Xung quanh thanh kiếm Thái A của vua Gia Long, hầu như tư liệu rất hiếm hoi, ngoại trừ bài viết của tác giả là nhà khoa học Võ Quang Yến sống tại Paris là Thanh kiếm Thái A của vua Gia Long lưu lạc tại một bảo tàng Pháp (đăng trên trang trithucvn.org ngày 27.7.2020). Ông Võ Quang Yến đã bỏ ra nhiều năm để truy tìm nhiều tài liệu từ những năm 1885 sau khi kinh thành Huế thất thủ và bị cướp bóc tan hoang, nhằm tìm ra manh mối về thanh kiếm. Cuối cùng, tác giả đã kết luận thanh kiếm này bị lấy đi trong lúc Huế thất thủ và hỗn loạn.
Tác giả cũng nêu thêm hai sự kiện, đó là vua Đồng Khánh khi tiếp nhà văn Jules Boissière năm 1888 tại Huế đã tỏ ý nhắn gửi muốn người Pháp trả lại thanh kiếm, và nhà vua đã nói về tầm quan trọng của kiếm như sau: “Một bảo vật lịch sử tượng trưng quan hệ đến hạnh phúc và sự bảo tồn dân tộc”. Một sự kiện nữa là vào ngày 3.10.1913, kẻ gian đã đột nhập vào Viện Bảo tàng quân đội Pháp ở Paris và lấy đi phần bao kiếm.
Ảnh 1 |
Những nghi ngờ của người Pháp
Tuy nhiên, trong các tài liệu tác giả thu thập nêu trong bài viết, điều đáng chú ý là khi nói về thanh kiếm này, có một số nghi ngờ của người Pháp thời bấy giờ. Chẳng hạn: thanh kiếm có phải xuất xứ từ VN không, bởi phần lưỡi kiếm có rãnh mang đặc điểm của châu Âu; hay thanh kiếm này có phải của vua Gia Long không thì cần có bằng chứng, như ảnh nhà vua mang kiếm, hoặc một văn bản xác nhận thanh kiếm đó chính là của vua Gia Long… Phải chăng nhà vua đã ban tặng nó cho một đặc phái viên người Pháp, trong một cuộc trao đổi quà cáp nào đó, nếu có, vào dịp ký kết các hiệp ước hơn là do cưỡng bức?
Ảnh 2 |
Nhằm khẳng định thêm về nguồn gốc xuất xứ của thanh kiếm trước một số nghi ngờ có vẻ như “đánh lận con đen” có thể dẫn đến sai sự thật về thanh kiếm, xin có vài lời minh chứng với những đặc điểm mang tính đặc trưng của mỹ thuật cung đình triều Nguyễn ở thanh kiếm này như sau:
Trước tiên, tôi tóm lược phần miêu tả về thanh kiếm được trưng bày trong Viện Bảo tàng quân đội Pháp ở Paris của tác giả Võ Quang Yến: “Trong một lần tình cờ, tôi đã được đích thân Quản đốc của Viện Bảo tàng mở tủ cho chụp ảnh thanh kiếm (ảnh 1). Thanh kiếm gồm 2 phần, phần lưỡi dài khoảng 1 thước, phần cán ngắn bằng 1/5 chiều dài của lưỡi. Đầu cán là một đầu rồng bằng vàng được nối với phần đốc kiếm bằng ngọc thạch có tạo 7 đốt như đốt tre. Miệng rồng nhả ra một băng mạ vàng cũng mang phía ngoài 4 chuỗi san hô xanh đỏ uốn quanh về đốc kiếm. Ở đằng cuối, cánh đốc kiếm này nở rộng ra quanh lưỡi kiếm, có chạm trổ những hình lá và nạm những hạt kim cương. Lưỡi kiếm hình hơi cong, là một thanh thép sáng ngời, khắc ở phần trên là một mặt trời nằm giữa mấy cuộn mây và liền sát với 3 chữ Hán: Thái A kiếm. Cái tên Thái A kiếm này không phải ngẫu nhiên mà có”. Tác giả cũng đưa thông tin liên quan đến câu chuyện nhà Tần (Trung Hoa) sau khi diệt được nhà Ngô, và qua xem thiên văn chỉ dẫn đã tìm được 2 báu kiếm là Long Tuyền và Thái A…
