ lớn tuổi sang Singapore thăm người thân và tranh thủ làm giúp việc nhà trái phép cho người khác để kiếm thu nhập.
Ngoài ra, từ trường hợp của bạn anh P.H (được đề cập trong kỳ 1) do trót trao địa chỉ tại Singapore cho một cô gái không quen biết, và cô này đã sử dụng địa chỉ đó để nhập cảnh, khiến anh bị nhân viên ICA nghi ngờ và trả về, khách cũng nên rút kinh nghiệm: không dễ dàng trao địa chỉ, số điện thoại và các mối quan hệ của mình cho người mới gặp trên máy bay.
Trường hợp chị K.H có cô giúp việc đi cùng bị đuổi về ở kỳ 1 cũng là một bài học: Những người bay chung với nhau cần nắm rõ những thông tin cá nhân của nhau (tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, số điện thoại); mỗi người đều phải biết địa chỉ, số điện thoại nơi mình sẽ lưu trú và nên bọc theo tiền riêng, phòng khi bị tách khỏi nhau.
Khi các hãng bay tự bảo vệ
Trước tình cảnh phải vận chuyển về nước và nộp tiền “lưu kho” hành khách bị đưa vào diện NTL, trong vài năm gần đây, các hãng hàng không vận hành các đường bay nối Singapore và VN đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu thiệt hại, một người hoạt động trong ngành hàng không không muốn nêu tên nói với Thanh Niên Online.
Một trong các biện pháp mà các hãng giá rẻ áp dụng là yêu cầu những hành khách có hồ sơ đi lại hoặc mục đích xuất cảnh đáng ngờ đặt cọc 500 USD (hơn 11 triệu đồng) trước khi cho họ lên máy bay. Nếu khách nhập cảnh Singapore trót lọt, số tiền này sẽ được hoàn trả. Ngược lại, tiền sẽ được sử dụng để trả vé chuyến bay về và nộp phí lưu giữ, phí áp tải tại sân bay cho ICA.
Nhưng một cán bộ Vietnam Airlines (VNA) khẳng định với phóng viên rằng hãng không áp dụng biện pháp này vì sợ mất khách. Tuy nhiên, vị này cho biết sắp tới VNA có thể từ chối vận chuyển những hành khách xét thấy mục đích xuất cảnh không rõ ràng, nhân thân và lịch sử đi lại có dấu hiệu khả nghi, mua vé đi hãng sang, vé về hãng giá rẻ (đề cập trong kỳ 2).
Mới đây, có hành khách của VNA bay từ TP.HCM đi Singapore bị nhân viên làm thủ tục check-in và an ninh sân bay Tân Sơn Nhất buộc phải ký cam kết “trả phí trục xuất (deportee) nếu bị trả về” do “không đem đủ 500 USD”.
Hành khách này bức xúc nói với phóng viên: “Tôi sang Singapore có người nhà bảo lãnh toàn bộ thì phải đem theo tiền làm gì? Vả lại, mẫu cam kết của VNA đâu có điều khoản khách phải cầm đủ 500 USD. Tự các nhân viên này ghi thêm đấy chứ! Còn phía Singapore cũng đâu có quy định nào về số tiền khách phải mang theo”.
Trao đổi với phóng viên, vị cán bộ VNA nói rằng hãng chưa có quy định 500 USD này.
Trong khi đó, đại diện một hãng bay Việt Nam tại Singapore cũng cho biết rằng, hãng bắt đầu phối hợp với ICA, nhờ họ trực tiếp thu tiền của khách NTL và chia cho hãng bay một phần để bù vào phí vận chuyển trả khách về nước.
Ngoài ra, để đối phó với việc khách “chơi chiêu” sau khi lên máy bay rời VN thì hủy vé chặng về để lấy lại phần tiền vé chưa sử dụng (đề cập trong kỳ 2), các hãng bay cao cấp như Singapore Airlines áp dụng chính sách không cho phép hủy vé hạng khuyến mãi và đánh phí hủy vé rất cao đối với các hạng vé khác. VNA cho hay họ cũng đang xem xét áp dụng tương tự.
Bằng các biện pháp nói trên, hy vọng ngành hàng không cũng góp phần hạn chế ngay từ đầu VN các nhóm ngườicó ý đồ xuất cảnh để làm những việc trái phép, trả lại sự tôn trọng mà những hành khách chân chính đáng được nhận khi đi nước ngoài.
Bình luận (0)