Người trẻ 'trốn quê' ở thành phố ăn tết: 'Không nên chạy trốn cảm xúc tiêu cực!'

Lê Nam
Lê Nam
25/01/2021 14:12 GMT+7

Tết nguyên đán đến gần, nhiều bạn trẻ đi làm ở thành phố bày tỏ muốn ở lại và không về ăn tết với 1001 lý do dẫn đến tâm lý 'ngại ăn tết'.

Vị phụ huynh thở dài trong điện thoại khi cậu con trai tuyên bố “năm nay con không về ăn Tết”. Khi hỏi lý do, 9X này chia sẻ: “năm ngoái em về ăn tết hết 70 triệu đồng, nên năm nay em không về nữa đâu”.

Tốn đủ thứ…tiền!?

Tiến Dũng, 27 tuổi, làm marketing cho một nhãn hàng nước có ga, quê Thanh Hoá mới chuyển vào TP.HCM sống được 1 năm nay
Khi mọi người ở cùng nhà rục rịch đặt vé tết từ sớm thì Dũng vẫn chẳng mảy may đoái hoài. Hỏi ra mới biết, cậu đã quyết định ở lại thành phố ăn tết với lý do “tiết kiệm tiền”. “Đi vào TP.HCM để kiếm tiền mà đến tết lại không đủ tiền về?”, chúng tôi ngạc nhiên. “Em có tiền để về, nhưng nếu về thì sẽ rất tốn tiền nên em ở lại để tiết kiệm số tiền đấy”, cậu lý giải.
Tiến Dũng cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái, cậu đã tiêu hết tất cả… 70 triệu đồng. “Ở quê em không coi chuyện lì xì là vui vẻ, mà đã lì xì phải nhiều. Lúc gặp con nít mà lì xì ít sẽ bị đánh giá, nói vào nói ra là ki bo keo kiệt”, Dũng khẳng định.

Ngày càng có nhiều người trẻ chọn ở lại thành phố thay vì về quê ăn tết

Ảnh minh họa Ngọc Dương

Dũng đặt vấn đề, nếu năm nay không về quê, cậu sẽ tiết kiệm được từ 7-10 triệu đồng tiền vé máy bay, số tiền đó coi như để biếu gia đình, còn mình không phải tiêu gì nữa.
Giống như Dũng, Tuấn Đạt, quê Nam Định, nhân viên phát triển nội dung cho công ty công nghệ Q.7, cũng cho hay sẽ ở lại “ăn tết Sài Gòn”. Lý do đưa ra là: “Về quê phải biếu xén các kiểu, rất tốn kém. Hơn nữa năm ngoái về tụ tập bạn bè đi chơi cũng tốn kém. Mua quần áo mùa đông cũng tốn không ít. Ở Sài Gòn cũng không phải mua đồ mới luôn, mặc lại đồ cũ không phải mua ở đâu”.

Hỏi chuyện yêu đương quá nhiều!

Trong khi đó, áp lực chuyện tình cảm, người yêu hay lập gia đình cũng khiến nhiều bạn trẻ… ngại về quê ăn tết.
“Bữa trước, mẹ gọi điện cho mình và nói một giọng điệu rất nghiêm túc: Mẹ đi đám cưới nhiều lắm rồi, bao giờ đến lượt mẹ? Mình đã thẳng thắn đáp: “Nếu mẹ còn tiếp tục chủ đề này thì đừng bao giờ gọi điện cho con nữa”, Thiên Anh, nhân viên truyền thông một công ty ở Q.1, TP.HCM chia sẻ.
Danh Trọng, 26 tuổi, nhân viên ngân hàng, quê Thái Nguyên, thở dài: “Thời gian gần đây, gia đình liên tục hỏi chuyện mình có người yêu chưa? Khi nào lấy vợ? Ai cũng đòi ăn cỗ đến nỗi mình không còn biết lấy lý do gì để trả lời nữa”. Phạm Dự, bạn của Trọng,  cũng là nhân viên ngân hàng, bổ sung: “Mình cũng tương tự như vậy. Lúc học xong còn nói công việc ổn định rồi tính tiếp. Giờ đi làm rồi thì bảo chưa tìm được người phù hợp nhưng cũng không làm nguôi ngoai các cụ”.
Trong khi đó, Dự còn từng gặp phải tình huống người dì quyết “đối chất” vụ người yêu với cậu. “Khi mình giải thích giờ có phải muốn cưới là cưới ngay được đâu. Dì nạt: Sao mà không cưới được? Mày bị làm sao mà không nó không cưới”. Nói vậy xong mình chỉ cười chứ không biết làm gì nữa.

Sợ hỏi chuyện tình cảm, chuyện lập gia đình cũng là áp lực mà nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Nguyễn Sơn Tùng

“Mình ngại về đúng dịp đông đúc nên về trước hoặc sau, mấy năm trước hết tết tớ mới về”, Thuỳ Linh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng Q.3, TP.HCM nói. “Không về, bố mẹ có phản ứng gì không?”, tôi đặt câu hỏi. Linh trả lời: “Thì nhà mình bảo về trước hoặc sau mà, tại tết hai cụ thường đi du lịch, mình về cũng chẳng có ai”.

"Không nên chạy trốn cảm xúc tiêu cực!"

Xu hướng "trốn tết" đang ngày càng phổ biến ở một bộ phận giới trẻ thành thị. Tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra với nhiều người trẻ ở các nước trong khu vực.
Hành động đó như một cách để chạy trốn cảm xúc tiêu cực thì hơi... hèn nhát. Và đó cũng không phải cách làm triệt để. Chưa kể, niềm vui sum họp gia đình quý giá hơn nhiều, không đáng để mang ra đánh đổi như vậy 
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long 
Bình luận về thực trạng này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (nhà sáng lập truyền thông Trăng Đen) nói: "Tôi đồng cảm nhưng không ủng hộ". Anh cho biết: "Đồng cảm vì đó là những nỗi lo có thật và nó gây phiền toái, ức chế lên người trẻ. Những vấn đề đó tưởng là nhỏ nhưng tác động rất lớn đến tâm lý, cảm xúc và niềm vui của các bạn. Ngày tết nên là ngày của sự đoàn viên, gắn kết, chia sẻ tâm tình, mang lại niềm vui cho tất cả mọi người chứ không phải để gây ra sự khó chịu lấn cấn trong lòng.
Không ủng hộ vì nếu coi hành động đó như một cách để chạy trốn cảm xúc tiêu cực thì hơi... hèn nhát. Và đó cũng không phải cách làm triệt để. Chưa kể, niềm vui sum họp gia đình quý giá hơn nhiều, không đáng để mang ra đánh đổi như vậy".

Trong ngày tết, niềm vui sum họp gia đình quý giá hơn nhiều!

Nguyễn Ngọc Long

Nếu người trẻ gặp các tình huống tâm lý gây xung đột với phụ huynh, họ hàng trong gia đình, anh Ngọc Long đưa ra lời khuyên: "Tôi đã khuyên rất nhiều bạn bè của mình nên phản ứng ngay lập tức với người lớn khi gặp những câu hỏi như vậy. Các bạn có thể tùy vào vai vế của người đối diện và sự gần gũi trong mối quan hệ để có cách lựa lời phù hợp. Nhưng quan trọng nhất cần thể hiện sự nghiêm túc và thẳng thắn khi đề cập. Nếu người đối diện cảm nhận được sự nghiêm túc trong lời nói của bạn về sự khó chịu của bản thân, lần tới họ sẽ không bao giờ đề cập nữa".
Tết này, bạn chọn ở lại thành phố hay về quê sum họp gia đình?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.