Chính vì được xem trực tiếp nên tác giả khảo tả thanh kiếm khá kỹ. Ở đây tôi chỉ bổ sung như sau: mặt trong của quai kiếm được chạm một hình lá, với đặc điểm là dìa lá có nhiều điểm nhấp nhô rất giống với lá cúc (ảnh 2). Còn mặt ngoài quai kiếm được cẩn rất nhiều hạt san hô và mã não, ôm quanh lưỡi kiếm là các cánh hoa và hạt san hô được cẩn thành hình hoa có nhiều cánh nhỏ giống hoa cúc (ảnh 3). Phần lưỡi kiếm chỉ còn nhìn thấy hình mặt trời được mạ vàng sát với góc ảnh (ảnh 4), và phía dưới có hoa văn là một dải mây được mạ bạc, tức là đối xứng phía bên kia cũng có dải mây tương tự. Tiếp đến, sát với dải mây là 3 chữ Hán được mạ vàng đọc từ trên xuống như đã được dịch (Thái A kiếm).
Ảnh 3 |
Khuôn mẫu cho kiếm của các vua về sau
Với những hoa văn trang trí như rồng, hoa, lá, mặt trời, trong đó hoa giống với hoa cúc, lá giống với lá cúc thì rõ ràng là dấu hiệu nói về sự liên quan không thể tách rời giữa hoa cúc và mặt trời. Chúng cùng với rồng được kết hợp trang trí trên kiếm là tượng trưng cho hoàng đế và sự viên mãn, trường tồn. Nhưng ngoài hàm ý nêu trên còn có một thâm ý sâu xa khác, đó là hình ảnh mặt trời đi cùng với 3 chữ Thái A kiếm được trang trí ở lưỡi kiếm, và có lẽ đây cũng là phần quan trọng nhất ở thanh kiếm. Mặt trời thì chúng ta đã biết ở triều Nguyễn là biểu tượng của hoàng đế, còn tên kiếm thì trùng tên với một báu kiếm rất nổi tiếng của Trung Hoa (tác giả Võ Quang Yến đã nêu). Tôi cho rằng đây là một hình thức ví von, thâm ý ở đây không chỉ là kiếm mà còn ví nhà Nguyễn chiến thắng nhà Tây Sơn giống như nhà Tần dẹp được nhà Ngô, và thanh kiếm này cũng chính là Thái A.
Ảnh 4 |
Nhìn chung, trang trí ở kiếm như rồng, hoa lá cúc, mặt trời, được kết hợp là một trong những nét đặc trưng của mỹ thuật cung đình triều Nguyễn. Còn về kiểu thức của kiếm, tại phần chuôi là một đầu rồng với miệng ngậm lấy một đầu quai kiếm, phải nói đây là nét riêng biệt và đã được bảo lưu cho đến hết triều Nguyễn. Bằng chứng điển hình là 3 thanh kiếm đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong đó có cặp kiếm với phần chuôi cũng được làm bằng ngọc thạch và đầu chuôi cũng là một đầu rồng, miệng rồng ngậm đầu quai kiếm, quai kiếm được trang trí dây lá cúc. Thanh kiếm còn lại của vua Khải Định cũng cùng một kiểu thức, mặc dù hoa văn trang trí có khác.
Với các bằng chứng nêu trên, có thể đi đến kết luận rằng: thanh kiếm Thái A của vua Gia Long là một khuôn mẫu cho kiếm của các vua về sau.
Bình luận (0)