Gần 10 giờ sáng ngày 16.11, chúng tôi có mặt tại ga đến quốc nội Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất. Lúc này, sân bay khá thông thoáng. Theo đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam, đây chưa phải khung giờ cao điểm nên khu vực băng tải hành lý chỉ lác đác một vài nhân viên sân bay, chưa có khách chờ.
Trên màn hình điện tử tại mỗi băng tải hiển thị từ 4 - 5 số hiệu chuyến bay. Tại khu vực băng chuyền ngay sát cửa đến số 3, có 4 chuyến bay đều báo chưa hạ cánh.
Hành lý 'delay' tại sân bay Tân Sơn Nhất là do đâu? |
Thông tin từ Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), 10 giờ 35 sẽ có 1 chuyến bay của hãng Vietjet hạ cánh. Chúng tôi lên xe nội bộ ra ngoài đường băng, đón máy bay cùng lúc với đội nhân viên phục vụ hành lý. Lúc này là 10 giờ 25 phút.
Đường băng ùn ứ như đường đô thị
Trước đó, khi lãnh đạo Tổng công ty Cảng Hàng không quốc tế ACV phân trần về tình trạng trả hành lý trễ từ 30 phút đến hơn 1 tiếng đồng hồ vì "Hệ thống sân đỗ hiện đã chật cứng, một số chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay đêm hạ cánh thường phải đậu rất xa nhà ga nên quãng đường di chuyển lâu, hành lý vào trễ", chúng tôi cũng bán tín bán nghi.
Thế nhưng đi thực tế mới biết, xa thật. Từ khu vực ga đến, xe chúng tôi vòng theo đường công vụ A2, không phải dừng chờ bất cứ một phương tiện nào. Tới điểm đón máy bay là 10 giờ 33 phút, mất 8 phút di chuyển. Chiếc máy bay vừa hạ cánh, nhân viên phục vụ mặt đất (PVMĐ) bắt đầu chèn bánh và thực hiện dỡ hành lý cùng thời điểm hành khách xuống khỏi máy bay.
Theo đại diện SAGS, tùy vào loại máy bay cỡ to hay nhỏ, lượng hành lý nhiều hay ít mà PVMĐ sẽ bố trí từ 4 - 6 nhân viên bốc xếp hành lý. "Giai đoạn cao điểm nhất, 1 ngày SAGS phục vụ khoảng 200 chuyến bay vẫn thoải mái, hiện mỗi ngày có khoảng 150 chuyến bay đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất nên chúng tôi đảm bảo không thiếu nhân lực. Dù sau dịch nhân sự công ty có biến động nhưng ngay từ mùng 6 Tết Âm lịch, chúng tôi đã đăng tuyển nhân sự và đến nay đã tuyển thêm được 225 nhân viên mới cho tất cả các chức danh phục vụ hành khách, số lượng nghỉ việc là 170. Nhân sự tăng so với giai đoạn cao điểm 2019 và chúng tôi đang tiếp tục đào tạo thêm phục vụ cao điểm Tết sắp tới" - vị này thông tin trong thời gian chờ nhân viên chèn bánh.
Chiếc máy bay vừa hạ cánh thuộc loại A320, được bố trí 4 nhân viên bốc xếp. Chuyến bay này ít hành lý ký gửi, chỉ có 9 kiện nên công tác bốc xếp hành lý vào xe chuyên chở diễn ra rất nhanh chóng. Hành khách chưa xuống hết, hành lý đã sẵn sàng di chuyển.
Tuy vậy, xe chở hành lý sẽ phải ưu tiên xe hành khách đi trước, sau đó chạy vòng theo đường băng về phía nhà ga. Xe hành lý bắt đầu di chuyển lúc 10 giờ 41 phút.
Do đi vòng theo đường lăn nên mỗi bãi đỗ như một cột đèn giao thông, nếu có máy bay cất/hạ cánh thì xe hành lý sẽ phải dừng lại chờ. Ngoài ra, còn có một số điểm dừng chờ trước khi cập vào đường lăn. Mỗi điểm dừng chờ mất khoảng 5 phút và có thể lên tới 10 phút nếu đúng lúc có máy bay cất/hạ cánh.
