“Trẫm nuôi sẵn 3 con, Ưng Chân, cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu, nhưng mặt hơi có tật, giấu kín không rõ ràng, sợ sau không sáng, tính lại hiếu dâm, cũng rất là không tốt, chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì dùng ai?”.
Ông Nguyễn Văn Tường có nhận xét: “Di chiếu có mục đích truyền lại ngôi báu. Tôi sợ rằng đoạn này không được thích hợp lắm. Cần nên xin bỏ nó đi”. Hai ông Thành và Thuyết đều đồng ý và cả ba vị họp nhau dâng một sớ chung lên vua xin xóa bỏ đoạn ấy nhưng không được chấp thuận. Đến ngày 21.7.1883, Tự quân (vua được chỉ định nhưng chưa tấn phong) Dục Đức triệu ba vị Phụ chánh vào hỏi có thể nào bỏ những lời khiển trách ấy đi không, thì cả ba vị đồng trả lời rằng đã có trình xin vua nhưng ngài đã nhất thiết không.
Vì sao vua nối ngôi dục đức bị phế truất?
Bất chấp những lời xác nhận của ba vị Phụ chánh kiêm Đại thần Cơ mật viện, vua nối ngôi Dục Đức “bèn sai sao tờ di chiếu, tự tay xóa bỏ đoạn ấy đi. Dặn Trần Tiễn Thành nhớ mà làm”, nghĩa là bảo Phụ chánh Thành theo bản sao đó mà đọc, tức không được đọc đoạn nói xấu về mình. Đến khi “Tiễn Thành đọc đến đoạn ấy đọc nhỏ hàm hồ không rõ”, Phụ chánh Tường “làm ra vẻ quái lạ, nói rằng vua nối ngôi sao được giấu bớt đi di chiếu của tiên đế, bậy bạ không gì to hơn nữa, còn có thể nối theo tôn miếu xã tắc được ư?”. Rồi hai ông, Tường, Thuyết, và luôn cả Phụ chánh Thành cùng các hoàng thân, đình thần đồng ký tên tâu xin Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu truất bỏ ông Dục Đức, đưa hoàng thân em út của vua Tự Đức lên thay, là vua Hiệp Hòa.
Khi xảy ra việc truất phế này, nhà cầm quyền Pháp không còn ở Huế, Đại diện Pháp Rheinart, người đã mua chuộc ông Dục Đức vào đầu thập niên 1880, vì tình trạng bang giao Pháp Việt trở nên quá căng thẳng trước khi đại tá Rivière sắp bị quân Cờ Đen giết, đã đóng cửa sứ quán và rời Huế với tất cả nhân viên vào cuối tháng 3 năm 1883. Vào tháng 5.1884, ông Rheinart trở lại Huế với Đại sứ Patenôtre để ký Hiệp ước Bảo hộ 6.6.1884, rồi ở lại làm quyền Tổng trú sứ để tiếp tục thi hành chương trình áp đặt một ông vua thân Pháp bù nhìn, như Dục Đức mà Rheinart đã có sẵn, thay cho vua Kiến Phúc đang đau nặng chờ chết. Đón trước mật mưu của ông Rheinart, sau khi vua Kiến Phúc thăng hà trưa ngày 31.7.1884, hai Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lặng lẽ cho làm mọi thủ tục đưa vua Hàm Nghi lên kế vị, rồi sáng sớm ngày 1.8 mới thông báo chính thức cho sứ quán Pháp biết.
Trước đó, Rheinart đã được biết là vua Kiến Phúc mất do có nguồn tin riêng, liền phản đối dữ dội và đòi triều đình phải truất phế vua Hàm Nghi, đưa em vua Tự Đức là Hoàng thân Hồng Hưu lên ngôi thay thế. Ông này đã được vua Kiến Phúc tấn phong lên tước hiệu là Gia Hưng vương và bổ làm Phụ chánh thân thần, và với các tư cách này có dự vào việc đưa vua Hàm Nghi lên kế vị, đồng thời cũng là ứng viên kế vị mà ông Rheinart móc nối được trong thời gian điều đình hiệp ước 6.6.1884. Ngày 1.8.1884, quyền Tổng trú sứ Rheinart buộc triều đình đưa Gia Hưng vương lên, và đánh điện liền về Pháp giải thích không đưa Dục Đức lên, vì thấy ông này lúc đó đã bị mất uy tín. Thấy triều đình không chịu Gia Hưng vương, đã làm lễ tấn phong vua Hàm Nghi nên ngày 3.8 Rheinart cho viên chức văn thân của Sứ quán (Lê Duy Hinh) đến gặp Tôn Thất Thuyết yêu cầu ông này lên ngôi, hay xếp đặt đưa Dục Đức lên, sẽ có địa vị cao hơn ông Tường và Pháp sẽ đưa ông Tường đi đày. Rheinart cũng yêu cầu Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ là tướng Millot gởi quân vào phong tỏa Huế để hăm dọa và buộc triều đình phải phế bỏ vua Hàm Nghi và thuận cho quân Pháp vào đóng ở Mang Cá, nhưng tướng Millot không đồng ý.
Rheinart càng tức tối, vì theo nguyên tắc, với tư cách là Tổng trú sứ, dù là quyền nhiệm, ông là người đại diện cao cấp nhất của chính phủ Pháp cạnh triều đình Huế, ông Rheinart cũng đã xin từ chức quyền Tổng trú sứ ngay lúc đó, vì giận dỗi thấy Chính phủ đã không giữ lời hứa với mình là cho mình đầy đủ quyền hạn, như đã nói trong Hiệp ước Bảo hộ 6.6.1884 mới ký, về chức vụ này; nhưng đơn xin thôi việc cũng không được Chính phủ chấp thuận.
Millot cũng lo sợ triều đình có thể kháng cự và dời đô đi Tân Sở, một căn cứ mới xây dựng vào đời vua Kiến Phúc. Rút cục, tướng Millot, theo lệnh của Thủ tướng Jules Ferry, gởi 750 quân và một dàn đại bác từ Bắc Kỳ vào Huế, vây kinh thành và hăm dọa bắn đại bác vào. Rheinart cùng vị chỉ huy đoàn quân này là đại tá Guerrier gởi tối hậu thư cho triều đình, nhưng được lệnh của Paris chỉ được đòi triều đình phải làm thủ tục gởi thư cho phía Pháp xin cho vua Hàm Nghi lên ngôi để cho nhà cầm quyền Pháp gởi thư trả lời chấp thuận, chứ không được đòi truất phế vua Hàm Nghi nữa. Triều đình thuận chịu, và vua Hàm Nghi không những vẫn yên lành tại vị, mà lại còn được Pháp long trọng thừa nhận bằng một cuộc lễ viếng mừng trọng thể của quyền Tổng trú sứ Rheinart và Tham mưu trưởng của tướng Tổng chỉ huy Millot là đại tá Guerrier, chỉ huy đoàn quân đến để uy hiếp.
(Trích sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn, do Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)
Bình luận (0)