Giải mã hiện tượng 'nóng muốn điên'

28/04/2018 10:35 GMT+7

Thời tiết nóng bức thực sự khiến chúng ta dễ nổi giận, đầu óc chẳng còn mấy sáng suốt và thậm chí tính khí càng hung hãn hơn so với thời tiết dịu mát, tất cả là vì hoóc môn thay đổi.

“Nóng muốn bốc khói” là điều hoàn toàn có thật, sau khi giới khoa học xác nhận hàm lượng hoóc môn gây stress tăng cao khi môi trường xung quanh tăng nhiệt. Theo chuyên san Science Daily, phát hiện mới đã mang đến manh mối giúp giải thích một hiện tượng bí ẩn vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu lâu nay, gọi là “mùa hè ảm đạm”.
Trong vài thập niên qua, giới chuyên gia thu thập được vô số các chứng cứ cho thấy có mối liên hệ giữa tình trạng nóng bức với tính khí bùng nổ, những vụ tự sát và bạo lực gia tăng ở người. Giờ đây, các nhà nghiên cứu Ba Lan mới xác định được nguyên nhân đằng sau hiện tượng này: hàm lượng hoóc môn gây stress cortisol được phát hiện cao hơn hẳn mỗi khi hè đến, và thời tiết nóng bức khiến con người dễ cáu kỉnh và không khống chế được cảm xúc.

Tiến sĩ Dominika Kanikowska, chuyên gia sinh lý bệnh học của Đại học Y khoa Poznan (Ba Lan), bày tỏ sự ngạc nhiên khi kết quả nghiên cứu cho thấy cortisol tăng cao khi nhiệt độ môi trường gia tăng. Bà cho biết phát hiện mới hoàn toàn trái ngược với quan niệm lâu nay rằng mùa đông ảnh hưởng đến tâm sinh lý con người, khiến họ buồn bã và dễ dẫn đến những quyết định tiêu cực, còn mùa hè mang đến cảm giác thoải mái hơn với “vitamin ánh nắng”.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy tình trạng bạo lực lại gia tăng vào mùa hè, đặc biệt khi thời tiết nóng hơn bình thường. Nhiều giả thuyết cho rằng nhiệt độ môi trường cao dẫn đến nhịp tim tăng tốc, hàm lượng hoóc môn sinh dục nam tăng vọt và những phản ứng thuộc về trao đổi chất gây kích thích hệ thần kinh. Thế nhưng, câu trả lời khiến giới khoa học bất ngờ vì hung thủ lại là “cortisol”.
Cortisol chịu trách nhiệm kích hoạt phản ứng gọi là “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, và nhiều người lại thiên về vế sau mỗi khi trời nóng. Sở dĩ cortisol có tên khác là “hoóc môn stress” vì nó được bổ sung vào hoạt động tuần hoàn máu trong những tình huống khó khăn hoặc khiến con người lo lắng.
Tiến sĩ Kanikowska giải thích hoóc môn này giúp giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe về mặt tổng quát. “Hàm lượng cortisol thường đạt mức cao nhất vào buổi sáng và tụt dần trong ngày. Nồng độ hoóc môn này vào buổi chiều ở mức thấp hơn để bảo đảm giấc ngủ bình thường cho con người”, theo nữ tiến sĩ. Các chuyên gia cho hay bệnh tật, thiếu ngủ và thuốc men có thể gây ảnh hưởng lớn đối với việc tiết ra cortisol.
Để rút ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã theo dõi tình trạng tâm sinh lý của hai nhóm nữ sinh vào mùa hè và sau đó đến mùa đông. Họ phát hiện hàm lượng hoóc môn stress cao hơn ở mùa hè. Đội ngũ chuyên gia đã trình bày phát hiện mới tại hội nghị thường niên của Tổ chức American Physiological Society (APS), diễn ra tại TP.San Diego (bang California, Mỹ) hôm 25.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.