Bộ sử liệu minh oan cho Kỳ Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/08/2020 06:13 GMT+7

Không chỉ giỏi tài kinh bang tế thế, Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) - vị quan Phụ chánh đại thần dưới triều Nguyễn còn là nhân vật cả cuộc đời gắn liền với một giai đoạn lịch sử vẫn còn nhiều tranh cãi.

Bằng các tư liệu khả tín nhất từ Việt Nam, Pháp và Mỹ, GS Nguyễn Quốc Trị - hậu duệ đời thứ ba đã sưu tầm, đối chiếu minh oan cho cụ cố Nguyễn Văn Tường, cùng một số vua quan nhà Nguyễn, qua bộ sử liệu đồ sộ gần 2.000 trang (2 tập): Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn, do Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành.

Đại quan từng mưu tiếm ngôi vua?

Mặc dù sử phổ thông rất ít nói về giai đoạn đầu của cuộc đời làm quan của Kỳ Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường nhưng theo GS Nguyễn Quốc Trị: “Ông đỗ cử nhân năm Canh Tuất, Tự Đức thứ ba (1850) và có cuộc đời làm quan dài trên 30 năm, bắt đầu với một chức Học quan, rồi Huấn đạo huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), đến Bang biện huyện Thành Hóa (Quảng Trị), Hình bộ Thượng thư, kiêm cơ mật viện Đại thần và quản lý Thương bạc viện..., cho đến ngày đi đày ở Tahiti vào tháng 9.1885 vẫn luôn tận tụy làm hết bổn phận với vua, với nước”.
Bìa sách

Bìa sách

Từng dám phế truất Hoàng trưởng tử Dục Đức, là con nuôi được vua Tự Đức chỉ định lên kế vị, ông cùng Phụ chánh Tôn Thất Thuyết và thân phiên đình thần tôn lập hoàng thân em út vua Tự Đức lên ngôi là vua Hiệp Hòa. Tuy nhiên cuộc đời Kỳ Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường lại gặp phải nhiều chuyện “tai bay vạ gió”, tin xuyên tạc, thêu dệt một cách cố ý do cơ quan mật thám Pháp trong những chiến dịch tuyên truyền đưa ra.
Đầu tiên ông bị lầm lẫn với một vị quan trùng tên là Nguyễn Luận, trước có tên là Nguyễn Văn Tường đổi lại. Người này khoảng gần cuối năm 1864 đã bị kết án về tội nhũng lạm... mà tai tiếng ông Tường phải mang thay.
Xung quanh nghi án Nguyễn Văn Tường loại trừ các vua nhà Nguyễn để lên ngôi, GS Nguyễn Quốc Trị cho biết: “Ông Tường và ông Thuyết lúc làm Phụ chánh bị sử sách tố cáo là đã lộng quyền lập lên ba vị vua chỉ trong thời gian 4 tháng, rồi giết hại cả ba vị là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Hai câu đối nặc danh truyền tụng để mạt sát hai ông quyền thần, đó là: Nhất giang lưỡng quốc nan phân Thuyết, Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường”.
Tác giả sách đã dẫn lý giải: “Nhận thấy hai ông Phụ chánh ông Tường và ông Thuyết lãnh đạo phe chống Pháp loại các vua thân Pháp là Dục Đức và Hiệp Hòa, phe người Pháp thuộc địa và Việt thân Pháp tung tin đồn rằng hai ông đã giết vua Kiến Phúc để tranh giành ngôi, rằng ông Tường có âm mưu cho con mình là anh rể của vua Kiến Phúc lên thay vua”.
Trong khi đó, căn cứ điện tín đề ngày 15.8.1884 từ Thuận An, gửi về Bộ Hải quân và thuộc địa, nói rất rõ về bệnh tình của vua: “Sức khỏe của vua An Nam đã gây nên những mối lo ngại hết sức quan trọng. Vị vua mắc bệnh ban đỏ, đã trải qua một cơn biến rất nặng vào một trong những đêm vừa qua. Trong một thời gian, ngài được coi như là đã chết”.
Tự quân Dục Đức, dù đã bị phế truất và giáng chức vì tội bất hiếu và sao sai di chiếu của vua Tự Đức nhưng vẫn tiếp tục mật thông với Pháp để giành lại ngôi báu, trở thành mối đe dọa cho vua Hàm Nghi nên bị giam giữ ở lao phủ Thừa Thiên rồi bị chết một cách mờ ám. Còn ai đã giết vua Hiệp Hòa, GS Nguyễn Quốc Trị viết: “Trong bốn gian hùng: Tường, Viêm (Hoàng Tá Viêm), Khiêm và Thuyết, chỉ có một mình Ông Ích Khiêm, là người đã đích thân giết vua Hiệp Hòa, được Quốc sử quán vinh danh trong hàng ngũ công thần nhà Nguyễn và tiểu sử của ông được ghi trong Đại Nam chính biên Liệt truyện, trong đó có kể chuyện ông cho vua Hiệp Hòa uống thuốc độc”.

Đến kết cục buồn

Sau khi sách lược “hòa để thủ, thủ để mưu chiến” thất bại, quan Phụ chánh Nguyễn Văn Tường bị đi đày ở Tahiti và mất tại đó vào ngày 30.7.1886, chỉ hơn 1 năm sau khi vua Hàm Nghi rời Huế và kinh thành thất thủ: “Ông Phạm Thận Duật, một thành viên của Cơ mật viện cũng bị đi đày ở Úc châu nhưng giữa đường đã chết trên tàu La Dives ngày 29.11.1886, với thân xác bị liệng xuống biển”, sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn tiết lộ. Số phận ông Tôn Thất Thuyết cũng không sáng sủa gì hơn: Vài tháng sau khi ông Tường bị đưa đi đày, ông Thuyết để hai con ở lại phò vua Hàm Nghi... ra Bắc kỳ để phối hợp và điều khiển cuộc kháng chiến Cần Vương.
Rồi sang Tàu liên lạc tìm viện trợ cho triều đình nhưng không thành. “Sống trong tình trạng giam lỏng, lưu đày như vậy đến năm 1913 thì mất, thọ 74 tuổi. Hai con của ông ở lại với vua Hàm Nghi đã chết nhân khi vua bị Pháp bắt. Mẹ và vợ ông Thuyết bị bệnh chết trên đường lên sơn phòng với vua”, sách kể.
“Bộ sách không chỉ là một bản tiểu sử mở rộng của một vị tiền bối mà là công trình đánh giá lại hầu như toàn bộ lịch sử VN trong hơn một trăm năm triều Nguyễn, nhấn mạnh vào kế sách chiến hòa khi đối diện với nguy cơ từ bên ngoài”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính
“Đầu tháng 2.1887, quan tài đựng thi hài ông Tường được tàu Bourayne mang về Đà Nẵng, được nhà cầm quyền Pháp cho đặt tạm ở một ngôi chùa xưa, rồi sau đó âm thầm chở về quê hương chôn cất ở chánh quán, xứ Mậu Hồng, phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Vài năm sau, cải táng lại thì thấy nét mặt và áo mũ y như khi còn sống”, GS Nguyễn Quốc Trị kể thêm về cụ cố Nguyễn Văn Tường của ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.