Giải mã gen Z: Người trẻ đang đối diện nhiều vấn đề về tâm lý

25/02/2023 06:00 GMT+7

Sống trong cuộc sống hiện đại, khi đối diện với nhiều áp lực, một bộ phận người trẻ chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng và khả năng quản lý cảm xúc, đã dẫn đến việc giải quyết vấn đề một cách rất tiêu cực, như tự làm hại bản thân, tự tử…

CÙNG CHỮA LÀNH NHỮNG TỔN THƯƠNG

Trong một chương trình tiếp cận với gen Z, một sinh viên tại TP.HCM (xin giấu tên) đã chia sẻ câu chuyện về lý do cô thực hiện dự án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho các bạn trẻ. Ý tưởng về dự án bắt đầu từ khi cô gái này học THPT: "Khi các bạn của mình gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần và ban đầu thì mình cũng không hiểu và không biết phải giúp như thế nào. Sau đó có một bạn của mình tự tử, mình đi vào bệnh viện nhìn thấy bạn nằm trên giường bệnh mà cảm thấy ân hận bởi không làm điều gì đó giúp bạn sớm hơn. Rất may là bạn đã được đưa đến bệnh viện kịp thời, và sau đó mình cùng với bạn nghĩ ra một trò chơi để giúp bạn giải tỏa mỗi ngày".

Giải mã gen Z: Người trẻ đang đối diện nhiều vấn đề về tâm lý  - Ảnh 1.

Áp lực học tập, phải học những môn không thích, ngành không thích cũng khiến bạn trẻ bế tắc

Ngọc Dương

Sau khoảng thời gian, kết hợp với việc điều trị của các chuyên gia thì người bạn ấy đã bình phục trở lại. "Khi bạn tốt nghiệp, lúc phát biểu bạn nhìn mình và cười rất tươi, bạn cảm ơn mình vì đã giúp bạn đứng được ở đây ngày hôm nay. Khi nhìn thấy nụ cười của bạn, mình rất hạnh phúc và mình muốn cả cuộc đời này có thể vẽ lên lại những nụ cười trên những tâm hồn đã từng rất nhiều tổn thương như vậy", cô gái trẻ chia sẻ.

Câu chuyện trên cũng tương tự như chuyện của N.M.N, sinh viên ngành thiết kế nội thất của một trường cao đẳng tại Hà Nội. N. kể: "Khi còn học THPT, mình thường xuyên gặp những vấn đề cá nhân, rồi có những suy nghĩ tiêu cực. Như khi không kết bạn được với những người xung quanh thì mình cũng tự cô lập bản thân. Hoặc mình khá là ghét đi học, vì ở trường toàn dạy những thứ mà mình thấy không liên quan đến mình lắm, phải học những môn học mình không yêu thích… nhưng ba mẹ cũng không biết điều này vì mình không thường xuyên tâm sự với ba mẹ. Thế là, có thời gian mình self-harm (tự hại bản thân - PV), chỉ ở trong nhà, bật nhạc buồn lên và nghe một mình".

Mãi cho đến khi N. gặp được một người chị, người có thể chấp nhận được những nét mà N. cho là "dị dị" của bản thân, như vẻ mặt không thân thiện, tính khó hòa đồng… thì chị ấy cũng mở lòng với N. Thế là cả hai đã cùng lập nên một dự án dùng nghệ thuật, cũng như các phương pháp trải nghiệm để giúp học sinh chia sẻ nỗi lòng, hiểu về bản thân và giảm những âu lo.

Với các thành viên trong dự án của N. thì đôi khi nỗi buồn mà các bạn trẻ đang gặp không phải hoặc chưa phải là vấn đề tâm lý mà đó có thể là một nỗi buồn quá lớn và các bạn không biết giải tỏa thế nào. Đến khi gặp những ảnh hưởng từ các thông tin trên mạng xã hội sẽ làm các bạn chuyển hóa nỗi buồn theo hướng tiêu cực hơn bản chất của nó, dẫn đến những cái kết đau lòng. Và chính các bạn, khi trải qua và ý thức được, các bạn lại lập nên những dự án để cùng nhau giải tỏa và chữa lành những tổn thương.

Giải mã gen Z: Người trẻ đang đối diện nhiều vấn đề về tâm lý  - Ảnh 2.

Cuộc sống hiện đại với quá nhiều áp lực dẫn đến người trẻ đang đối diện với nhiều vấn đề về tâm lý

Mai Thụy

Học cách nhận diện bản thân

Thạc sĩ - bác sĩ CK1 Nguyễn Trung Nghĩa, đơn vị tâm lý tâm thần Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cũng nhìn nhận hiện nay có một bộ phận người trẻ vẫn có biểu hiện mất phương hướng khi gặp những tổn thương và tìm đến những cách giải quyết tiêu cực. Đa phần vì các bạn trẻ chưa có đủ kỹ năng để giải quyết vấn đề, nên khi gặp một vấn đề nào đó thì các bạn sẽ bế tắc và chọn cách là không giải quyết nữa. Tuy nhiên, vẫn có một số bạn trẻ gen Z rất bình tĩnh, sáng suốt tìm sự giúp đỡ và vẫn biết tự soi chiếu vào bên trong mình để tìm câu trả lời, cũng như hướng giải quyết.

