'Phòng tuyến chùa' có một không hai tại Nam kỳ: Chùa Ao và chùa Kiểng Phước

13/08/2021 06:22 GMT+7

Bản đồ Sài Gòn và khu vực đồn Chí Hòa trong cuộc tấn công ngày 24 và 25.2.1861 cho thấy, trong bốn ngôi chùa thì Kiểng Phước nằm xa đường thiên lý Sài Gòn - Mỹ Tho hơn những chùa khác, và nằm sát với đường hầm của quân An Nam.

 

Chùa Ao trong ghi chép của người xưa

Trong cuốn sách Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận) xuất bản năm 1885, Trương Vĩnh Ký viết vài dòng về hệ thống chùa Ao như sau: “Trại lính khố đỏ An Nam ngày nay nguyên là điện Panthéon (Hiển Trung tự [nguyên văn], chùa vinh danh trung thần, thường gọi miễu Công thần [nguyên văn], chùa của thần dân có công với đất nước). Được xây theo lệnh của vua Gia Long, dành tưởng nhớ các bề tôi [Việt và Pháp] của ông...”. Tiếp đó, còn mô tả kỹ: “Một ngôi chùa khác, ngày nay có các sĩ quan lính tập bản xứ trú đóng, nằm phía trước tường thành và kẹp giữa hai ao hoa súng tỏa hương [...]. Chùa có tên miễu Hội đồng hay miễu Thính [nguyên văn, tức Thánh]” (tr.23-24). Trương Vĩnh Ký cho biết trước chùa Hiển Trung và miễu Hội đồng có hai cột bằng gạch hoặc đá, xây rất đẹp.
Hội đồng miếu và Hiển Trung tự cũng được Trịnh Hoài Đức nhắc đến trong Gia Định thành thông chí (Phạm Hoàng Quân dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019), ông cho biết miếu/đền nằm ở phía tây đường cái quan, miếu cách trấn Phiên An năm dặm rưỡi về phía nam, đền cách trấn năm dặm (nay ứng với khu vực P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM).
“Trại lính khố đỏ An Nam” và “các sĩ quan lính tập bản xứ trú đóng” ở trên chính là Đại đội 1 (1er) Régiment de tirailleurs Annamites (R.T.A) đóng tại thành Ô Ma, nay là khu đất Bộ Công an phía nam góc Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ kéo lên đến chỗ giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh (cũng ở Q.1).
Khu đất chùa Ao được người Pháp gọi là pagode des Mares (chùa ở nơi có nhiều ao vũng), bởi phía trước có hai cái ao như miêu tả của Trương Vĩnh Ký. Có chỗ ghi là chùa Ô Ma, bởi các ngôi chùa nằm trên khu đất sau này là thành Ô Ma (Camp aux Mares, kéo dọc trên bốn góc đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ).
Trong Nam kỳ viễn chinh ký 1861 (Thanh Thư dịch, NXB Hồng Đức, 2018), Léopold Pallu cho biết chùa Ao vốn là nơi hành hương của thương nhân từ Mỹ Tho trên đường trở về, “ở đây có hai ao nước ứ đọng, một lớn một bé”.

Bất ngờ với bức tranh trong Thư viện Quốc gia Pháp

Trong Nam kỳ viễn chinh ký 1861, Pallu cho biết chùa Kiểng Phước “được dựng lên giữa cánh đồng nghĩa địa”, “tượng thần sơn son thếp vàng với vẻ mặt thoát dục tuyệt đối được đặt quanh các phòng” (tr.49).
Trong Thư viện Quốc gia Pháp (Gallica), có bức tranh khắc chùa Kiểng Phước lúc quân Pháp biến thành đồn quân sự được in ở cuốn sách Tableau de la Cochinchine (Bức tranh về Nam kỳ, Paris, 1862, tr.xij-xiij) của E.Cortambert và Léon de Rosny, chùa gồm những gian nhà nhỏ, cột gỗ, tường xung quanh được đắp bằng đất sét và trang bị các khẩu đại pháo.
Năm 1934, tác giả P.Midan xuất bản tập tiểu luận La Pagode des Clochetons et la pagode Barbé: Contribution à l'histoire de Saïgon - Cholon (Chùa Kiểng Phước và chùa Barbé: Đóng góp vào lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn), trong đó ông viết: “Nay chỉ còn lại chùa Cây Mai, biến thành lô cốt, sau thành trại giam của quân đội. Chùa Ao chỉ còn vài bức tường bao bọc doanh trại Trung đoàn lính tập An Nam, chùa Kiểng Phước và chùa Barbé [tức chùa Khải Tường] không còn dấu vết gì nữa” (tr.1).
Tại kho Lưu trữ Cục Pháo binh Sài Gòn, Midan tìm thấy bản đồ tỷ lệ 1/5.000 mang tên Saigon, ville de 500.000 âmes (Sài Gòn, thành phố 500.000 dân), có dòng nội dung “(4) Terrain réservé provisoirement pour le fort des Clochetons” ((4) Đất tạm thời dành cho đồn Chuông (Clochetons)).
Khi chồng bảng can bản đồ năm 1934 cùng tỷ lệ 1/5.000 với bản đồ trên, Midan đi đến kết luận: “Chùa Chuông [tức Kiểng Phước] nằm trên đại lộ Maréchal Foch [nay là Lý Thường Kiệt], [...] nay là mảnh đất vắt ngang lô 21-22, phần chính nằm trên trường Nữ sinh [Ecole des Filles] và vùng đất hoang dọc theo Armand Rousseau [nay là Nguyễn Chí Thanh]” (Midan, tlđd, tr.3).
Tháng 7.1907, Kế toán trưởng thành phố Chợ Lớn là ông Passerat de la Chapelle gửi một lá thư cho ngài Thị trưởng, trong đó có đoạn: “Tháng 6.1891, khi đến Chợ Lớn, tôi được bố trí ở một trong các gian phòng của chùa Barbet, hiện là trường Mẫu giáo [nguyên văn: Ecole Maternelle]” (dẫn lại theo Midan, tlđd, tr. 4). Chi tiết này có lẽ ông de la Chapelle bị nhầm vì chùa Barbet nằm ở làng Xuân Hòa (Sài Gòn) còn ngôi chùa nằm ở Chợ Lớn ông nhắc đến trong thư chính là chùa Kiểng Phước. Tiền thân của trường Nữ sinh mà Midan đề cập chính là trường Mẫu giáo (Ecole Maternelle) trong ký ức của ông de la Chapelle, nó được thể hiện rõ trên bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1923 ở ô số 122.
Như vậy, chùa Kiểng Phước có khả năng nằm gần góc đường Lý Thường Kiệt và Nguyễn Chí Thanh, đi lên một chút là Bệnh viện Chợ Rẫy hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.