Thành phố cổ Pompeii, ngày nay thuộc Ý, từng là nơi sinh sống của khoảng 20.000 dân thời La Mã cổ đại. Vụ phun trào núi lửa Vesuvius năm 79 đã chôn vùi thành phố này.
Trước đó, các nhà khảo cổ ước tính 15 - 20% dân số Pompeii thiệt mạng trong vụ núi lửa, phần lớn là do sốc nhiệt khi đám mây tro bụi bao trùm thành phố.
Hãng AFP ngày 18.7 đưa tin một nghiên cứu được công bố cùng ngày trên tạp chí Frontiers in Earth Science đã cung cấp cái nhìn mới về nguyên nhân tử vong của người dân Pompeii.
Bộ xương kể gì về cái chết trong thảm họa núi lửa Pompeii?
Các nhà khoa học lập luận có một hoặc nhiều trận động đất xảy ra cùng lúc với vụ phun trào núi lửa đã góp phần khiến các tòa nhà sụp đổ và gây ra cái chết cho người dân.
"Kết luận của chúng tôi là việc các tòa nhà sụp đổ do hoạt động địa chấn cùng thời điểm núi lửa phun trào nên được xem là một nguyên nhân khiến nhiều người tử vong ở Pompeii", nghiên cứu có đoạn.
Các nhà khoa học đã tranh luận trong nhiều thập niên rằng liệu có hoạt động địa chấn nào xảy ra trong lúc núi lửa phun trào hay không. Vào tháng 5.2023, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra bộ xương của 2 người đàn ông dường như đã chết ở Pompeii không phải do nhiệt, mà đến từ chấn thương do bức tường đổ trúng người. Điều này cung cấp dữ liệu mới quý giá về nguyên nhân tử vong. Một trong những nạn nhân được phát hiện với bàn tay trái giơ lên như thể để bảo vệ đầu.
"Điều đáng chú ý là những chấn thương như vậy tương tự chấn thương của những người trong các vụ động đất thời hiện đại", nhóm tác giả nghiên cứu viết, cho rằng bức tường sụp đổ là do hoạt động địa chấn.
Tro núi lửa sau đó đã chôn vùi thành phố La Mã cổ đại và được phát hiện vào cuối thế kỷ 16. Trong khoảng 25 năm qua, di cốt của hơn 1.300 nạn nhân đã được tìm thấy.
Bình luận (0)