Theo bác sĩ Nghĩa, số lượng người trẻ đến bệnh viện khám về sức khỏe tâm thần có gia tăng qua các năm. Tại bệnh viện thì các ca bệnh là người trẻ chiếm đến 70% số lượng bệnh nhân đến khám.

"Xưa khi buồn chán sẽ tìm bạn bè để tâm sự, khi có niềm vui cũng chia sẻ cùng nhau. Giờ khi buồn chán thì có trong tay chiếc điện thoại hoặc các thiết bị kết nối internet, nên người trẻ có xu hướng một mình nhiều hơn, dẫn đến mất đi sự kết nối. Mạng xã hội cũng dẫn đến peer pressure (áp lực đồng trang lứa), đây là áp lực rất lớn và là nguyên nhân dẫn đến đa phần các bạn trẻ bị căng thẳng, stress", bác sĩ Nghĩa chỉ ra những vấn đề tâm lý của người trẻ.

Giải mã gen Z: Người trẻ đang đối diện nhiều vấn đề về tâm lý  - Ảnh 3.

Bạn trẻ tìm đến các phòng tham vấn tâm lý học đường

Đào Ngọc Thạch

Tuy nhiên, bác sĩ Nghĩa cũng cho rằng hiện nay người trẻ cũng đã rất để ý và xem sức khỏe tâm thần như một cấu phần trong sức khỏe của các bạn và cũng song hành với sức khỏe thể chất.

"Cũng có một thực tế là các bạn lạm dụng các khái niệm về sức khỏe tâm thần quá nhiều, các bạn hiểu nhưng hiểu chưa tới. Như khi gặp chuyện gì lại nghĩ chắc mình trầm cảm rồi… và việc lạm dụng này sẽ trở thành nguyên nhân để đổ thừa, không chịu cố gắng hoặc tìm cách để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, khi mà khái niệm này trở nên phổ biến thì mọi người sẽ bình thường hóa và cho rằng không cần phải chữa hay điều trị", bác sĩ Nghĩa cho biết và gợi ý: "Các bạn trẻ hãy bắt đầu học cách để nhìn nhận, nhận thức về bản thân mình tốt hơn, cập nhật kiến thức về sức khỏe tinh thần và nhận diện được những vấn đề mình đang gặp phải để biết cách giải quyết".

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng thừa nhận trong xã hội hiện đại, có một bộ phận người trẻ có xu hướng dễ bị tổn thương, sang chấn tâm lý và lựa chọn cách giải quyết tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của cá nhân cũng như là của những người xung quanh.

Các bạn trẻ hãy bắt đầu học cách để nhìn nhận, nhận thức về bản thân mình tốt hơn, cập nhật kiến thức về sức khỏe tinh thần và nhận diện được những vấn đề mình đang gặp phải để biết cách giải quyết.


Thạc sĩ - bác sĩ CK1 Nguyễn Trung Nghĩa

"Sự tác động từ phía xã hội khi mà có quá nhiều áp lực trong cuộc sống hiện tại, từ dịch bệnh, sự phát triển một cách ào ạt tất cả các lĩnh vực trong đời sống dẫn đến việc các bạn trẻ hoang mang, chới với và thiếu định hướng trong việc phát triển bản thân, cũng như khắc phục và đối diện với những khó khăn mà các bạn gặp phải…", chị Thảo nhìn nhận.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì theo chị Thảo cốt lõi nhất vẫn là các bạn trẻ hiện nay chưa thực sự có được nhận thức đúng đắn về thế giới quan và về cá nhân của mình, chưa hiểu rõ được mình cần phải làm gì, ứng xử ra sao, thiếu về kỹ năng sống... Cho nên khi các bạn đứng trước những biến cố của cuộc đời, các bạn không biết làm sao để giải quyết một cách tốt nhất những khó khăn mà mình gặp phải.

Theo chị Thảo, người trẻ cần trang bị kỹ năng tự nhận thức để hiểu rõ được nguồn lực của bản thân và giá trị của mình. Bên cạnh đó là kỹ năng quản lý cảm xúc, vì khi phát sinh ra những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống thì việc quản lý, xử lý những cảm xúc tiêu cực giúp chúng ta hạn chế những hành động có xu hướng làm hại bản thân mình hay những người xung quanh. Và cuối cùng là kỹ năng về giao tiếp cũng như là khai thác, tìm kiếm những nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để được cho lời khuyên và những giải pháp để giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.