Giải mã cuộc phô diễn uy lực phối hợp tấn công của Mỹ ở Indo-Pacific

20/08/2020 08:48 GMT+7

Với hỏa lực oanh tạc cơ bao trùm Biển Đông như Thanh Niên từng phân tích, Mỹ vừa phô diễn uy lực phối hợp tấn công không - hải quân qua cuộc tập trận với sự tham gia của nhiều máy bay tiêm kích, oanh tạc cơ, tàu sân bay tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Website của Không quân Mỹ hôm qua (19.8) thông báo nước này vừa có một cuộc tập trận phối hợp đồng loạt trong 24 tiếng ở Thái Bình Dương. Cuộc tập trận được cho là nhằm “đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở”. Với thông điệp này, cuộc tập trận thực tế là nhằm vào Trung Quốc, bởi chiến lược “Indo-Pacific” tự do và rộng mở vẫn luôn được hiểu là để đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực.

Lực lượng hùng hậu

Lực lượng tham gia tập trận bao gồm: 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer từ căn cứ Ellsworth (bang Nam Dakota, Mỹ), và 2 chiếc B-1 khác từ căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam đều bay đến vùng biển Nhật Bản. Tại vùng biển Nhật Bản, 4 máy bay tiêm kích F-15C của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Kadena (Nhật) đã phối hợp với 4 chiếc B-1.

Lược đồ các hướng tác chiến của cuộc tập trận.

Đồ họa: N.M.T

Cuộc tập trận ở khu vực này còn có thêm sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 của thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng tại Nhật và máy bay tiêm kích F-15J của lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản. Liên quan hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, chuyên trang thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày 19.8 đưa tin tàu này đang hoạt động ở biển Philippines. Với sự hiện diện của tàu USS Ronald Reagan, cuộc tập trận cũng sẽ có sự tham gia của chiến đấu cơ F/A-18 mà tàu này mang theo.
Trong khuôn khổ loạt tập trận, 2 oanh tạc cơ B-2 Spirit từ căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương cũng tiến hành huấn luyện ở Ấn Độ Dương.

Phối hợp nhiều hướng, hỏa lực cực mạnh

Cách điều động lực lượng như trên cho thấy trong 24 giờ, Mỹ có thể bất ngờ triển khai oanh tạc cơ chiến lược tầm xa từ lục địa châu Mỹ tiến về khu vực Đông Bắc Á để phối hợp tác chiến. Sự hỗ trợ còn có oanh tạc cơ B-1 từ đảo Guam. Trong đó, việc triển khai oanh tạc cơ bay từ lục địa Mỹ sẽ tạo nhiều yếu tố bất ngờ, đồng thời chứng minh năng lực tấn công từ xa của Washington.
Như vậy, Mỹ có thể nhanh chóng phát động tấn công từ nhiều hướng nhằm vào các lợi ích của Trung Quốc tại các khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông và biển Philippines. Trong khi đó, “bóng ma” B-2 có thể kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương, cửa ngõ qua eo biển Malacca để vào Biển Đông. Tức khu vực tổ chức tác chiến của Mỹ có thể đồng loạt triển khai trên khắp Indo-Pacific.

Chiến đấu cơ F-15C xuất phát từ Nhật Bản.

AF.MIL

“Bóng ma” B-2 và máy bay chiến đấu B-1 Lancer đều có thể được trang bị tên lửa AGM-158. Loại tên lửa này bao gồm phiên bản tấn công mặt đất (với tầm bắn tối đa hơn 900 km) và loại tên lửa đối hạm tầm xa (có tầm bắn ước tính hơn 500 km). Nên khi triển khai các loại oanh tạc cơ này, Mỹ có thể tấn công cả chiến hạm lẫn các cơ sở trên bộ của Trung Quốc.
Thêm vào đó, sự hiện diện của máy bay tiêm kích F-35 nhằm chứng minh uy thế vượt trội của không quân Mỹ khi có thể triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5, trong khi dòng máy bay J-31 của Trung Quốc đến nay vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện. Đó là chưa kể sức mạnh của các chiến đấu cơ, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tác chiến điện tử được tàu sân bay USS Ronald Reagan mang theo.
Tất cả nhằm thể hiện một sức mạnh phối hợp tấn công tổng lực mà Washington có thể triển khai ở khắp Indo-Pacific nhằm răn đe Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.