Giải mã văn bản trên cuộn giấy cói cháy thành than 2.000 năm tuổi nhờ AI

07/02/2024 10:54 GMT+7

Một nhóm sinh viên đã giành được giải thưởng trị giá 700.000 USD nhờ vào việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để giải mã những dòng đầu tiên của cuộn giấy cói cháy thành than khi núi lửa Vesuvius phun trào 2.000 năm trước.

Đọc được cuộn giấy cói cháy thành than 2.000 năm nhờ AI- Ảnh 1.

Cận cảnh cuộn giấy cói 2.000 năm tuổi bị cháy thành than

EDUCELAB

Tài liệu trên là một trong số hơn 800 cuộn giấy cói được biết với tên gọi Các cuộn giấy cói thành Herculaneum, vốn bị cháy thành than trong đợt phun trào của núi lửa Vesuvius vào năm 79 sau công nguyên.

Cũng như Pompeii, Herculaneum nằm trong số nhiều thành phố La Mã bị phá hủy khi núi lửa bất ngờ phun trào, theo Tạp chí Smithsonian hôm 6.2.

Các nhà nghiên cứu vào thế kỷ 18 đã phát hiện những tài liệu ghi chép trên giấy cói, nhưng nhiều nỗ lực giải mã chúng không thành công vì không thể chạm đến các cuộn giấy này.

Kể từ năm ngoái, giới nghiên cứu trên toàn cầu đã tham gia cuộc tranh tài Thách thức Vesuvius, nhằm tìm ra những người có thể đọc được Các cuộn giấy cói thành Herculaneum.

Nhà khoa học máy tính Brent Seales của Đại học Kentucky (Mỹ) và hai doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ Nat Friedman và Daniel Gross đã công bố Thách thức Vesuvius vào tháng 3.2023.

Đọc được cuộn giấy cói cháy thành than 2.000 năm nhờ AI- Ảnh 2.

Công nghệ ngày nay thật sự cho phép đọc được những dòng chữ từ một...khối than thực thụ

THÁCH THỨC VESUVIUS

Để giành được giải thưởng lớn nhất là 700.000 USD, đội ngũ thắng cuộc phải giải mã được ít nhất 85% của 4 đoạn văn, mỗi đoạn ít nhất 140 chữ. Những giải thưởng nhỏ khác cũng được trao suốt năm 2023.

Hôm 5.2, ông Friedman đã công bố danh tính chủ nhân giải thưởng trị giá 700.000 USD.

Đó là đội ngũ dẫn đầu là nghiên cứu sinh Yousef Nader của Đại học Tự do Berlin (Đức), cùng với hai đồng đội là sinh viên ngành khoa học máy tính Luke Farritor của Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ) và Julian Schilliger, sinh viên ngành robot học ở Thụy Sĩ.

Nhóm đã sử dụng dữ liệu quét 3D do nhà tổ chức cung cấp để phát triển các thuật toán máy học để đọc xuyên những phần khác nhau của cuộn giấy cói, kế đến phát hiện những vết mực trên giấy cói để đọc, nhờ vào công nghệ AI.

Với biện pháp trên, họ đã thành công giải mã được hơn 2.000 chữ cái của tài liệu cổ trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.