Giải oan chuyện vợ Việt, chồng Tây

22/03/2016 10:01 GMT+7

Nhắm mắt các bà nội trợ cũng biết ngay những anh chồng tây lấy vợ Việt đều thuộc toàn thành phần nghèo nàn, thất bại chẳng thể lấy nổi vợ tây, hoặc có vấn đề về tâm sinh lý.

Nhắm mắt các bà nội trợ cũng biết ngay những anh chồng tây lấy vợ Việt đều thuộc toàn thành phần nghèo nàn, thất bại chẳng thể lấy nổi vợ tây, hoặc có vấn đề về tâm sinh lý.

Khi quyết định tiến tới hôn nhân, chắc hẳn ai cũng xác định cho mình một mối quan hệ bền vững theo tinh thần “ăn đời ở kiếp”, dựa theo nền tảng tình yêu, sự thấu hiểu và chia sẻ với bạn đời.
Thế nhưng, chuyện duyên số của các phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại dường như bị truyền thông và dư luận mạng xã hội tô vẽ đầy định kiến và lệch lạc.
Nếu như bạn cho rằng lấy chồng ngoại để cả gia đình có một chỗ dựa kinh tế, tôi phải cảnh tỉnh bạn mau thức giấc ngay. Họ lấy vợ, chứ không có ý định cưu mang cả gia đình vợ. Họ muốn cùng vợ xây tổ ấm, chứ không có mục đích mở quỹ từ thiện gia đình - Ảnh: Shutterstock
Cơn ác mộng tưởng tượng mang tên chồng ngoại
“Lấy chồng tây, kinh hãi mỗi khi lên giường”, “vỡ mộng khi lấy chồng tây”, “cô dâu Việt kể chuyện chồng không bao giờ chia sẻ thức ăn”… là một vài trong số vô số bài báo được chị em chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều tới nỗi, người đọc có cảm tưởng nếu thế gian này có cái gọi là bi kịch hôn nhân, thì tất cả đều dồn vào những cặp chồng tây vợ Việt!
Hết năm này kéo qua tháng nọ, đề tài trên vẫn tiếp tục cuốn hút sự tò mò của người đọc kèm theo những bình luận kiểu “đứa bạn em quen một người lấy chồng tây kể rằng… “chị hàng xóm nhà tôi lấy chồng tây, tội nghiệp”… Chẳng cần phải tiếp xúc với một anh tây mắt xanh, tóc vàng nào một lần trong đời, nhắm mắt các bà nội trợ cũng biết ngay những anh chồng tây lấy vợ Việt đều thuộc toàn thành phần nghèo nàn thất bại chẳng thể lấy nổi vợ tây, hoặc có vấn đề về tâm sinh lý.
Còn những cô gái Việt phải lấy chồng ngoại thì đều là do tính toán lợi dụng, hoặc dốt nát quê mùa, hay tệ hơn là bởi nhan sắc quá xấu xí nên không một chàng trai Việt nào cho cơ hội…Tóm lại nồi méo, cứ phải kiếm cái vung méo.
Gần đây nhất, mạng facebook lại nóng lên với một bài báo được cho là “gây sốc” của một cô dâu người Việt mới theo chồng sang Pháp định cư. Theo lời cô chia sẻ, ôi thôi chỉ mới sáu tháng sang tây, cô đã chứng kiến tận mắt đủ tấn bi kịch của kiếp làm dâu xứ người.
Nào thì có người bất hạnh vì không thể kiếm được một tô bún riêu đúng điệu. Người đau khổ vì chồng tây không cho tiền giúp đỡ gia đình. Bản thân cô, chợt nhận ra mình sai lầm khi lấy tây khi ngồi trong bàn tiệc cùng bạn bè chồng mà mọi người lại chỉ trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp mẹ đẻ sau khi xã giao vài câu với cô bằng tiếng Anh.
