(TNO) Sau khi xem số “gia tài” của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Loan (41 tuổi, ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh) tạo ra, nhiều già làng và cán bộ ở xã Trà Phong, H.Tây Trà bước đầu đã “giải mã” một số bí ẩn.
Để giữ lửa nấu nướng, sưởi ấm suốt mấy chục năm, cha con “người rừng” đã “chế tạo” những vật dụng hết sức hữu hiệu từ cây rừng. Họ dùng dao cạo lớp bột bám dính vào thân cây đủng đỉnh rồi phơi khô. Đến khi cần dùng, lấy một ít đặt lên hòn đá và dùng búa đập mạnh nhiều lần sẽ sinh ra lửa.
|
Trong số các vật dụng mà cha con “người rừng” tạo ra, còn có một bó lông nhím, vài miếng da thú nhỏ được gói kỹ trong chiếc lá dong. Theo các già làng, da thú, lông nhím và lá cây rừng chính là “thuốc” mà cha con “người rừng” dùng để chữa bệnh lúc ốm đau, trong đó lông nhím là “thuốc” trị bệnh đau bao tử.
Điều bất ngờ nhất là suốt 40 năm sống trong rừng với thời tiết khắc nghiệt, ngày ngày phải lo cái ăn, cái mặc, đối chọi với thú giữ nhưng cha con “người rừng” vẫn gói ghém, lưu giữ cẩn thận 4 cúc áo, 1 áo len thời trẻ thơ của anh Loan, 1 bộ đồ bộ đội đem theo khi mới bỏ làng chạy lên rừng.
"Lão người rừng” là bộ đội chính quy
Theo xác minh của UBND và Ban chỉ huy quân sự H.Tây Trà, “người rừng” Hồ Văn Thanh là bộ đội chính quy Quân khu 5 đóng quân ở miền tây Quảng Ngãi. Sau khoảng 5-6 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Thanh rời quân ngũ trở về quê.
Đến năm 1972, sau biến cố lớn ập xuống gia đình, ngôi nhà hoang vì trúng bom trong chiến tranh làm người mẹ ruột và 2 con chết, ông Thanh ôm con trai Hồ Văn Loan vào rừng, trở thành người con của đại ngàn.
Từ rừng sâu, núi thẳm trở về với cộng đồng, cha con “người rừng” nhìn mọi vật đều xa lạ. Anh Hồ Minh Lâm, người anh con bác ruột của anh Loan, kể buổi tối mới về ngủ trong căn nhà ngói, nền lát gạch hoa, đôi mắt của “người rừng” Loan cứ liếc ngang, liếc dọc, miệng cứ lầm bầm gì đó.
Cũng theo anh Lâm, lần đầu bật ti vi lên, “người rừng” Loan quay mặt đi chỗ khác không dám nhìn thẳng vào ti vi. Tuy nhiên sau một vài lần, “người rừng” Loan bắt đầu quen dần, “chịu” ngồi xem ti vi, đôi lúc thấy lạ lại cười; hay như lúc đầu không biết mặc quần áo sơ mi nên cha con anh Lâm phải bày cách và mặc giúp. Vài lần như thế, “người rừng” Loan cũng tự mình mặc quần áo.
Khi PV Thanh Niên Online đưa điếu thuốc đầu lọc, “người rừng” Loan rụt rè không dám đưa tay ra cầm. Đến khi anh Lâm nói bằng tiếng Cor, “người rừng” Loan mới dám lấy điếu thuốc và tỏ vẻ sợ sệt khi chúng tôi dùng quẹt gas mồi thuốc cho anh.
Qua lời “phiên dịch” của anh Lâm, “người rừng” Loan chê thuốc đầu lọc dở hơn loại thuốc mà cha con anh tự trồng trong rừng để hút.
Thấy hoàn cảnh cha con “người rừng” đáng thương, nhiều người dân kéo đến cho “người rừng” Loan một ít tiền. Đối với “người rừng” Loan, những tờ tiền mà anh cầm trên tay quá lạ lẫm, chưa nhìn thấy bao giờ nên chẳng thích thú gì.
Theo thông tin từ UBND H.Tây Trà, huyện đã hỗ trợ làm nhà cho cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Loan (41 tuổi, ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh) đồng thời tiến hành làm các thủ tục để giải quyết chế độ chính sách liên quan đến chế độ cho người có công đối với ông Thanh (ông Thanh là bộ đội xuất ngũ). |
Câu chuyện hai cha con "người rừng" Việt Nam lên báo nước ngoài
Câu chuyện hai cha con “người rừng” 40 năm sống biệt lập giữa rừng sâu Tây Trà (Quảng Ngãi) xuất hiện nhiều trên mặt báo và hãng thông tấn nước ngoài. Daily Mail, Telegraph, BBC, Times Live, Metro… cùng rất nhiều báo, tạp chí hôm nay đã đăng nhiều hình ảnh và thông tin về sự kiện ly kỳ này. Ibttimes dẫn nguồn từ Báo Thanh Niên cho biết tình trạng hai cha con “người rừng” sống trên ngôi nhà tạm bợ như tổ chim, ăn rau rừng và săn bắt động vật qua ngày. Bên cạnh đăng tải hình ảnh, clip về câu chuyện này, Daily Mail lưu ý đến chi tiết ông Hồ Văn Thanh ôm con trốn vào rừng vì hoảng loạn sau khi một quả bom rơi trúng nhà khiến ba người thân thiệt mạng. Tờ báo này nhắc lại sự kiện chiến tranh Việt Nam với bình luận: “Chiến tranh đẫm máu tại Việt Nam đã cướp đi hàng triệu sinh mạng. Nó đã để lại những hậu quả đau đớn cho binh lính và những người dân địa phương”. T.Anh |
|
Bài, ảnh: Hiển Cừ
>> Bí ẩn cha con “người rừng”
>> Cha con 'người rừng' đã sống 40 năm qua như thế nào ?
>> Ly kỳ chuyện giải cứu 2 'người rừng' sau... 40 năm
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 5: 20 năm làm “người rừng”
>> Kết quả giám định ADN vụ mẹ con “người rừng”
>> Theo dấu người rừng
Bình luận (0)