Giải mã công nghệ làm chủ bầu trời

Vũ Thơ
Vũ Thơ
09/06/2019 09:26 GMT+7

Nhờ giải mã được công nghệ có độ bảo mật rất cao trong thiết bị của đài radar nhập ngoại, một sĩ quan trẻ đã sửa chữa được thiết bị này để 'làm chủ bầu trời' và tiết kiệm hàng tỉ đồng cho nhà nước.

Đó là đại úy Nguyễn Văn Kiệm (32 tuổi), Trợ lý kỹ thuật Nhà máy Z119, Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân. Anh vừa được tuyên dương là gương mặt trẻ tiêu biểu tham gia giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo năm 2019 của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Anh Kiệm cho biết để tăng cường khả năng quản lý vùng trời quốc gia, những năm gần đây, Quân chủng Phòng không - Không quân được đầu tư trang bị nhiều thiết bị loại thế hệ mới, trong số đó có những thiết bị trinh sát thụ động hiện đại nhất hiện nay. Tuy nhiên, khi các thiết bị này hỏng hóc thì phải đưa sang nước ngoài sửa chữa với chi phí rất cao. Hơn nữa, đơn vị sản xuất và sửa chữa thiết bị đã không hoạt động nữa nên không thể gửi đi sửa chữa. Trong khi đó, ở nước ta cũng chưa có bất kỳ đơn vị nào có khả năng sửa chữa thiết bị này.
“Trước nhu cầu cấp thiết phải nghiên cứu, cải tiến công nghệ để hồi phục chức năng cho các thiết bị, tôi và hai đồng nghiệp của đơn vị đã quyết định xung kích nghiên cứu đề tài thiết kế, chế tạo, cải tiến một số mảng để hồi phục chức năng thiết bị này”, anh Kiệm cho hay.
Để thực hiện được công trình, anh Kiệm và các cộng sự đã trải qua rất nhiều khó khăn. Anh Kiệm kể, khó khăn đầu tiên mà nhóm tác giả gặp phải là hệ thống tài liệu đồng bộ đi kèm theo thiết bị rất ít và chỉ có tài liệu giới thiệu chung.
“Đặc biệt, việc bảo mật công nghệ được nhà sản xuất giữ bí mật ở mức cao. Vì vậy, nhóm đề tài chỉ có thể tự xây dựng các kịch bản kiểm tra đến từng linh kiện, từng mảng mạch để dựng lại, thiết kế ngược lại sơ đồ các mảng chức năng của thiết bị”, anh Kiệm cho hay. Bên cạnh đó, nhóm tác giả đề tài còn phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sửa chữa thiết bị khác của nhà máy, thời gian dành cho nghiên cứu đề tài phải tranh thủ làm ngoài giờ. “Chúng tôi còn gặp khó khăn về vấn đề vật tư linh kiện. Vật tư linh kiện phù hợp cho công tác sửa chữa thiết bị là những loại linh kiện hiếm, giá thành tương đối cao và không phải là loại dễ mua trên thị trường”, anh Kiệm nói.
Theo anh Kiệm, nhóm nghiên cứu đề tài đã nhận được sự tạo điều kiện của nhà máy và cơ quan cấp trên, nên anh và các cộng sự đã tự quán triệt rõ tư tưởng khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành đề tài để có thể đưa ý tưởng thành thực tiễn, góp phần nâng cao trình độ làm chủ khoa học công nghệ mới của lực lượng trẻ. Nội dung đề tài đã được thực hiện xong vào tháng 8.2018 và được ứng dụng vào thực tiễn nhiệm vụ sửa chữa tại nhà máy. Nếu tính giá trị kinh tế, mỗi thiết bị khi sửa chữa ở VN đã tiết kiệm được ngân sách nhiều tỉ đồng so với việc phải gửi đi sửa chữa ở nước ngoài.
Chia sẻ về thành công này, anh Kiệm tự hào nói: “Việc nghiên cứu giải mã công nghệ thành công thiết bị này sẽ góp phần nâng cao năng lực tự sửa chữa, tạo nguồn vật tư dự phòng cho công tác sửa chữa, thay mới, đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời”. Đặc biệt, việc nghiên cứu giải mã công nghệ thành công thiết bị đã góp phần nâng cao năng lực làm chủ một số công nghệ như: điều chế quang âm, lập trình nhúng, giao tiếp và truyền dữ liệu, lập trình ứng dụng... của tuổi trẻ Quân chủng Phòng không - Không quân tác động tích cực đến sự phát triển của các lĩnh vực nghiên cứu.
“Không chỉ có vậy, với kết quả của đề tài được thực hiện hoàn toàn bằng nội lực nên giảm được đáng kể về mặt chi phí đầu tư cho việc sửa chữa, khôi phục thiết bị, giúp giảm áp lực ngân sách quốc phòng”, anh Kiệm cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.