Thêm lý do hóa ra chồng tây nhìn thật thà thế chứ không ngu ngốc như vẫn lầm tưởng trước đây… Với những dẫn chứng kể trên, cô đã có lời khuyên các chị em khác đừng sai lầm lấy tây khi hạnh phúc nằm ngoài tầm với! Trong suốt cả bài viết toàn kể lể và phán xét đó, tuyệt đối không thấy tác giả chỉ ra bất cứ giải pháp nào cho bản thân như quyết tâm học ngôn ngữ hay tìm cách hòa nhập vào xã hội mới để cải thiện tình hình.
Và, như thường lệ, bài viết đã nhận được hàng ngàn lượt quan tâm của các bà các chị. Số thì hả hê vì đáng đời bọn ham lấy tây, số thì thương hại cho thân gái Việt bơ vơ xứ người.
Chỉ có những cô dâu Việt đã gắn bó cùng chồng ngoại nhiều năm là không nín đươc những trận cười.
“Dâu tây” có đồng nghĩa là bi kịch?
Nếu như bạn có quan niệm rằng chồng ngoại là thứ để “lên mặt” với đời, giống một món trang sức hàng hiệu lấp lánh đeo trên người hay một chiếc xe hơi láng bóng đắt tiền, thì tôi buộc phải nhận xét rằng bạn đang méo mó lệch lạc trong suy nghĩ. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên khi bạn nhận lại quả đắng từ tư tưởng như vậy. Chồng ngoại cũng là con người với đầy đủ cảm xúc giống bạn, xin hãy nhớ điều đó.
Nếu như bạn nghĩ rằng cuộc sống bên chồng ngoại toàn nhà lầu xe hơi, nến thơm rượu vang đỏ dập dìu nhạc valse khiêu vũ, tôi e rằng bạn đã bị ám ảnh quá nhiều bởi dòng phim ba xu câu khách. Bạn sẽ rơi bịch xuống hố sâu khi đối diện với thực tế cuộc đời.
Nếu như bạn cho rằng lấy chồng ngoại để cả gia đình có một chỗ dựa kinh tế, tôi phải cảnh tỉnh bạn mau thức giấc ngay. Họ lấy vợ, chứ không có ý định cưu mang cả gia đình vợ. Họ muốn cùng vợ xây tổ ấm, chứ không có mục đích mở quỹ từ thiện gia đình.
Văn hóa phương Tây, từ lúc trẻ mới chập chững, họ đã chú trọng rèn cho con đức tự lập, sòng phẳng, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Họ sẽ không cho phép mình làm phiền tới người khác, nhưng cũng không thấy mình phải có nghĩa vụ hy sinh cho ai, trừ người chịu sự bảo bọc trực tiếp của mình như vợ, và con còn nhỏ.
Vì vậy, đa số các đức ông chồng ngoại sẽ ngơ ngác không hiểu tại sao ở Việt Nam, khi cả gia đình đông đúc cùng đi ăn tiệm cũng luôn luôn chỉ duy nhất vợ mình là người thanh toán hóa đơn, sẽ khó chịu khi những thành viên khỏe mạnh trong gia đình vợ lại ngỏ ý muốn xin xỏ những sự giúp đỡ. Họ không chấp nhận biến bản thân thành cái ngân hàng miễn phí cho một số người ỷ lại thỏa mái sử dụng.
Dư luận vốn dĩ đầy sự thiên kiến. Một cô gái mơ ước có tấm chồng giàu có giỏi giang, mọi người đều cho rằng đó là ước mơ khôn ngoan chính đáng. Nhưng, họ cũng sẵn lòng phán xét ngay những người phụ nữ lấy chồng ngoại là tính toán lợi dụng, dù chưa hề tìm hiểu sơ qua về nhân vật. Vượt qua được định kiến từ chính đồng bào mình đã là một thử thách khắc nghiệt cho không ít người.
Nếu như lấy chồng cùng chủng tộc, bạn cần phải cân nhắc cẩn thận, thì lấy chồng ngoại bạn buộc phải cân nhắc kỹ hơn trăm lần. Sự khác biệt về giáo dục, quan niệm, suy nghĩ, văn hóa, ngôn ngữ… với người này chỉ là một chướng ngại đầy thú vị màu sắc, thì với người khác là cả một bờ vực càng dấn thân càng hun hút vô vọng. Bạn có sẵn sàng vượt qua?
