Giải pháp kềm giá hàng hóa

05/01/2023 06:01 GMT+7

Giá điện chuẩn bị tăng, thuế xăng dầu tăng, thuế giá trị gia tăng trở lại do hết thời hạn hỗ trợ 2%, lãi suất cho vay mua nhà xã hội cũng tăng... khiến nhiều người lo ngại giá thành hàng hóa tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp .

Thuế xăng, VAT, lãi suất… tăng

Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ tối 3.1, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ đã nhận được đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN). Chính phủ cũng đã giao bộ nghiên cứu từ phương án đề xuất của EVN nhằm xây dựng lộ trình tăng giá điện trong thời gian tới. Theo ông Hải, những biến động khó lường của giá năng lượng thế giới, biến động tỷ giá, xung đột Nga - Ukraine… đẩy chi phí sản xuất, giá thành điện tăng mạnh.

Báo cáo của EVN cho thấy giá than nhập khẩu bình quân trong 10 tháng năm 2022 cung cấp cho các nhà máy điện đã tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021. Giá than trộn của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng hơn 50% so với đầu năm 2022, khiến chi phí sản xuất điện tăng cao. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Lộ trình tăng giá điện sẽ được thực hiện trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố như lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bộ sẽ tính toán kỹ và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo sự tác động nhỏ nhất trong trường hợp điều chỉnh tăng giá điện.

EVN và Bộ Công thương đang tính toán lộ trình tăng giá điện hợp lý nhất để giảm thiểu tác động lên giá hàng hóa

Ngọc Thắng

Một lãnh đạo trong ngành điện cho biết lộ trình tăng giá có thể sẽ được Bộ Công thương trình sau Tết Nguyên đán. Tính đến tháng 3.2023, giá điện bán lẻ đã có 4 năm chưa được điều chỉnh.

Như vậy, sau thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu tăng gấp đôi so với 6 tháng cuối năm 2022, từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng/lít xăng từ ngày 1.1 vừa qua, nay giá bán lẻ điện đang đứng trước khả năng tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% thực hiện từ tháng 2 đến hết năm 2022 cũng đã hết hiệu lực.

Mặc dù áp dụng rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thu ngân sách trong 2022 không những không giảm mà còn tăng mạnh. Vì thế, không có lý do gì để phải cân nhắc việc gia hạn các chính sách này.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh

Giá cả nhiều dịch vụ, sản phẩm, thuế đầu vào tăng chắc chắn sẽ tác động đến mặt bằng giá cả trên thị trường. Ngày 4.1, trao đổi với Báo Thanh Niên, đại diện các chuỗi siêu thị LotteMart, MM Mega Market… xác nhận, thuế VAT áp dụng đối với khách mua hàng tại siêu thị đã tăng 10% trở lại như tại thời điểm trước tháng 2.2022. Trước đó, nhiều hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp (DN) ở nhiều lĩnh vực vừa đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách giảm VAT 2% tới hết năm 2023, thay vì kết thúc vào cuối năm 2022. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nói DN vẫn đang rất nỗ lực để duy trì sản xuất mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, tại thời điểm này khó khăn chồng chất nên mọi nỗ lực chủ yếu là “căng kéo” để tồn tại và rất dễ bị tổn thương do phục hồi chưa thực sự ổn định. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023.

“Cuối năm, DN đối diện nhiều yếu tố bất lợi khi áp lực lãi suất tăng nhanh; thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, đơn hàng giảm, phải cắt giảm công suất… Vì vậy, việc kéo dài thời gian hỗ trợ giảm thuế VAT sẽ giúp DN có thêm nguồn lực để đảm bảo đủ nguồn cung, ổn định giá cả, qua đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi”, bà Chi nhấn mạnh.

Trong khi đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng cũng tăng. Ngay tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định 2081 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11, Thông tư 32 và Thông tư 25 của NHNN. Theo đó, từ 2023, lãi suất vay mua nhà ở xã hội sẽ tăng từ 4,8% lên 5%/năm trong năm nay. Trước đó, năm 2021, theo Quyết định 1955 của NHNN, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 với các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm.

Giá đầu vào tăng là yếu tố dễ gây tăng giá hàng hóa ngay trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán

Ngọc Dương

Gia hạn các gói hỗ trợ để kềm giá

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), đánh giá sức khỏe chung của nền kinh tế VN hiện đang yếu do chịu nhiều cú sốc từ nửa cuối năm 2022. Không chỉ nhu cầu ngoài thế giới sụt giảm ảnh hưởng tới xuất khẩu, nội tại thị trường VN cũng chịu tác động rất mạnh khi thị trường trái phiếu đóng băng, khả năng tiếp cận vốn của DN thấp và thị trường bất động sản “đứng hình”, ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Vì thế, cần thiết có các động thái can thiệp từ chính sách nhằm kềm chế đà tăng của hàng hóa. Theo ông Phạm Thế Anh, giá xăng, giá điện hay việc chấm dứt các chính sách hỗ trợ về thuế đều “đánh” trực tiếp vào hàng hóa thiết yếu, gây tăng giá trở lại. Để kềm chế, không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục gia hạn các chính sách hỗ trợ, thậm chí bỏ luôn một số loại thuế bất hợp lý.

