Giải pháp nào nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực này để đảm bảo giáo dục sau phổ thông có chất lượng?
ĐIỂM TRUNG BÌNH 3 MÔN TỐT NGHIỆP LỆCH VỚI TỶ LỆ TRÚNG TUYỂN ĐH
Tuyển sinh sớm là phương thức được nhiều trường ĐH áp dụng, nhằm tuyển được nhiều đối tượng học sinh (HS) khác nhau: HS diện tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT (đạt giải HS giỏi quốc gia, quốc tế…), HS diện tuyển thẳng theo quy định riêng của các ĐH (xếp loại giỏi các trường chuyên, trường THPT chất lượng…), HS có điểm học bạ cao kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ… Nhiều trường nhận hồ sơ xét tuyển sớm rất sớm, từ tháng 1 hằng năm.
Thực trạng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông với những biểu hiện cụ thể như: Một số HS học thêm với thầy cô đang dạy trên lớp để mong đạt điểm cao khi kiểm tra, thi cử; một số thầy cô kiểm tra và chấm bài "nới lỏng tay" để giúp HS có lợi trong tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH; HS đã trúng tuyển sớm có tâm lý lơ là việc học, vì chỉ cần thi đủ điểm đỗ tốt nghiệp; và HS có xu hướng chọn tổ hợp KHXH ngày càng nhiều (năm 2023 và 2024 là 67%), vì dễ có điểm cao hơn khi chọn tổ hợp KHTN.
Những tác động tiêu cực này đã dẫn đến một số địa phương mặc dù có thứ hạng trung bình điểm thi và tổng điểm 3 môn toán, văn, ngoại ngữ thấp nhưng tỷ lệ trúng tuyển ĐH cao. Kết quả 10 địa phương có HS trúng tuyển ĐH cao năm 2022 và 2023 cho thấy, bên cạnh một số địa phương có kết quả thi tốt như Bình Dương, TP.HCM, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, vẫn có địa phương kết quả thi chưa tốt nhưng vẫn nằm trong top 10, như Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hưng Yên, Thừa Thiên-Huế.
CHÊNH LỆCH ĐIỂM HỌC BẠ VÀ ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP
Một số cán bộ quản lý giáo dục cho rằng giai đoạn 2015-2019, thi THPT quốc gia và điểm học bạ tham gia 50% trong trung bình điểm tốt nghiệp, nên một số trường học có xu hướng cho điểm HS rất rộng để có lợi thế. Xu hướng này đã trở nên phổ biến và trở nên bình thường đối với một số giáo viên.
Từ năm 2020, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh điểm chênh lệch giữa trung bình điểm học bạ và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT của các địa phương. Qua đối sánh điểm chênh lệch này trong năm 2020 và năm 2021 cho thấy số địa phương có điểm chênh lệch nhiều nhất năm 2020, đến năm 2021 chênh lệch này vẫn nhiều nhất. Ví dụ, năm 2020 Phú Yên (có thứ hạng học bạ là 13; thứ hạng điểm thi là 58), Long An (2; 27), Sóc Trăng (19 ; 44), Hà Nội (3 ; 25), Đồng Tháp (4 ; 23), Hưng Yên (7 ; 30), Hải Phòng (1 ; 11)…
THÊM QUY ĐỊNH RÀNG BUỘC VỚI PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH SỚM
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, có nhiều thay đổi so với năm 2024. Trước hết, việc đánh giá HS không chỉ về kiến thức và kỹ năng, mà cả đánh giá phẩm chất và năng lực, theo yêu cầu cần đạt quy định của chương trình.
Số môn thi còn lại 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn và 2 môn tự chọn theo định hướng nghề nghiệp của HS trong số các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, công nghệ, tin học và giáo dục kinh tế và pháp luật.
Để giảm ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông từ các phương thức tuyển sinh sớm, cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.
Trước hết, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể phương thức tuyển sinh sớm bằng học bạ phải ít nhất là 5 học kỳ THPT, đồng thời điều kiện trúng tuyển không chỉ là tốt nghiệp, mà điểm thi phải đạt mức nhất định. Thời hạn công bố kết quả trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh sớm vào tháng 5 hằng năm. Bộ thực hiện đối sánh hằng năm, công bố đầy đủ trung bình điểm thi, điểm thi các môn, trung bình điểm học bạ, chênh lệch giữa học bạ và điểm thi… để các địa phương biết và hướng đến đánh giá HS chính xác, công bằng hơn.
Các trường ĐH thực hiện tự chủ trong tuyển sinh với các phương thức rõ ràng dễ hiểu với thí sinh và xã hội, góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng đối với giáo dục phổ thông; xây dựng các tổ hợp tuyển sinh theo các môn thi; Từng trường thực hiện đối sánh đầy đủ các khía cạnh như sinh viên trúng tuyển theo phương thức nào bỏ học nhiều nhất, phương thức nào có tỷ lệ tốt nghiệp nhiều nhất, chứ không chỉ tập trung vào trung bình điểm hay xếp loại học tập.
Các sở GD-ĐT cần có các giải pháp nâng cao chất lượng THPT, đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng HS sau THCS theo hướng có 30-40% HS tốt nghiệp THCS tham gia giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện văn hóa chất lượng "Học thật, thi thật, chất lượng thật".
Về phía trường học, cần nhận thức được rằng kết quả thành công của HS do các yếu tố như HS, giáo viên, nhà trường, gia đình và môi trường học tập. Giáo viên và HS cần đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, bám vào các đề thi minh họa tốt nghiệp năm 2025 do Bộ GD-ĐT công bố. Các trường THPT và trung tâm GDTX tổ chức khảo sát sớm đối với HS lớp 12 về các môn thi lựa chọn cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, nhằm xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp lớp lại một cách hợp lý để tổ chức giảng dạy chương trình lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp hiệu quả.
Bình luận (0)