Vua Gia Long từng tha tội chết cho trung quân Nguyễn Văn Thành

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
06/10/2021 13:00 GMT+7

Từ vụ việc trung quân Nguyễn Văn Thành tự vẫn, một số người suy diễn rằng vua Gia Long lợi dụng vụ án Nguyễn Văn Thuyên để trừ khử, do ông Thành “phản đối” Hoàng tử Đảm làm thái tử. Thực hư những hoài nghi này ra sao?

Nghiên cứu Lê Nguyễn phân tích rất rõ về vai trò của vai Gia Long ở câu chuyện này rất rõ trong sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) vừa ấn hành: “Mặc dù ý kiến của Nguyễn Văn Thành về việc chọn người chủ tế lễ tang bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu không được vua Gia Long chấp thuận, song trong lễ di quan và an táng diễn ra vào tháng 3 ÂL 1815 (lễ tang kéo dài hơn 1 năm), vua Gia Long vẫn cử ông làm Tổng bộ sứ, chỉ huy toàn bộ việc di quan và an táng bà hoàng hậu. Đến tháng 9 ÂL năm đó, Hữu quân Quận công Phạm Văn Nhơn chết, nhà vua cũng giao ông Thành lo việc tang. Điều này cho thấy vua Gia Long không hề chấp nhất việc Nguyễn Văn Thành đề xuất ý kiến khác với mình”.

Chân dung được cho là của vua Gia Long khi còn trẻ

T.L

Còn nếu lấy lý do chuyện bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên thì hoàn toàn bất ngờ đối với vua Gia Long. Bởi vì khi được Tả quân Lê Văn Duyệt báo lên, nhà vua vẫn giữ thái độ bình tĩnh "vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về”. Vì: “Nếu muốn nhân chuyện bài thơ để trừ khử Nguyễn Văn Thành, sao nhà vua không chụp ngay cơ hội mà còn trù trừ?”, tác giả Lê Nguyễn đặt nghi vấn. Từ đó, bằng những tư liệu trong Đại Nam thực lục (tập 1), nhà nghiên cứu đi vào giải thích: “Khi vụ bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên vừa nổ ra, một số quan lại đã tỏ rõ thái độ “bảo hoàng hơn vua”, xúm lại tố khổ Nguyễn Văn Thành, trong đó có Ký lục Quảng Trị tên Nguyễn Duy Hòa. Tháng 2 ÂL 1816, nhân Lễ tế Nam Giao, bộ Lễ tâu xin không cho Nguyễn Văn Thành dự vì đang là người có tội, vua Gia Long đã dụ rằng: 'Văn Thành là người trọng thần của nước, con là Văn Thuyên dù có càn bậy, nhưng việc còn mờ tối, há nên nghe thuyết một bên mà vội xa bề tôi huân cựu sao?' ". Khi đó, dù xảy ra nhiều việc lùm xùm nhưng nhà vua ra lệnh vẫn cho Nguyễn Văn Thành dự lễ bình thường.

Tượng thờ trung quân Nguyễn Văn Thành (phải) và Tả quân Lê Văn Duyệt tại đình Trung Hậu (TP.Huế)

LÊ CÔNG DOANH

Sách đã dẫn của tác giả Lê Nguyễn còn cho biết thêm: “Tháng 4 ÂL 1816, vụ án Nguyễn Văn Thuyên tiếp diễn, vua sai Lê Văn Duyệt tra hỏi, Thuyên nhận tội. Một số quan lại xin hạ ngục Nguyễn Văn Thành, song 'vua nói: Văn Thành vốn là kẻ có tội; nhưng thể thống đối với đại thần, cũng nên có cách xử trí', bèn sai thu ấn và khiến về ở nhà riêng”. Tháng 6 ÂL nhuận 1816, tiếp tục vụ án Nguyễn Văn Thuyên, đình thần đề nghị xử Nguyễn Văn Thành tội chết, vua Gia Long thấy chưa thỏa đáng, yêu cầu bàn lại. Tháng 10 ÂL 1816, một chuyện quan trọng xảy ra: một kẻ tên Hữu lấy trộm ấn Tả quân của Lê Văn Duyệt rồi khai là do Nguyễn Văn Thành sai biểu. Nếu muốn trừ khử Nguyễn Văn Thành một cách chính danh thì đây là cơ hội tốt nhất, song “vua cho Hữu nói trước sau không đúng, lại không có căn cứ, không muốn xét kỹ sợ liên lụy cho người, bèn sai giết Hữu và bỏ việc ấy đi”.

Như vậy, căn cứ vào những những tư liệu ghi lại thì rõ ràng mỗi chuyển biến của vụ án Nguyễn Văn Thuyên, vua Gia Long đều luôn có những quyết định sau cùng nhẹ hơn so với đề nghị của đình thần. "Lúc nhận được đề nghị tống giam Nguyễn Văn Thành thì nhà vua chỉ quyết định thu ấn trung quân, cho về nhà riêng, khi họ đề nghị xử tử Nguyễn Văn Thành thì Gia Long yêu cầu bàn lại và sau đó chỉ quyết định tống giam. Vì vậy không thể nói là nhà vua chỉ vì chuyện bài thơ Nguyễn Văn Thuyên mà tìm cách trả thù người thuộc hạ của mình", tác phẩm mới của tác giả Lê Nguyễn nhận định. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.