Giải mã 'Tam giác quỷ' Bermuda

15/03/2016 09:01 GMT+7

Các nhà khoa học tin rằng họ sắp giải thích được hiện tượng Tam giác Bermuda là mồ chôn nhiều máy bay và tàu thuyền trong quá khứ.

Các nhà khoa học tin rằng họ sắp giải thích được hiện tượng Tam giác Bermuda là mồ chôn nhiều máy bay và tàu thuyền trong quá khứ.

Sau hàng loạt giả thuyết và đồn đoán, bí mật của “Tam giác quỷ” Bermuda có lẽ cuối cùng cũng được giải đáp bằng những chứng cứ khoa học.
Theo trang International Business Times, các nhà khoa học Na Uy mới đây đã phát hiện nhiều miệng hố khổng lồ nằm dưới đáy biển Barents, ngoài khơi bờ biển của Na Uy. Các miệng hố, rộng chừng 800 m và sâu 45 m, được cho là hình thành từ những vụ nổ khí metan trong lòng đáy biển. Các chuyên gia lý giải lượng lớn khí có thể đã tích tụ trong những lớp trầm tích rồi đến thời điểm nào đó chúng nổ tung, tạo ra miệng hố.
Hiểm họa nổ khí ngầm
Nhóm nghiên cứu hy vọng việc phát hiện ra những miệng hố trên là chìa khóa giúp giải thích hiện tượng hàng loạt tàu thuyền và máy bay mất tích không để lại dấu vết tại khu vực được mệnh danh là Tam giác Bermuda. “Vô số miệng hố khổng lồ tồn tại dưới đáy biển khu vực trung tây biển Barents có lẽ bắt nguồn từ những vụ nổ khí ngầm kinh hoàng. Khu miệng hố này là một trong những điểm nóng giải phóng khí metan lớn nhất tại Bắc cực”, theo tờ The Sunday Times dẫn nguồn từ các chuyên gia thuộc Đại học Bắc cực Na Uy.
Cũng theo tờ báo Anh, các nhà khoa học gần đây chế tạo được một thiết bị radar có thể hiển thị rõ hình ảnh chi tiết đáy biển. Những hình ảnh đồ họa còn mô tả sống động các khu vực rò rỉ khí metan trên toàn cầu. Các phát hiện trên có thể giải thích một cách khoa học cho những báo cáo của các thủy thủ về các vùng biển sủi bọt không rõ nguyên nhân.
Thông tin chi tiết về phát hiện mới trên sẽ được công bố tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Khoa học địa chất châu Âu vào tháng 4. Tại đây, các chuyên gia sẽ phân tích xem liệu bọt khí metan có đe dọa an toàn tàu thuyền hay không. Vì các vụ nổ khí có thể khiến miệng hố mở rộng ra, nuốt chửng tàu thuyền đi qua Tam giác Bermuda. Mặc dù biển Barents cách khá xa Tam giác Bermuda, nhóm nghiên cứu hy vọng những phát hiện trên giúp giải thích cách thức biến mất bí ẩn của các con tàu ở khu tam giác ma quái.
Giải thích về hiện tượng kỳ bí ở Tam giác Bermuda, chuyên gia Igor Yelstov thuộc Viện Trofimuk (Nga) cho biết: “Có một hướng giải thích cho rằng Tam giác Bermuda là hệ quả của quá trình phản ứng khí hydrate.
Phản ứng này nhanh chóng tiêu hủy băng metan, giải phóng khí đốt. Phản ứng diễn ra với tốc độ nhanh như một vụ lở tuyết, như trong một phản ứng hạt nhân và sản sinh ra một lượng khí đốt khổng lồ. Nó khiến đại dương tăng nhiệt và các con tàu sẽ bị chìm xuống do nước biển đã bị trộn lẫn với một lượng khí khổng lồ”. Ông Yeltsov cũng nói thêm rằng phản ứng trên giải phóng lượng khí metan khổng lồ và gây nhiễu loạn không khí dẫn tới việc các máy bay đi qua vùng nhiễu loạn sẽ bị rơi.
Những bi kịch chưa có lời giải
Theo trang bermuda-attractions.com, 71 năm về trước, vào ngày 5.12.1945, một đội gồm 5 máy bay của hải quân Mỹ được gọi là Phi đội 19 cất cánh từ căn cứ ở Florida thực hiện sứ mệnh tập huấn thông thường trên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, cả 5 máy bay sau đó đã biến mất không một dấu vết. Bi kịch hơn khi một con tàu cứu hộ gửi đi sau đó cũng chịu chung số phận.
Nguồn: NOAANguồn: NOAA
Tiếp đến vào ngày 30.1.1948, chiếc Star Tiger của Anh chở theo 25 hành khách cùng phi hành đoàn 6 người cũng một đi không trở lại, vì người ta không tìm thấy thi thể cũng như xác máy bay. Khoảng một năm sau, chiếc Star Ariel cũng của Anh mất tích khi đang bay giữa Bermuda và Jamaica, theo BBC. Các chuyên gia không tìm thấy bất cứ thứ gì liên quan tới chiếc máy bay xấu số.
Mới đây là vào năm 2008, một chiếc Britten-Norman Islander 3 động cơ (còn gọi Trislander) chở 12 người với lịch trình đến thành phố New York (Mỹ) đã biến mất khỏi màn hình radar sau 35 phút cất cánh từ thủ đô Santiago (Chile). Lực lượng tuần duyên Mỹ phát động chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn sau đó song vô vọng.
Không chỉ máy bay bị nghi trở thành “con mồi” của “Tam giác quỷ” mà các chiếc tàu to lớn cũng ngộ nạn một cách bí ẩn. Chẳng hạn tàu USS Cyclops của hải quân Mỹ chở theo 306 thủy thủ và hành khách trên đường từ đảo quốc Barbados đến thành phố Baltimore đã mất tích tại khu “Tam giác quỷ” vào năm 1918. Ba năm sau, tàu Carroll A.Deering cũng được tìm thấy bị đắm ở ngoài khơi North Carolina khi đang đi từ Rio de Janeiro (Brazil) về bang Maine (Mỹ). Trong khi xác tàu được tìm thấy còn nguyên vẹn thì toàn bộ thủy thủ đoàn đã mất tích. Năm 1941, các tàu USS Proteus và USS Nereus cũng biến mất khi thực hiện lộ trình giống tàu USS Cyclops…
Tam giác Bermuda hay còn gọi là “Tam giác quỷ” là một khu vực ở tây bắc Đại Tây Dương giáp quần đảo Bermuda, Puerto Rico và bang Florida (Mỹ). Kể từ khi được thống kê năm 1851, ước tính khoảng 8.127 người đã mất tích tại Tam giác Bermuda.
Lớp đá ở khu vực này có từ trường bất thường gây vô hiệu hóa la bàn. Vòi rồng cũng thường xuất hiện ở vùng biển này với sức gió lên tới hơn 190 km/giờ. Khu vực Tam giác Bermuda là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, hướng tới châu Mỹ, châu Âu và vùng Caribbe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.