Thế nhưng, chính sự khác biệt văn hóa đôi khi lại là thế mạnh của những cô dâu Việt trên quê hương chồng. Các bà mẹ chồng ngoại, vốn quen với sự tôn trọng riêng tư tới lạnh lùng của phương tây, thường gắn bó đặc biệt những nàng dâu Việt vốn sinh trưởng cùng ảnh hưởng cởi mở của văn hóa phương Đông.
Với vai trò là vợ của một công dân bản xứ, những người vợ Việt sẽ luôn nhận được trợ giúp mọi mặt từ chính phủ để hòa nhập, đặc biệt riêng về thủ tục nhập cư cũng được ưu tiên hơn tất cả các trường hợp di dân khác, ngay cả tại các quốc gia nổi tiếng khó khăn về điều kiện nhập tịch.
Một người bạn của tôi, sau khi báo cảnh sát về việc bị chồng bạo hành, lập tức có xe cảnh sát hộ tống và giám sát an toàn trong lúc chị thu dọn đồ đạc. Sau đó, chị được quỹ xã hội giúp chỗ ăn ở và toàn bộ chi phí cuộc sống cho tới khi giúp chị tìm được công việc ổn định, còn người chồng bị tòa phạt không được phép tiến gần vợ trong vòng 10 mét đồng thời cũng phải chi trả trợ cấp cho chị. Điều này cho thấy, nếu trong cùng một hoàn cảnh bi kịch, các nàng “dâu tây” vẫn nhận được sự bảo vệ tích cực về mặt xã hội hơn.
Và, một sự thật, “dâu tây” có trình độ trí thức tiến sỹ, luật sư, nhà văn, nhà báo, doanh nhân… hoàn toàn không là hàng hiếm.
Rể ngoại mang nỗi oan “thị Kính” thời đại
Tôi có cô bạn hiện sống rất hạnh phúc cùng chồng người Thụy Sỹ, hai vợ chồng đều là những trí thức trẻ. Cô tâm sự, tới tận bây giờ, bố mẹ cô vẫn bị cả dòng họ dèm pha vì có con gái ăn học tử tế lại chịu gả cho tây…
Bạn có biết, để đủ điều kiện bảo lãnh hôn thê, hầu hết mọi chính phủ đều yêu cầu người chồng chứng minh được năng lực tài chính và thu nhập ổn định. Điều đó phản bác suy đoán rể tây lấy vợ Việt toàn người thất nghiệp, nghèo đói.
Luật Việt Nam quy định buộc phải khám chuyên môn về thần kinh khi làm thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài, hiển nhiên tin đồn về chứng tâm thần của các chàng rể tây đã được phản bác bởi vật chứng giấy trắng mực đen.
Thế nhưng, họ vẫn mặc nhiên bị tô vẽ thành những nhân vật mà có lẽ chính bản thân họ cũng không nhận ra chân dung mình, từ những người chưa một lần chứng kiến cảnh mỗi tháng họ lặng lẽ giữ con ngồi đợi ngoài sảnh một nhà thờ suốt nửa ngày trời, trong lúc cô vợ đang hớn hở gặp mặt các đồng hương người Việt.
Các chàng rể tây sẽ để ngoài tai những dư luận không liên quan tới cuộc đời họ. Những cô vợ sẽ tiếp tục cười xinh lướt qua những bình luận không dấu vẻ ác ý “tỏ ra vậy thôi chứ chắc gì họ đã hạnh phúc”, “nay vui vẻ chứ mai li dị trong chớp mắt ngay”… như từ trước tới nay.
Riêng tôi, một người gốc Việt lấy chồng tây, đã từng gắn bó với nghề viết báo, vẫn thầm tự hỏi có cần phải khắc họa thêm những quan niệm lệch lạc và khoét sâu sự kỳ thị xã hội theo mạch đề tài chồng tây vợ Việt?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.