Giải mã năng lực dùng sao đoán hướng của bọ hung

02/05/2017 21:02 GMT+7

Kết quả nghiên cứu mới của Thụy Điển cho thấy bọ hung dựa trên độ sáng của nhiều sao khác nhau của dải Ngân hà để tìm được phương hướng di chuyển.

Bằng cách nào đó, côn trùng di chuyển và xác định phương hướng chẳng khác nào như tổ tiên chúng ta đã làm: sử dụng bầu trời. Mặt trời là kim chỉ nam số một, cho phép chúng định vị phương hướng, và đến ban đêm, bầu trời sao là công cụ duy nhất để các loài sống về đêm dựa dẫm.
Một số loài có thể lợi dụng ánh sáng mặt trăng để tìm đường, nhưng đặc biệt loài bọ hung, tên khoa học là Scarabaeus satyrus, lại có thể nương nhờ ánh sáng từ dải Ngân hà để xác định hướng di chuyển. Để có thể khám phá kỹ năng đặc biệt trên của bọ hung, James Foster, nghiên cứu sinh của Đại học Lund (Thụy Điển) và đồng sự đã xây dựng một mô hình dải Ngân hà nhân tạo, sử dụng đèn LED nhằm thử năng lực của bọ hung. Kết quả cho thấy, chúng dựa trên những mảng sáng tối khác nhau của thiên hà để xác định hướng đi.
Scarabaeus satyrus vận dụng công cụ “ngân hà” một cách nhuần nhuyền mỗi đêm, khi ra khỏi hang ở đồng cỏ châu Phi, tìm kiếm phân động vật. Để không phải va chạm bọ hung khác trong lúc kiếm ăn, chúng lăn phân cách vài mét so với vị trí vừa tìm được trước khi dùng bữa. Nhằm tránh quay lại điểm ban đầu, chúng duy trì một đường thẳng trong lúc lăn phân. Và sau thời gian quan sát, các nhà khoa học phát hiện bọ hung có thể hoạt động bình thường trong những đêm không trăng.
Vì vậy, vào năm 2009, một nhóm các nhà nghiên cứu bắt một số bọ hung đến cung thiên văn ở Johannesburg và theo dõi chúng cố gắng tìm đường trong điều kiện các mô hình sao khác nhau. Họ phát hiện bọ hung có thể tìm đường đi khi cung thiên văn hiển thị dải Ngân hà, chỉ một dải ánh sáng vắt ngang bầu trời đêm tạo ra từ sự sắp xếp các sao theo hình đĩa của thiên hà chúng ta. Tuy nhiên, chúng đột nhiên bị mất phương hướng khi cung thiên văn chỉ xuất hiện những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm.
Lúc đó, vẫn chưa rõ bọ hung đã bắt được manh mối nào của dải Ngân hà để có thể xác định hành trình. Trong báo cáo mới trên tạp chí The Conversation, nhóm của ông Foster quyết định xây dựng bầu trời đêm nhân tạo với trọng điểm là dải Ngân hà được đơn giản hóa. Họ phát hiện bọ hung xác định được sự biến thiên của độ sáng dọc theo dải Ngân hà để quyết định nên đi hướng nào.
Cơ chế này tương tự như cách những loài côn trùng đã dựa trên sự khác biệt về độ sáng của bầu trời vào ban ngày, trong trường hợp mặt trời bị chìm trong bóng mây. Chiến lược so sánh độ sáng có thể ít phức tạp hơn cách thức chim chóc và giới đi biển trước đây tìm được những chòm sao cụ thể, nhưng lại là giải pháp hoàn hảo để diễn dịch thông tin phức tạp của bầu trời đêm ở trường hợp của bọ hung, sinh vật có mắt và não bị giới hạn.
Cho đến nay, Scarabaeus satyrus là loài duy nhất được công nhận có thể dùng dải Ngân hà làm la bàn, nhưng giới nghiên cứu cho rằng chiến lược này có thể được nhiều sinh vật sống về đêm áp dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.