Trường hợp nếu không thể bỏ thuế BVMT với xăng thì đề xuất đánh mức thuế thấp theo số tuyệt đối như cách mà Philippines hay Thái Lan đang áp dụng (có thể cố định 200 đồng hoặc 500 đồng/lít), thay vì thuế suất như hiện nay. Như vậy sẽ không ảnh hưởng lớn tới giá xăng trên thị trường.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội)

Cụ thể, như thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang đánh vào xăng dầu, PGS-TS Phạm Thế Anh đã rất nhiều lần nêu quan điểm đây là sắc thuế chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, không khuyến khích, hàng hóa xa xỉ, trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Do vậy, không nên tính thuế TTĐB. Hơn nữa, dù xăng dầu gây ảnh hưởng môi trường, không khuyến khích tiêu dùng nhiều nhưng đã tính thuế BVMT, còn tính thêm thuế TTĐB là không phù hợp. Các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia đều không áp dụng sắc thuế này.

Song song đó, tiếp tục gia hạn thời gian giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu. Thời gian qua, thu ngân sách từ các khoản như xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu… tỷ lệ thuận với giá nên có thể tăng cao. Nếu vừa dự toán, còn dư địa thì vẫn nên tiếp tục giảm thuế.

Tương tự, mức giảm 2% thuế VAT cũng cần cân nhắc nguồn thu từ ngân sách để gia hạn. Thực tế, khi áp dụng giảm thuế thì thu ngân sách cũng xấp xỉ khoản thu 10% trong trường hợp giá cả hàng hóa tăng lên. Đơn cử, nếu nhà nước đánh 10% thuế VAT từ món hàng trị giá 10.000 đồng sẽ thu được 1.000 đồng. Hiện nay, giá món hàng tăng lên 12.000 đồng, áp dụng thuế 8% thôi thì cũng thu về xấp xỉ 1.000 đồng. Tính ra, nhà nước không thiệt mà ngược lại. Khi các chính sách hỗ trợ tiếp tục được gia hạn, kinh tế tăng trưởng tốt thì nguồn thu ngân sách từ thuế còn nhiều hơn. Ngoài ra, PGS-TS Phạm Thế Anh đề xuất đối với các mặt hàng không thể “cưỡng lại” việc giá tăng như điện thì phải có lộ trình để tránh gây sốc cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cảnh báo áp lực lạm phát năm 2023 còn cao hơn trong năm 2022. Bên cạnh đó, chương trình hồi phục kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành có thời gian áp dụng trong 2 năm. Trong đó, ngoài đầu tư công thì còn có hỗ trợ giãn, giảm thuế. Thu ngân sách trong 2022 cũng tăng khá mạnh, còn nhiều dư địa cho các chính sách tài khóa. Vì thế, nên tiếp tục gia hạn các gói hỗ trợ để tạo điều kiện cho nền kinh tế có sức vực dậy sau những khó khăn từ quý 4/2022 cũng như tạo đà phát triển trong 2023.

TS Vũ Đình Ánh phân tích: Giá xăng dầu đang tăng trở lại và dự báo trong năm nay sẽ có nhiều biến động mạnh. Rút kinh nghiệm từ sự chậm trễ trong 2022, chính sách giảm thuế BVMT cần được tiếp tục gia hạn ngay để đón đầu diễn tiến của thị trường. Tránh tình trạng khi giá xăng tăng cao thì còn bàn cãi, đến khi quyết giảm thuế thì thị trường đã hạ nhiệt. Chính sách giảm 2% thuế VAT hoặc giảm tiền thuê đất theo đề xuất của Bộ Tài chính… cũng cần áp dụng. “Mặc dù áp dụng rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thu ngân sách trong 2022 không những không giảm mà còn tăng mạnh. Vì thế, không có lý do gì để phải cân nhắc việc gia hạn các chính sách này”, ông Ánh nhấn mạnh.

Chuyển hướng hỗ trợ từ DN sang người lao động?

Bên cạnh áp lực lạm phát, thách thức rất lớn mà kinh tế VN phải đối mặt trong 2023 mà nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, đó là tình trạng thất nghiệp tăng cao từ cuối 2022. Hàng loạt DN cắt giảm nhân sự, sa thải nhân viên khiến số lượng rất lớn người lao động bỗng dưng thất nghiệp, không chỉ làm giảm cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước mà còn kéo theo áp lực rất lớn về vấn đề an sinh xã hội. Vì thế, PGS-TS Phạm Thế Anh đề xuất đối với các gói lãi suất tín dụng hỗ trợ DN giải ngân chậm có thể chuyển hướng sang hỗ trợ người dân, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Ví dụ, gói hỗ trợ giảm lãi suất tín dụng 2% có thể mở rộng cho đối tượng người dân mua nhà ở xã hội…

Cùng nhận định hỗ trợ trực tiếp cho người lao động là tốt nhất, sẽ hiệu quả hơn hỗ trợ gián tiếp qua DN, song TS Vũ Đình Ánh lưu ý cần thiết lập cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người lao động một cách minh bạch, công bằng và hiệu quả. “Thời gian qua, các gói hỗ trợ về an sinh còn rất nhiều bất cập. Diện nhận hỗ trợ hẹp; trường hợp cùng diện thì người được hỗ trợ, người không được; thất thoát cũng có thể đã xảy ra… Vì thế, nếu chuyển hướng các gói hỗ trợ thì trước hết cần thay đổi bài bản cả về thể chế và hệ thống một cách rõ ràng, minh bạch”, vị này nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.