Giải mã trạng thái sẵn sàng chiến tranh của NATO trước Nga

13/06/2024 05:30 GMT+7

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) gần đây tỏ rõ nhiều động thái sẵn sàng trước rủi ro xung đột quân sự với Nga, nhưng liệu khối này đã sẵn sàng cho kịch bản rủi ro này?

Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng nước này cần sẵn sàng cho chiến tranh vì nguy cơ từ Nga đang gia tăng. Các quan chức NATO cũng tỏ rõ khả năng xung đột do căng thẳng tăng cao với Moscow. Không những vậy, NATO vừa qua cũng đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được khối này viện trợ để tấn công vào các địa điểm trong lãnh thổ của Nga. Tất cả những điều đó khiến cho giới quan sát quốc tế đánh giá về "khả năng sẵn sàng chiến tranh" của NATO trước Nga.

NATO đang thay đổi mạnh mẽ

Rạng sáng qua (12.6) theo giờ VN, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đã tổ chức cuộc thảo luận với nhiều chuyên gia về tình trạng sẵn sàng chiến tranh của NATO trước Nga.

Giải mã trạng thái sẵn sàng chiến tranh của NATO trước Nga- Ảnh 1.

Một cuộc tập trận ở NATO diễn ra tại Ba Lan hồi tháng 3 vừa qua

Reuters

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi tháng 2.2022, NATO đã thông qua một khái niệm chiến lược "trở lại tương lai", đưa Nga trở lại vị thế đối thủ thời Chiến tranh Lạnh, đặt răn đe và phòng thủ trở lại là trọng tâm của chiến lược liên minh. Điều này được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả là "sự thay đổi cơ bản đối với khả năng răn đe và phòng thủ của chúng tôi".

Thực tế, NATO đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ, triển khai 40.000 binh sĩ - cùng với khí tài các loại - cho Tư lệnh Đồng minh Tối cao châu Âu (SACEUR). Một thế trận hải quân được đẩy mạnh cùng với giám sát trên không và phòng không cũng như triển khai các cuộc tập trận đa quốc gia. Năm ngoái, để thực hiện việc kiểm soát bầu trời, NATO đã tiến hành hơn 300 vụ chặn máy bay Nga trong không phận vùng Baltic.

Lực lượng chung của NATO ở châu Âu cũng đã tăng cường các đơn vị chiến đấu ở cấp lữ đoàn (khoảng 5.000 quân) và dự kiến nâng lên cấp sư đoàn trong thời gian tới. Từ năm 2023, các đồng minh NATO cũng đã đồng ý hướng đến mô hình lực lượng mới (NFM) để tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ bằng cách cung cấp một lực lượng lớn hơn nhiều sẵn sàng triển khai nhanh chóng nếu xảy ra khủng hoảng. Cụ thể, mô hình này có 3 cấp huy động lực lượng sẵn sàng chiến đấu trong thời gian từ 10 - 180 ngày tương ứng với quân số tối thiểu 100.000, 200.000 và 500.000.

Về ngân sách quốc phòng, nếu như năm 2014 - thời điểm Nga sáp nhập Crimea - chỉ 3 thành viên NATO đạt chi tiêu quân sự ở mức 2% GDP thì dự kiến hết năm 2024 sẽ có 18 thành viên đạt mức.

NATO lo kế hoạch tạo luồng chuyển quân thông suốt nếu có xung đột với Nga

Vẫn cần thêm ít nhất 5 năm ?

Cũng vào hôm qua, trả lời Thanh Niên, một chuyên gia tình báo quốc phòng, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, cho rằng: "NATO chưa sẵn sàng cho chiến tranh với Nga".

Theo vị chuyên gia này, thời gian qua chỉ các thành viên Đông Âu trong NATO mới coi trọng việc phòng thủ của họ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong khi đó, như Đức thậm chí đã tinh giản lực lượng xe tăng và cả chiến đấu cơ. Vị chuyên gia nhấn mạnh trong NATO hiện nay, chỉ máy bay gây nhiễu điện tử của Mỹ và không quân Thụy Điển là đủ sức áp chế điện tử ở phía đông của khối trước Nga.

"NATO cần ít nhất thêm 5 năm nữa thì mới đủ sức sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trước Nga. Và tất nhiên chúng ta hy vọng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra", vị chuyên gia đánh giá. 

G7 sẽ mở rộng lệnh cấm vận Nga

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 11.6 thông báo các lãnh đạo G7 sẽ công bố một loạt biện pháp trừng phạt bổ sung và kiểm soát xuất khẩu đối với Nga trong hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 13.6 tại Ý. Các nhà lãnh đạo G7 kỳ vọng đạt được thỏa thuận sử dụng lợi nhuận từ tiền lãi trên 300 tỉ euro (325 tỉ USD) tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga để giúp đỡ Kyiv, theo AFP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 11.6 cảnh báo Moscow sẽ có một loạt các biện pháp chính trị và kinh tế để chống lại bất kỳ động thái nào ảnh hưởng đến nguồn dự trữ của nước này. 

Trí Đỗ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.