Trận động đất gần quần đảo Nam Sanwich gây sóng thần lan xa đến 10.000 km |
NOAA |
Hãng Sputnik ngày 10.2 đưa tin các nhà khoa học tại Viện Công nghệ California (Mỹ) cho biết họ đã tìm ra nguyên nhân cơn sóng thần bí ẩn lan khắp thế giới, sau trận động đất vào tháng 8.2021.
Trận động đất xảy ra gần quần đảo Nam Sanwich ở Đại Tây Dương và Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ban đầu đo được cường độ 7,5 độ Richter trước khi điều chỉnh lên 8,2 độ Richter vào ngày hôm sau.
Cơn sóng thần xảy ra sau trận động đất khiến giới khoa học khó hiểu vì tâm chấn của trận động đất sâu đến 47 km tính từ mặt đất, độ sâu khó có thể gây sóng thần.
Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Geophysical Research Letters, trận động đất trên thực ra là một loạt trận động đất kéo dài vài phút. Một trong số đó có cường độ lên đến 8,2 độ Richter và chỉ sâu 15 km so với mặt đất. Nhưng dù có có cường độ mạnh, trận động đất đó “hầu như vô hình” đối với các hệ thống quan trắc vì nó “bị chôn vùi” trong các lớp sóng địa chấn gây ra bởi các trận động đất khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chính chấn động “thầm lặng” này gây ra sóng thần lan khắp thế giới. Sóng thần khi đó lan đến Bắc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, trong đó có những bãi biển cách xa vị trí động đất đến 10.000 km.
Dù sóng thần nhỏ và không gây thiệt hại, giới khoa học nhấn mạnh rằng những đợt động đất phức tạp như thế có nguy cơ đáng kể.
“Rất ít khi những đợt động đất phức tạp như thế được quan sát. Và nếu chúng ta không dùng hệ dữ liệu đúng, chúng ta không thể thấy được điều gì ẩn giấu bên trong”, theo chuyên gia địa chất Zhe Jia tại Viện Công nghệ California.
Mục tiêu tiếp theo của các nhà nghiên cứu là tự động hóa việc phát hiện những trận động đất phức tạp như trên, cũng giống như hệ thống tự động phát hiện những trận động đất đơn giản hiện đang hoạt động.
Núi lửa Tonga phun trào hé lộ manh mối quá trình hình thành hành tinh |
Bình luận (0)