Giải nhiệt tỷ giá

Thanh Xuân
Thanh Xuân
28/09/2023 00:42 GMT+7

Bất chấp Ngân hàng Nhà nước hút tiền vào liên tục, tỷ giá vẫn tiếp tục căng. Các ngân hàng thương mại tăng giá USD lên mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại, còn đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế cũng cao nhất trong vòng 7 tháng nay.

Giá USD tăng cao

Ngày 27.9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm thêm 4 đồng, lên 24.088 đồng/USD, tương ứng mức tăng 0,46% so với đầu tháng 9. Trong khi đó, tốc độ tăng tỷ giá của các NH thương mại có mức cao hơn, lên khoảng 1%. Cụ thể, các nhà băng tăng giá USD thêm 10 đồng, Eximbank mua vào lên 24.150 - 24.230 đồng, bán ra 24.540 đồng; Vietcombank mua vào 24.170 - 24.200 đồng, bán ra 24.540 đồng… Trước đó, giá USD được các NH điều chỉnh lên mức cao 24.600 - 24.610 đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Giải nhiệt tỷ giá - Ảnh 1.

Chênh lệch lãi suất VND và USD cao gây áp lực lên tỷ giá

NGỌC THẮNG

Trên thị trường liên NH, tỷ giá giao dịch giữa các nhà băng giảm nhẹ sau khi tăng mạnh trước đó. Giá USD giảm 45 đồng, xuống quanh mức 24.390 đồng/USD sau đà tăng lên 24.435 đồng/USD. So với đầu năm, giá USD tăng khoảng 3,8% và cách mức cao nhất đạt được hối cuối năm ngoái 450 đồng/USD. Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên NH tăng nhẹ ở một số kỳ hạn từ 0,04 - 0,2%/năm so với ngày trước đó. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên 0,2%/năm, 1 tuần lên 0,41%/năm, 2 tuần lên 0,55%/năm, 3 tháng lên 3,1%/năm…

Từ tuần trước, NHNN đã có động thái liên tục hút tiền trên thị trường mở. Ngày 27.9, nhà điều hành đã hút thêm 20.000 tỉ đồng, đây là phiên thứ 5 liên tiếp lượng tiền trên thị trường được NHNN thu về với tổng khối lượng 70.000 tỉ đồng, tương ứng 2,8 tỉ USD. 9 trong số 12 thành viên tham gia thị trường đã trúng thầu với lãi suất lên 0,65%/năm, kỳ hạn 28 ngày. Mức lãi suất trúng thầu liên tục tăng trong những phiên gần đây.

Một giải pháp khác nhằm giảm nhiệt giá USD đó là tăng lãi suất điều hành lên. Thế nhưng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng không được, lãi suất cho vay cần giảm để hỗ trợ nền kinh tế thì việc điều chỉnh lãi suất điều hành tăng lên là không cần thiết. Cần phải gỡ nút thắt giữa cung cầu tín dụng để tránh hiện tượng thừa vốn.


TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Đại diện Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tỷ giá trên thị trường liên NH hiện cao hơn 1,03% so với cuối tháng 8. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,6 - 3,7%, tùy vào tỷ giá tham chiếu, tỷ giá trên thị trường chính thức tăng mạnh hơn tỷ giá trên thị trường tự do. Việc tiền đồng mất giá mạnh trong tháng 9 cũng tương quan với việc đồng USD tăng trở lại. Chỉ số USD-index đã chạm ngưỡng 106,01, mức cao nhất kể từ đầu năm. 

Diễn biến tăng giá của đồng USD thể hiện sự điều chỉnh kỳ vọng của nhà đầu tư về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau kết quả cuộc họp mới nhất vào ngày 20.9. Các dự báo của Fed và thông điệp mới nhất tiếp tục củng cố quan điểm "diều hâu hơn" trong chính sách tiền tệ với khả năng có thêm một lần tăng lãi suất trong năm 2023 và lãi suất cao sẽ duy trì lâu hơn nữa trong năm 2024. 

