Giải mã hiện tượng 'cầu vồng bao quanh mặt trời' kỳ thú xuất hiện ở Tây Ninh

09/06/2023 18:38 GMT+7

Hình ảnh một vòng tròn nhiều màu sắc giống như cầu vồng bao xung quanh mặt trời tại Tây Ninh hôm nay được người dân hào hứng chia sẻ lên mạng xã hội. Đây là hiện tượng gì?

“Lần đầu thấy hiện tượng lạ"

Theo đó, hình ảnh về một vòng tròn nhiều màu sắc giống như cầu vồng bao xung quanh mặt trời được cho là xuất hiện tại Tây Ninh sáng nay (9.6) được nhiều người dân địa phương chụp lại và chia sẻ ào ạt trên mạng xã hội.

Hiện tượng 'cầu vồng bao quanh mặt trời' kỳ thú xuất hiện ở Tây Ninh - Ảnh 1.

Hình ảnh vòng tròn nhiều màu sắc bao quanh mặt trời ở Tây Ninh được chia sẻ trên mạng xã hội.

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Chị Đào Thị Xuân Hà (42 tuổi) hiện đang sống tại khu phố Ninh Lộc, P.Ninh Sơn, TP.Tây Ninh (Tây Ninh) cho biết sáng nay chuẩn bị ra ngoài đi làm thì được anh rể gọi điện thoại thông báo rằng trên bầu trời xuất hiện “hiện tượng lạ".

“Lúc đó chừng 8 giờ sáng hơn, tôi vội chạy ra ngoài xem. Lúc này mặt trời chưa nắng gắt lắm, nhìn giống như là cầu vồng bao quanh mặt trời vậy. Lần đầu trong đời tôi thấy hiện tượng này nên cũng thấy tò mò, ngộ ngộ mà nhìn cũng đẹp nên cùng người nhà vội chụp lại rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Nhìn ở ngoài còn đẹp hơn trên hình nhiều lần", chị Hà nói thêm.

Nhiều người thích thú trước hiện tượng ít xuất hiện này.

HOÀNG THIÊN

Cũng có nhiều người chụp lại được hiện tượng trong thời gian nói trên và chia sẻ lên mạng, cho biết hiện tượng này kéo dài sau đó hơn 1 tiếng rồi “cầu vồng" này bắt đầu tan dần.

Giải mã hiện tượng 'cầu vồng bao quanh mặt trời' kỳ thú xuất hiện ở Tây Ninh

Chị Phượng Lê (45 tuổi, ngụ Tây Ninh) cũng xác nhận mình chứng kiến hiện tượng quầng sáng bao quanh mặt trời thời điểm nói trên và gọi người thân ra xem. Chị bày tỏ sự lo lắng không biết hiện tượng này có dự báo hiện tượng thời tiết nào hay không.

Hiện tượng 'cầu vồng bao quanh mặt trời' kỳ thú xuất hiện ở Tây Ninh - Ảnh 3.

Chị Xuân Hà chia sẻ bức ảnh chụp được lên mạng xã hội.

ĐÀO THỊ XUÂN HÀ

Hiện tượng ít khi xảy ra

Quan sát những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) nhận định đây là hiện tượng Sun Halo (tán mặt trời hay quầng mặt trời). Khi xảy ra hiện tượng này, người ta có thể quan sát thấy một vòng tròn sáng nhiều màu bao xung quanh mặt trời và đây là hiện tượng ít khi xảy ra.

Theo ông Tuấn, hiện tượng này xảy ra khi ánh sáng từ mặt trời khúc xạ qua lớp tinh thể băng trong đám mây Ti tầng Cirrostratus (Cs), thường có góc khúc xạ là 22 độ. Thường khi mây Ti tầng Cs xuất hiện sẽ là dấu hiệu cho thấy rằng một frông ấm đang chuẩn bị đến gần và kèm theo đó là một khu vực áp suất thấp đang di chuyển tới. Frông là mặt ngăn cách 2 khối khí khác biệt nhau về nhiệt độ và hướng gió. Đây là thuật ngữ được dùng nhiều trong địa lý và thiên văn học.

Hiện tượng 'cầu vồng bao quanh mặt trời' kỳ thú xuất hiện ở Tây Ninh - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) nhận định đây là hiện tượng Sun Halo.

ĐÀO THỊ XUÂN HÀ

“Luồng không khí nóng sẽ đi vào khu vực lạnh và khô hơn. Theo quá trình này, dòng khí nóng sẽ di chuyển từ từ lên phía trên khối không khí lạnh. Quá trình này có thể sẽ tạo các đám mây và quá trình ngưng tụ hạt nước trong đám mây sẽ diễn ra liên tục dọc theo đường biên của frông ấm.

Lượng nước ngưng tụ được phụ thuộc vào độ ẩm của khối không khí trước bề mặt của frông này. Ngoài ra, theo sau một frông ấm là một khu vực ấm mà các khối không khí trong đó thường là ấm và ẩm, đây là nơi mà các cơn bão mạnh có thể hình thành”, ông Tuấn lý giải thêm.

Theo cựu chủ nhiệm HAAC, trong 48 tiếng đồng hồ từ khi hiện tượng này xuất hiện, nhiều khả năng sẽ có mưa giông hoặc trời sẽ nhiều mây hơn, vòng sáng càng rực rỡ thì khả năng có mưa càng cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng xuất hiện khi xảy ra hiện tượng tán mặt trời này.

Hiện tượng 'cầu vồng bao quanh mặt trời' kỳ thú xuất hiện ở Tây Ninh - Ảnh 5.

Khoảng 10 giờ kém, hiện tượng dần biến mất.

ĐÀO THỊ XUÂN HÀ

Còn theo PGS.TS Lê Văn Tuất, Trưởng bộ môn quang học - quang phổ, Khoa Vật lý (Trường ĐH Khoa học Huế), quầng mặt trời chỉ là hiện tượng thiên văn vật lý bình thường. Đây là hiện tượng tán sắc ánh sáng qua bầu khí quyển, do thời tiết biến đổi nên lượng hơi nước lớn, độ ẩm cao (tương tự cầu vồng sau cơn mưa).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.