Giải mã địa danh Nam kỳ xưa qua ‘Chuyện cũ ở Sốc-Trăng’

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
09/05/2020 06:23 GMT+7

Lần đầu tiên độc giả có dịp tiếp cận một tác phẩm nằm trong kho di cảo của học giả Vương Hồng Sển chưa từng xuất bản.

Chuyện cũ ở Sốc-Trăng được ông viết cách đây 34 năm - với những câu chuyện lý thú giải mã nhiều địa danh Nam kỳ lục tỉnh trong quá trình hành phương Nam của cha ông.
Với các bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai..., Vương Hồng Sển không chỉ là nhà văn hóa, học giả, người sưu tập cổ ngoạn nổi tiếng mà còn là một tên tuổi lớn hiểu biết sâu rộng về miền Nam, được giới sử học và khảo cổ VN kính trọng. Tuy nhiên, dù am hiểu thấu đáo đến mấy mọi “chuyện xưa tích cũ”, nhưng khi đề cập đến đất Nam kỳ, học giả Vương Hồng Sển cũng phải than vãn: “Cả một vấn đề phiền phức và rối rắm. Mỗi lần lấy ra thử viết, vừa thảo ra vài hàng thì đành gác bút, viết không trôi, nội cái tên làng “Ôi Lôi” (làng gì tên Ôi Lôi) cũng đã làm tôi cụt hứng”, đã nói lên sự phức tạp của địa danh xưa.

Từ Khléang đến… nguyệt giang tỉnh

Nói về địa danh Sốc Trăng (nay gọi là Sóc Trăng), trong Chuyện cũ ở Sốc- Trăng (NXB Trẻ vừa ấn hành), học giả Vương Hồng Sển lý giải: “Địa danh Sốc Trăng, theo tôi hiểu tuổi chỉ vừa 200 năm, có lẽ từ năm 1780 là cùng, tức từ khi ông Mạc Thiên Tích mất và vì không có con nối dòng nên sự nghiệp thâu về triều Nguyễn. Trước nữa đất này là đất Thổ và tên xứ gọi Srok Bassac, hoặc Srok Khléang. Trọn vùng, từ Cần Thơ xuống Sốc Trăng tận Bạc Liêu và Cà Mau, người Thổ gọi Srok Bassac, và khu nay lấy làm thị xã Khánh Hưng, tức vùng thị tứ ngày nay, thì Thổ gọi gọn lỏn “Khléang”. Tâu na? Tâu Khléang, nghĩa là: Đi đâu ? Đi ra chợ Khléang. Ngày nay họ vẫn nói làm vậy, không đổi”.
Vậy, Khléang là gì? Ông Vương Hồng Sển cho biết thêm: “Đó là kho chứa của tiền, khléang prăk là kho bạc. Từ tiếng Khléang người Tiều (Triều Châu) phiên âm ra tiếng Tàu là “Khắc lằng” và người Việt trào Pháp thuộc, dựa đó gọi theo, âm lại là Sốc Trăng, và rắc rối nhứt là khi chạy sớ ra triều đình ở Huế, có lẽ từ đời vua Minh Mạng, vua này bắt dịch ra Hán tự, và Sốc Trăng đổi thành Sông Trăng, tức Nguyệt Giang tỉnh”. Rồi khi Tây qua đây, Sốc Trăng viết không bỏ dấu, biến ra Soctrang cho ra vẻ Tây nên mới có câu: “Sốc Trăng hai tiếng mỹ miều/Nửa Miên, nửa Việt, nửa Tiều, nửa Tây”.
Giải mã địa danh Nam kỳ xưa qua Chuyện cũ ở Sốc-Trăng

Nguồn gốc “cửa tranh đề”

Đối với tên gọi cửa Tiểu, cửa Ba Lai, cửa Tranh Đề ở miền Tây, tác giả sách xin “nói lại cho rõ”: “Theo tôi biết, chỉ có cửa Tiểu là sông sâu nước mạnh, tàu thuyền vô ra tấp nập, trái lại cửa Ba Lai, tôi nghe hình như đã từ lâu không dùng”.
Còn địa danh cửa Tranh Đế hay cửa Tranh Đề hoặc Trần Đề, ba danh từ này đều sai và đính chính lại là cửa Trấn Di (trấn là giữ gìn, Di đây là người Miên, bởi vào thời Pháp người họa sĩ nào phóng đại họa đồ trong bảng địa dư Pháp, Paul Alinot, đã lầm đọc không rõ và viết ra sai. Một cải chính khác là cửa Cung Hầu hay cửa Công Hầu đều sai, đúng chữ là cửa Cồn Ngao, nơi sanh trưởng của quan Phan Thanh Giản. Hai chữ “Ngao Châu”, dịch từ hai chữ Nôm Cồn Ngao, người Pháp không đọc đúng chữ nên họ trọ trẹ là “cung gao, công gao” và ông nào đó, Việt chứ không phải Pháp, thi vị hóa luôn ra cửa Cung Hầu hay cửa Công Hầu.

“Cần Thơ” nghe cũng nên thơ

Nhiều địa danh nổi tiếng khác của miền Tây cũng được ông lý giải: Cà Mau, người Miên gọi srok tứk khmau (xứ nước đen) do mủ cây dừa nước chảy ra gặp chất phèn trổ màu đen; Cần Đước do tiếng Miên an doek là giống rùa vàng, nói “cần đợt”, biến lần ra Cần Đước (xứ nhiều rùa)…
Với thủ phủ miền Tây là Cần Thơ, Vương Hồng Sển nghi “là do tiếng Miên Trey kinh thor là con cá sặc, cũng gọi cá đù tho”. Ngoài ra còn một điển khác: “Trong chữ Xếp Chông Cần Lung (tên Nôm của Cần Thơ) thì chữ Lung khá giống chữ “Thư”, “Thơ’. Xếp Chông Cần Lung là xẻo đất ngọn Cần Lung nhưng Cần Thơ đã thành danh, vả lại vẫn nên thơ hơn Cần Lung nên viết sai đọc thành... Cần Thơ.
Còn Rạch Giá, “người Miên gọi xứ này là Kra muon sor (Kra muon: sáp, sor: trắng, bạch”), vì con ong lấy mật cây giá, cây này với bông tràm, có bông trắng nên sáp ong trắng, cây giá dùng làm cừ đóng nền nhà thì bền hơn cừ tràm, ta bỏ tên Miên đặt tên tỉnh là Rạch Giá (rạch cây giá)”, cụ Vương quả quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.