Sau khi chạy tới đường công vụ A2 dẫn vào ga đến quốc nội, nếu thuận tiện, xe hành lý sẽ dừng trả hàng trước các cửa băng tải. Trường hợp có nhiều xe đang đón/trả khách, hành lý sẽ chờ tại các bến đỗ. Tuy nhiên, do Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang thực hiện thi công đầu bến đỗ số 20 - 21 nên đường công vụ A2 bị bó hẹp khiến các xe Cobus chở khách đến phải xếp hàng chờ. Xe hành lý không có chỗ đậu nên phải đi vòng cho đến khi giải phóng xong xe khách mới có chỗ cập vào băng tải.
Anh T.X. - tài xế chở chúng tôi - cho biết xe di chuyển trong sân bay không được vượt quá tốc độ 35 km/giờ và phải dừng chờ đúng chỗ, nhường đường cho các phương tiện tuyệt đối theo quy định vì 1 sơ suất nhỏ trong khu vực đường băng cũng có thể dẫn đến tai nạn hậu quả nghiêm trọng.
"Sau Covid-19, lượng khách quốc nội bùng nổ, số chuyến bay tăng lên nhiều nên đường lưu thông cũng nhộn nhịp, đông đúc như đường ngoài đô thị. Trong những khung giờ cao điểm, tổng thời gian để hành lý di chuyển từ khu vực máy bay hạ cánh cho tới khi cập băng tải có thể lên tới 40 - 45 phút" - anh X. nói.
Hành trình của những chiếc xe hành lý từ khu vực máy bay hạ cánh vào tới ga đến quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất |
Xe chở hành lý mà chúng tôi "đón" khá thuận tiện vì không phải "dừng đèn đỏ". Gần tới khu vực ga đến, xe di chuyển chậm lại, chờ xe khách hoàn thành nhiệm vụ mới tiến tới cập vào cửa băng tải. Đồng hồ lúc này chỉ 10 giờ 49 phút. Như vậy, trong điều kiện thuận lợi nhất, từ khi máy bay hạ cánh cho tới khi kiện hành lý đầu tiên được xếp lên băng chuyền, thời gian khoảng 15 phút. Trường hợp đường băng ùn tắc như lời anh T.X., hành khách sẽ phải chờ từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ.
Cùng lúc đó, dồn dập 2 - 3 chiếc xe buýt nối đuôi nhau tiến về phía cửa ga đến. "Bắt đầu rồi, chuẩn bị tắc" - bác tài chép miệng.
Những cửa đi/đến "linh hoạt"
Một điểm khá bất ngờ mà chúng tôi quan sát được tại khu vực cửa đến ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đó là có những cửa đi "đột xuất". Cụ thể, tại khu vực ga đến, đón hành khách và hành lý cập Cảng Tân Sơn Nhất thỉnh thoảng lại có một số xe buýt đón hành khách đi ra.
Hơn 11 giờ, số lượng xe buýt đến ngày càng nhiều. Trước ga đến cửa số 3 có 1 hàng rào tạm bằng inox được dựng lên, chia đôi cửa này thành 2 làn, 1 làn cho khách đến, 1 làn cho khách đi. Cũng vì thế, một số xe buýt trả khách phải đứng chờ xe buýt đón khách đi. Phía trước cửa số 3, còn tới 5 chiếc xe xếp so le chờ đợi. Hành khách đã tới trước nhà ga lúc này vẫn phải đứng trên xe chờ xe buýt đón khách đi khỏi mới được vào. Tất nhiên, nếu chẳng may có xe hành lý nào tới vào thời điểm này thì sẽ được chạy miễn phí thêm vài vòng đường công vụ.
Đi dọc lên phía trên, cửa đến số 1 cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bảng đề cửa đến nhưng lại có rất nhiều khách đi ra. Phía bên trong nhà ga, nhiều hành khách đang đứng xếp hàng chờ đi, ngăn cách dòng khách đến bằng những ô cửa linh hoạt. Một số nhân viên PVMĐ cho biết do trộn lẫn dòng khách như vậy nên vào thời điểm chuyến bay đông, không ít trường hợp khách sốt ruột tự ý vượt qua những rào chắn dẫn đến lên nhầm xe buýt, ảnh hưởng đến thời gian khởi hành của chuyến bay.
Do hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, phục vụ lượng khách gấp gần 2 lần công suất thiết kế nên đơn vị khai thác đã phải tận dụng để bố trí linh hoạt các cửa đi/đến. Tuy nhiên, cũng vì phải "giật gấu vá vai" như vậy nên giải quyết tạm được chỗ này thì lại đẩy ùn ứ sang chỗ khác. Đường công vụ A2 vốn đã chật chội lại phải gánh thêm số phương tiện đón khách đi, càng thêm tắc.
