Giải oan cho thủy điện Hòa Bình 'xả lũ gây lụt ngoại thành Hà Nội'

Đình Huy
Đình Huy
03/08/2024 07:53 GMT+7

Chuyên gia của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai khẳng định, nước lũ từ thủy điện Hòa Bình, Sơn La xả ra sẽ chảy theo sông Đà, sông Hồng và đổ ra biển, không gây ngập lụt cho vùng ngoại thành Hà Nội.

Cuối tháng 7, nước lũ chảy cuồn cuộn qua đê sông Bùi và đập tràn khiến hàng nghìn hộ dân ở 11 xã của H.Chương Mỹ (Hà Nội) bị cô lập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và tài sản.

Giải oan cho thủy điện Hòa Bình 'xả lũ gây lụt ngoại thành Hà Nội'- Ảnh 1.

Xóm Bến Vôi bị ngập, cô lập bởi "biển nước" trong nhiều ngày

ĐÌNH HUY

Theo thống kê của H.Chương Mỹ, tính đến ngày 31.7, có 1.480 hộ dân ở 10 xã (Tốt Động, Đông Sơn, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú) trong vùng rốn lũ bị ngập từ 0,5 - 2 m, 7.410 nhân khẩu bị ngập cần cứu trợ và 4.329 người phải đi sơ tán vì ngập lụt.

Trong khi đó, tại xã Cấn Hữu (H.Quốc Oai), hơn 100 ngôi nhà tại xóm Bến Vôi cũng "chìm" trong biển nước nhiều ngày liền do nước lũ sông Tích dâng cao, cuộc sống người dân đảo lộn.

Giải oan cho thủy điện Hòa Bình “xả lũ gây lụt ngoại thành Hà Nội”

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai ngập lụt nghiêm trọng là do thủy điện Hòa Bình xả lũ. Tuy nhiên, những chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai đều phủ nhận điều này.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT), khẳng định việc vận hành, điều tiết cắt giảm mực nước các hồ chứa thượng nguồn như Sơn La, Hòa Bình không ảnh hưởng và liên quan đến việc ngập lụt khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Chương Mỹ.

Sông Bùi bắt nguồn từ H.Lương Sơn (Hòa Bình), có chiều dài khoảng 40 km. Sông Bùi đoạn qua địa phận Hà Nội chảy qua H.Chương Mỹ, chia huyện này thành 2 vùng tả Bùi và hữu Bùi, sau đó đổ ra sông Tích và sông Đáy.

Trong khi đó, dòng chảy từ các hồ chứa của thủy điện Hòa Bình và Sơn La sẽ theo sông Đà, sông Hồng đổ ra biển, nó sẽ ảnh hưởng đến các vùng hạ du chạy dọc theo sông Đà, sông Hồng.

Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân xảy ra ngập lụt ở các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai là do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc xảy ra mưa đặc biệt lớn.

Mưa lũ thời gian tới sẽ rất khốc liệt

Ông Tuyên lo ngại, tình trạng mưa lũ có thể ngày càng thất thường và kéo dài trong thời gian tới. Lấy ví dụ những năm Giáp Thìn thường xảy ra lũ lụt rất lớn như năm 1964, ông Tuyên nói đây là quy luật 60 năm lặp lại nên những người làm công tác về phòng, chống thiên tai rất lo lắng, biểu hiện đã rất rõ ở đầu mùa mưa lũ. Chính vì vậy, đơn vị đã chủ động ứng phó với tình trạng cực đoan của thời tiết ngày càng khốc liệt.

"Mưa lớn và diện rộng tại miền Bắc khiến các tuyến đê đã ngậm nước dài ngày gặp nguy hiểm. Thực tế, thời gian qua cũng đã xảy ra một số sự cố về đê điều, đây chính là những điều chúng tôi rất lo ngại về việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều. Đồng thời, tiếp tục rà soát các vị trí xung yếu, có thể xảy ra mất an toàn để kịp thời xử lý những sự cố có thể xảy ra", ông Tuyên nói.

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, mưa lũ do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 2 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Điện Biên đã ghi nhận 7 người chết, 9 người mất tích, 3 người bị thương. Trong đó, Sơn La và Điện Biên là 2 địa phương có số người thiệt mạng và mất tích nhiều nhất.

Về nhà ở, khoảng 739 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 25.330 ha lúa, 2.686 ha hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng; 44 ha thủy sản mất trắng; 44 con gia súc, 7.734 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về giao thông, hơn 694 điểm sạt lở với tổng khối lượng trên 44.648 m3 đất, đá, bê tông; 54 công trình thủy lợi bị hư hỏng, ảnh hưởng; 7 điểm trường, 4 nhà văn hóa bị ngập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.