Đây là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của chỉ số đồng USD trong bối cảnh chính sách tiền tệ và diễn biến kinh tế đều không thuận lợi với các đồng tiền đối trọng khác như đồng JPY, CNY hay EUR. Dự báo lãi suất điều hành của Fed lên mức 5,5 - 5,75% vào cuối năm 2023. Theo VDSC, với mức chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên NH hiện đang ở mức 4 - 5% đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ vọng mới nhất về chính sách tiền tệ của Fed sẽ tiếp tục khiến cho hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất được tăng cường. Vì vậy, hành động phát hành tín phiếu của NHNN ngay sau khi có kết quả cuộc họp của Fed cũng là động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động này đối với áp lực tỷ giá.

Tỷ giá tăng do đầu cơ ?

Công ty CP chứng khoán SSI cho rằng việc chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường NH và chợ đen (quanh mức 24.300 - 24.350 đồng/USD) cũng như mức độ chênh lệch cung cầu đang nghiêng nhiều trên thị trường liên NH cho thấy nhiều khả năng là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá từ các NH thương mại. Tỷ giá nghiêng về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các NH trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý 3. Chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD trên thị trường liên NH ở mức 5%/năm tạo ra áp lực về tỷ giá trong bối cảnh giá USD trên thị trường quốc tế tăng cao. 

Điểm tích cực là vị thế của NHNN tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái (nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm) cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực như FDI giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỉ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ hay cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 19,9 tỉ USD.

Với góc nhìn trên, đại diện SSI nhận định: NHNN phát hành tín phiếu nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống đang dư thừa tiền. Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022) nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường liên NH và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường khu vực dân cư. Việc hút tiền tại thời điểm hiện tại nhưng cũng sẽ bơm ra thị trường vào tương lai sau khi đáo hạn.

Đồng quan điểm, theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: NHNN đang hút tiền giá rẻ về để hạn chế đầu cơ tỷ giá của các NH thương mại. Bởi lãi suất trên thị trường liên NH có nhiều kỳ hạn ở sát mức 0%, trong khi USD lên trên 5%/năm. 

Tuy nhiên, ông Huân nhấn mạnh giá USD tăng hiện nay mang tính mùa vụ là chính nên không nhất thiết phải có những biện pháp mạnh để can thiệp thị trường, nhất là sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp. Việc neo chặt VND với USD sẽ không tốt cho vấn đề xuất khẩu trong bối cảnh giá các ngoại tệ khác giảm khá mạnh. 

Trường hợp VND không giảm giá thì hàng xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh khi giá tăng. Việc NHNN hút tiền trên thị trường mở nhằm kéo lãi suất trên thị trường liên NH tăng lên, giảm khoảng cách giữa giá VND và USD, tránh đầu cơ ngoại tệ. Đồng thời tránh cho kỳ tăng lãi suất sắp tới của Fed sẽ tạo thêm mức chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD. 

"Một giải pháp khác nhằm giảm nhiệt giá USD đó là tăng lãi suất điều hành lên. Thế nhưng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng không được, lãi suất cho vay cần giảm để hỗ trợ nền kinh tế thì việc điều chỉnh lãi suất điều hành tăng lên là không cần thiết. Cần phải gỡ nút thắt giữa cung cầu tín dụng để tránh hiện tượng thừa vốn", TS Huân phân tích.

VDSC nhận định trong thời gian tới NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt. Đồng thời, hiệu quả của can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt quan trọng nhất là xu hướng của chỉ số đồng USD. 

Hiện tại, VDSC giữ quan điểm tỷ giá đang kiểm định lại vùng 24.500 đồng/USD và có thể giảm trở lại vào cuối năm 2023. Rủi ro đối với dự báo là khả năng chỉ số đồng USD tăng mạnh về mức 110 điểm, khi đó, NHNN có thể phải can thiệp thông qua bán ngoại tệ và kiềm giữ tỷ giá ở mức này cho đến cuối năm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.