Phía bên trong, 1 băng tải phải đảm nhận trả hành lý cho 4 - 5 chuyến bay mà phải sắp xếp lần lượt từng chuyến 1 để tránh nhầm lẫn, náo loạn hành lý. Trong một số khung giờ cao điểm, 2 - 3 chuyến bay hạ cánh cùng lúc, sử dụng chung 1 băng tải hành lý sẽ phải chờ lần lượt.
Ùn trong, tắc ngoài, cả xe chở khách và chở hàng đều phải mất thêm rất nhiều thời gian chờ đợi.
Vì sao chuyến bay bị "mất thông tin" trên bảng điện tử thông tin hành lý ?
Vào tới bên trong nhà ga, hành lý vẫn chưa hết hết vướng. Trước đây, các hãng hàng không thường để bảng viết tay thông báo băng tải nhận hành lý của từng chuyến bay ngay khu vực cửa ga đến. Khách đến sẽ biết ngay hành lý của mình trả ở băng tải nào.
Tuy nhiên, theo quy định của Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, các hãng không được duy trì cách làm thủ công này. Toàn bộ thông tin sẽ được hiển thị trên 1 bảng điện tử tổng khá nhỏ treo phía ngoài gần khu vực ra khỏi nhà ga. Nhưng không phải ai cũng biết điều này, nhất là với những khách ít di chuyển bằng máy bay. Thông thường, vào tới nhà ga mọi người đều có tâm lý kiếm hành lý ngay ở băng tải đầu tiên, khiến khu vực cửa vào thường xuyên đông đúc, ùn ứ.
Nhiều trường hợp khách hàng đi khắp nơi tìm kiếm không thấy số hiệu chuyến bay của mình hiển thị ở bảng nào. Sau đó, loay hoay mãi thì thấy vali của mình chạy trên băng tải hiển thị số hiệu các chuyến bay khác. Thì ra, bảng điện tử chỉ hiển thị được 5 chuyến bay, trong khi thực tế băng tải đó có thể phục vụ tới 6 - 7 chuyến bay nhưng bảng không "lật" nên sẽ có vài chuyến bay bị "mất thông tin" trên bảng, khiến hành khách không xác định được băng tải nhận hành lý.
Đại diện hãng hàng không cho biết đã kiến nghị Cảng hàng không quốc tế cho phép sử dụng lại những bảng viết tay thông báo băng tải nhận hành lý của từng chuyến bay đến để phục vụ hành khách. Trường hợp không được chấp thuận, đơn vị này đề xuất Cảng bố trí 1 bảng điện tử tổng thật lớn, độ nhận diện cao, ngay khu vực cửa ga đến để đảm bảo thông tin rõ ràng cho hành khách.
Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là cửa ngõ của TP.HCM mà còn là cửa ngõ của đất nước. Quá tải không chỉ dừng lại ở việc khách hàng bức xúc, mà còn gây lãng phí cho người dân, hãng bay, doanh nghiệp; ảnh hưởng tới thu hút khách du lịch; tới hình ảnh, môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.HCM |
Nhìn chung, nhu cầu đi lại của hành khách và mở rộng hoạt động khai thác của các hãng hàng không ngày càng tăng, trong khi hạ tầng nhà ga đã quá tải trầm trọng và không thể phát triển tương ứng.
Ban đầu, tình trạng quá tải chỉ tập trung vào dịp cao điểm lễ tết, nay quá tải quanh năm. Ban đầu tập trung vào chuyện delay, kẹt xe, tắc đường vào sân bay. Được một thời gian, tắc ở cửa ngõ tràn vào đường lăn, sân đỗ. Tắc dưới đất, “kéo” lên trên trời, tắc cả vào trong ống lồng rồi lại lan ra tắc cả việc phân làn, phân tuyến cho các loại xe đưa, đón khách ở sân bay. Giờ thì đến hành lý cũng không thoát khỏi cảnh ùn tắc.
Xem nhanh 20h ngày 21.11: Cựu thứ trưởng chống gậy hầu tòa | Giải mã những băng chuyền 'siêu delay' |
Bên cạnh việc nhanh chóng giải phóng các công trình duy tu, sửa chữa, Tân Sơn Nhất không còn cách nào khác ngoài chờ đợi nhà ga T3 "giải cứu". Công trình trọng điểm này chậm trễ thêm ngày nào thì hành khách, doanh nghiệp và cả đơn vị khai thác cảng khốn khổ thêm ngày ấy.
Bình luận (0)