Những tranh luận về tốc độ vận chuyển vũ khí bị chậm lại đã gây thêm rạn nứt mối quan hệ giữa Israel - Mỹ. Cả quan chức Mỹ và Israel đều đồng ý rằng đã có sự thay đổi kể từ tháng 3. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 18.6 chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden trì hoãn viện trợ vũ khí suốt nhiều tháng - điều mà Mỹ bác bỏ, theo báo The Wall Street Journal.
Bình luận về vấn đề trên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tốc độ giao hàng hiện tại chỉ chậm lại so với các đợt vận chuyển khổng lồ hàng chục nghìn vũ khí trong những tháng đầu bùng nổ xung đột Hamas - Israel. "Tốc độ của chúng tôi là bình thường, thậm chí còn cao hơn mức thời bình. Nhưng nó vẫn chậm so với những tháng đầu của cuộc chiến", quan chức này nói.
Vì sao Mỹ chậm chuyển vũ khí sang Israel
Tương tự, ông Giora Eiland, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, cho biết khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza, chính quyền Tổng thống Biden đã đẩy nhanh việc vận chuyển đạn dược cho Tel Aviv từ lịch trình 2 năm xuống còn 2 tháng. Theo ông Eiland, các chuyến hàng sau đó chậm lại, nhưng không nhất thiết là vì bất kỳ lý do chính trị nào.
Chính quyền Tổng thống Biden thường xuyên tuyên bố không thay đổi trong chính sách chung về việc cung cấp vũ khí cho Israel. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18.6 nhấn mạnh Washington vẫn giữ cam kết đảm bảo an ninh và chuyển vũ khí đều đặn cho Israel.
Một trong những nguyên nhân khác khiến Mỹ chậm chuyển vũ khí sang Israel là Tel Aviv đã yêu cầu ít vũ khí hơn trong thời gian gần đây, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 24.6. Việc theo dõi việc giao vũ khí cho Israel rất phức tạp vì các đơn hàng vũ khí thường đặt trước nhiều năm, đồng thời chính phủ Mỹ không công khai các chuyến hàng đã khiến việc đánh giá số lượng và loại vũ khí cung cấp cho Israel cũng trở nên khó khăn.
Ngoài ra, Tổng thống Biden đã và đang đối mặt với áp lực từ quan chức và dư luận trong nước về việc kêu gọi ngừng viện trợ quân sự trong bối cảnh dân thường thiệt mạng ở Dải Gaza ngày càng gia tăng. Theo Cơ quan Y tế tại Gaza, hiện có hơn 37.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 14.000 trẻ em.
Mỹ và nhiều nước đang nỗ lực thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng trong khu vực. Song bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, khả năng tiến đến một thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas – Israel ngày càng khó khăn cũng như nguy cơ leo thang chiến sự Hezbollah - Israel vẫn khó đoán định, theo CNN.
Hồi tháng 4, bà Hala Rharrit, phát ngôn viên tiếng Ả Rập của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã từ chức để phản đối chính sách của Washington liên quan cuộc xung đột tại Dải Gaza. Đây là trường hợp thứ ba của Bộ Ngoại giao Mỹ từ chức liên quan vấn đề này. Vào tháng 10 năm ngoái, quan chức Bộ Ngoại giao Josh Paul cũng quyết định từ chức do sự thiếu minh bạch trong việc bán vũ khí cho Israel của chính quyền ông Biden.
Bình luận (0)