Từ bộ sử liệu đồ sộ gần 2.000 trang Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn, nhiều câu chuyện tồn nghi trong lịch sử đã dần được “giải mật”.
Vua Tự Ðức mất ngày 19.7.1883. Trước đó hai ngày, vua tuyên triệu Cơ mật viện đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vào hầu: “Vua ở trong cung, chính tay phê vào tờ di chiếu cho hoàng trưởng tử Thụy Quốc công nối ngôi vua”, ủy lại cho Nguyễn Văn Tường và các đồng Phụ chánh một sứ mạng quá to tát và khó khăn.
Trong tình trạng khẩn trương này, đối với các vị Phụ chánh, việc lựa chọn một ông vua kế nghiệp chống Pháp để tiếp tục công cuộc giữ nước của vua Tự Ðức là điều kiện quan trọng nhất. Quan hệ giữa vua Tự Ðức - Nguyễn Văn Tường, trên thực tế vượt xa quan hệ vua - tôi. Vua Tự Ðức rất tin dùng ông, có thể bàn với Nguyễn Văn Tường mọi băn khoăn, suy nghĩ của mình. Ngược lại, ông cũng có thể nói thẳng với nhà vua những ý nghĩ về việc và về người liên hệ đến vận mệnh đất nước mà không ngại vua sẽ bắt lỗi bất kính, phạm thượng.
Vua Tự Đức không con, có 3 người con nuôi: Ưng Chân (sinh 11.2.1853), Ưng Đường (sinh 19.2.1864) và Ưng Đăng/Hổ (sinh 12.2.1869). Công tử Ưng Chân (Dục Đức) được vua Tự Đức nhận làm con nuôi năm 1868, lúc đã 17 tuổi (ta), sau khi công tử Ưng Đường (Đồng Khánh) được làm con nuôi từ năm 1865 lúc mới 2 tuổi (ta). Đến xuân năm 1870, vua nhận nuôi thêm người em ruột cùng mẹ của Ưng Đường, cũng vừa lên 2 tuổi, tên là Ưng Đăng/Hổ (Kiến Phúc).
Sau khi trở lại Huế thay Philastre làm Đại lý vào hè năm 1879, Rheinart móc nối được với ông Ưng Chân, đã trưởng thành và được phong là Hoàng trưởng tử. Trong nhật ký, ngày 30.10.1879, vị Đại lý có ghi tên 3 vị hoàng tử ở trong cung là: Dục Đức (Chân), Tríu (hay Triếu - tên hèm hay tục của Đường, Đồng Khánh), Mến (tên hèm hay tục của Hổ, Kiến Phúc). Ông cũng kể có nhờ được ông Ưng Chân cung cấp những tin tức và tài liệu mật, đặc biệt là chuyện ông này không quản nguy hiểm lén vào khu lưu trữ tài liệu tối mật tìm được cho Rheinart bản quốc thư của vua Tự Đức gửi cho vua Tàu xin viện trợ 20 ngàn quân đánh Pháp sau khi Hà Nội bị ông Rivière tấn chiếm, và thư phúc đáp của vua Thanh.
Vị Đại lý Pháp theo dõi rất sát tình hình kế vị ngai vàng: Dục Đức được phong tước công, được thay vua hành lễ Nam Giao, bị phạt bổng hai năm vì phạm tội nặng. Ngày 22.1.1883, ông ghi trong phần nhật ký: “Triếu, 18 tuổi, Mến 14 tuổi, anh em cùng một cha một mẹ; chị ruột của chúng được gả cho (con của) Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Văn Tường; cha của chúng, Kiên Quốc - công (tước), em của hoàng thượng và tên là Hường Cai... Dục Đức được phong Thoại Quốc - công (tước hoàng tử); Triếu được phong Kiên-Giang Quốc-công; Mến chưa được phong tước, lại được cử kế vị nhà vua”.
Nhà vua, muốn cho Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Văn Tường gắn bó với mình hơn nữa và tăng thêm uy vọng của ông ấy, vừa mới cho người con trưởng của ông Tường lấy người chị ruột của Triếu, một trong 3 hoàng tử trẻ được nuôi nấng trong cung. Người con trưởng, tên là Dục Đức, có vẻ như đã được nhà vua, trong nhiều năm, chỉ định để kế vị mình. Một vài lỗi lầm do Dục Đức phạm phải đã làm cho y bị thất sủng. Hai hoàng tử trẻ đã được chấp nhận vào ở trong cung cùng một vị thế như y: Triếu và em ruột là Mến; chắc là sự lựa chọn của nhà vua sẽ dành cho một trong hai người ấy vào những ngày sau này.
Ưu ái Ưng Đăng nhưng truyền ngôi cho Ưng Chân
Thu năm 1869, vua phong Ưng Chân (Dục Đức) làm hoàng tử, cho chính danh định phận, yên lòng mọi người. Còn Ưng Đường (Đồng Khánh) “chờ sau này trưởng thành sẽ liệu”. Mùa thu năm 1871, vua ra dụ “sai Tôn nhân và đình thần xét cử con nuôi của thân công lấy mấy người để sung làm thái tử”, hay vị Đông cung sẽ đương nhiên kế vị vua sau này, vì hoàng tử “Ưng Chân... đức hạnh hình như chưa được thuần phác, lại có tật ở mắt, sợ khi lớn, bệnh lại thêm lên. Trẫm vốn có nhiều lỗi, việc nước mỗi ngày một nhiều, rất muốn có người con hiền che được lỗi cho cha mẹ, ngõ hầu mới không còn ân hận, trừ phi được người tài đức thuần túy hơn người thì sao thỏa được lòng mong muốn ấy”.
Xuân năm 1883, vua phong hoàng trưởng tử Dục Đức làm Thụy (Thoại) Quốc công để “mở cho ngươi còn đường tu tiến”, và cũng cho phong hoàng tử thứ hai là Ưng Đường làm Kiên Giang Quận công (chứ không phải quốc công như Rheinart nói). Nhưng trước đó 5 - 6 tháng, vua có cho dưỡng tử thứ ba là Ưng Đăng, nuôi ở trong cung lúc đó đã 14 tuổi, ra ở Dưỡng Thiện đường và bổ thầy dạy học riêng cho mau tấn tới. Khác với hai ông Ưng Chân và Ưng Đường hay bị chê trách la rầy, Ưng Đăng - về sau là vua Kiến Phúc, được vua thương quý và khen ngợi, tin tưởng nhiều hơn. Trong di chiếu trước khi băng, vua Tự Đức sau khi nêu rõ các thói hư tật xấu của hai hoàng tử kia nhưng vẫn để ngôi cho Hoàng trưởng tử Dục Đức, có xác nhận:“Duy con út là Ưng Đăng hầu hạ cẩn thận, biết sợ, dạy được chưa thấy có vết gì, nhưng tuổi còn ít, đường học chưa thông, đương lúc khó khăn này. Cho nên trẫm cắt bỏ lòng riêng, theo lẽ công, quyết thi hành mưu kế lớn là vì xã tắc (cho Dục Đức nối ngôi). Nghĩ ơn nuôi nấng đã hết lòng, không nên để cho phân biệt, nhưng chưa kịp làm, nay cho sung làm hoàng tử...”.
Việc vua cha thân hành chỉ bảo về công vụ, chương sớ này, theo truyền thống nhà Nguyễn, thường chỉ dành cho người con nào mà vua muốn truyền ngôi cho, không thấy áp dụng cho hai hoàng tử kia. (còn tiếp)
(Trích sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn, do Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)
Bình luận