Liệu bạn có đang gặm móng tay một cách vô thức khi đọc bài báo này? Nghiên cứu mới của Đại học Montreal cho rằng hành vi này có thể tiết lộ nhiều hơn về tính cách một người.
Tật gặm móng tay không chỉ là hành động gây mất thiện cảm - Ảnh: Shutterstock
|
Những người thường xuyên thiếu kiên nhẫn, dễ buồn chán hoặc thất vọng vô cớ, thường có thói quen thực hiện những hành vi vô thức và lặp đi lặp lại như cắn móng tay, nhổ lông mi, móc mụn, bóc da. Đó là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu được đăng trên chuyên san Journal of Behavior Therapy and Experimental Psychiatry về những thói quen gây tổn hại đến cơ thể và tâm lý của một người. “Chúng tôi cho rằng những cá nhân mắc hành vi lặp đi lặp lại trên có thể là người thiên về khuynh hướng cầu toàn, có nghĩa là họ không thể thư giãn và hoàn tất nhiệm vụ theo tốc độ bình thường”, trưởng nhóm là tiến sĩ Kieron O'Connor, Giáo sư ngành tâm lý học của Đại học Canada nhận xét.
Theo đó, những người này có khuynh hướng dễ bị thất vọng, mất kiên nhẫn và không hài lòng khi chẳng đạt được mục tiêu như ý. Đó là chưa kể đến chuyện họ luôn chìm trong tâm trạng buồn chán nặng nề.
Trong cuộc nghiên cứu, các chuyên gia tiếp xúc với 48 người, với hơn phân nửa thường xuyên sa đà vào những dạng hành vi cưỡng bức như trên, còn những người có hành vi bình thường đóng vai trò nhóm kiểm soát.
Theo đó, họ được yêu cầu trả lời những câu hỏi về mức độ trải nghiệm những cảm xúc như buồn chán, giận dữ, mặc cảm có lỗi, bứt rứt và lo lắng. Kế đến, từng người bị đẩy vào các tình huống được thiết kế để kích thích những cảm giác cụ thể (bao gồm sự thư giãn, căng thẳng, thất vọng và buồn chán). Ví dụ, trong bối cảnh tạo sự buồn chán, đối tượng bị bỏ mặc trong một căn phòng trống suốt 6 phút. Kết quả cho thấy những người có thói quen “trừng phạt” cơ thể càng muốn thực hiện những hành vi cắn móng tay, cạo da mặt khi cảm thấy căng thẳng và thất vọng. Thế nhưng họ lại cư xử hoàn toàn bình thường trong môi trường thư giãn.
Theo các chuyên gia Canada, nếu thỉnh thoảng phát hiện mình gặm móng tay, bạn không cần phải lo lắng vì hành động này chẳng gây hại gì mấy. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu còn cho rằng những hành vi đó đóng vai trò như một mục tiêu tạm thời khi con người không đủ khả năng chuyển tải năng lượng bản thân theo hướng có hiệu quả hơn. “Hiệu quả tích cực của những hành động đó là kích thích và điều tiết cảm xúc”, trang tin The Huffington Post dẫn lời Giáo sư O'Connor. Tuy nhiên, nếu chuyện gặm móng tay diễn ra thường xuyên, can thiệp vào đời sống hằng ngày và tạo hình ảnh xấu cho một cá nhân, nó đã chuyển sang giai đoạn rối loạn hành vi. Chẳng hạn, nữ diễn viên Olivia Munn từng chia sẻ về nỗ lực chống chọi với tình trạng hay bứt lông mi. “Tôi không cắn móng tay, nhưng tôi lại bứt lông mi của mình. Thật sự là không đau, nhưng hết sức bực bội”, trang tin New York Daily News dẫn lời của nữ diễn viên Mỹ vào năm 2012.
Vậy làm sao trị được những thói quen có hại như thế? Hiện có hai hướng giải quyết: thứ nhất điều trị bằng cách thay thế thói quen xấu bằng một thói quen khác tích cực hơn, và hai là tập trung vào những tác động gây nên tình trạng căng thẳng ở người đó, chẳng hạn như xu hướng cầu toàn và những suy nghĩ tiêu cực.
Bình luận (0)