Cổ vật thuộc thế kỷ 14
Khi tận mắt chứng kiến những cổ vật gốm sứ gồm bát, đĩa, chậu, lư hương men ngọc màu xanh, màu nâu da lươn, màu ô liu... TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật, đã thốt lên: “Cổ vật quá đẹp!”.
|
TS Chiến và các đồng sự gồm TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, thạc sĩ Nông Quốc Thành, Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) và TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, đo kích thước, săm soi tỉ mỉ từng chi tiết trên mỗi hiện vật cổ như kiểu dáng, màu men, hoa văn trang trí.
Nếu như mấy ngày trước, khi xem xét một số ít hiện vật ngay tại hiện trường, TS Chiến dự đoán là gốm sứ có niên đại từ thời nhà Minh (Trung Quốc) vào cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 nhưng sau khi nghiên cứu, quan sát kỹ hơn 40 hiện vật bị bể và còn nguyên vẹn, thì ông lại đưa ra nhận định mới: “Căn cứ đặc điểm, kiểu dáng, hoa văn trang trí, chúng tôi nhận định rằng, cổ vật này có niên đại từ thời nhà Nguyên (Trung Quốc) vào thế kỷ 14”.
Điều khiến các chuyên gia khảo cổ học đặc biệt lưu ý là một khối dính chùm gồm 11 chậu men nâu da lươn kèm theo một cục dính có nhiều vết cháy. Theo họ, khối hiện vật dính chùm này không phải là sự kết dính bình thường mà là sự kết dính của men gốm khi ở nhiệt độ cao. Từ chi tiết này, các chuyên gia đã giải mã nguyên nhân con tàu cổ bị chìm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển là do tàu bị cháy.
Vỏ tàu cổ đầu tiên ở VN
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Chiến nói rằng, ông và các đồng sự đặc biệt quan tâm đến việc trục vớt vỏ tàu cổ chìm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển. “Con tàu cổ bị chìm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển rất gần bờ, có độ sâu chỉ 3-4 m lại vùi lấp dưới cát nên có thể cả vỏ tàu được bảo toàn nguyên vẹn. Vì thế, chúng tôi hy vọng khi khai quật sẽ đưa được cả vỏ con tàu cổ lên bờ. Đây là hiện vật vô cùng quý giá”, TS Chiến nói.
Cũng theo TS Chiến, nếu đưa được cả vỏ tàu cổ còn nguyên vẹn lên bờ thì đây là vỏ tàu cổ đầu tiên ở VN. Vỏ tàu cổ này nhất định sẽ thu hút sự quan tâm của các chuyên gia khảo cổ trong nước và nước ngoài vì đây chính là cơ hội để nghiên cứu một cách đầy đủ nhất, chuyên sâu nhất từ chất liệu gỗ đến kỹ thuật đóng tàu của con người từ hàng trăm năm trước và nhiều vấn đề khác. TS Chiến cho biết thêm, lâu nay các nhà khảo cổ học ở dưới nước của VN chỉ mới khai quật và tiếp cận với những cổ vật của con tàu cổ chìm có niên đại ở thế kỷ 15. Do vậy, con tàu cổ chìm ở thôn Châu Thuận Biển sắp khai quật là con tàu có niên đại sớm nhất từ trước đến nay được tìm thấy ở vùng biển VN.
Ngày 14.9, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định về việc tiến hành thăm dò, khai quật khẩn cấp di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển Châu Thuận Biển. Đến chiều 16.9, có 8 doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký tham gia thăm dò, khai quật cổ vật. |
Hiển Cừ
>> Tàu chở cổ vật bị chìm có thể do hỏa hoạn
>> Kho cổ vật dưới biển
>> Bất chấp sóng to, ngư dân ra biển lặn tìm cổ vật
>> Cứu cổ vật dưới biển
>> Khẩn cấp khai quật cổ vật dưới biển
>> Bình Châu “nóng” lên vì cổ vật
>> Đổ xô ra biển lặn tìm cổ vật
>> Hàng trăm ngư dân đổ xô ra biển tìm cổ vật
Bình luận (0)