Xăng giảm, giá hàng hóa vẫn neo cao

22/09/2022 06:49 GMT+7

Ngoại trừ giá thịt heo đang giảm mạnh, các loại thực phẩm khác cũng như giá dịch vụ vận tải vẫn giữ mức cao dù giá xăng dầu đã về mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.

Cước taxi, giá rau củ vẫn cao

Thường xuyên dùng app trên điện thoại để đặt xe taxi công nghệ, anh Phạm Minh Đức, ngụ P.Thạnh Mỹ Lợi (TP.HCM), nhận xét: “Mấy hôm nay giá cước taxi công nghệ có giảm một chút nhưng không đáng kể. Đặc biệt nếu đặt xe vào giờ cao điểm thì giá cước có thể tăng gấp đôi”. Chứng minh cho chúng tôi thấy, anh Đức đã đặt thử xe một quãng đường từ Q.3 đến TP.Thủ Đức bằng 3 app Gojek, Grab và Vinasun. Cùng một quãng đường 8 km, giá Grab khoảng 170.000 đồng, giá Gojek 168.000 đồng, Vinasun 205.000 đồng.

Giá rau củ quả vẫn chưa giảm do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố

Ngọc Dương

Trao đổi với Thanh Niên, ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương VN (hãng taxi Vinasun), chia sẻ: “Giá cước taxi ảnh hưởng bởi giá xăng dầu nhưng hiện nay giá cước của Vinasun chưa điều chỉnh được bởi liên quan đến nhiều yếu tố khác. Thông thường khi giá xăng dầu tăng giảm 10% thì chúng tôi điều chỉnh tương ứng, tuy nhiên mức giảm giá xăng hiện nay chưa đủ để công ty vận tải giảm giá. Theo tôi, mức giá hiện nay tương đối phù hợp so với cung cầu thị trường. Đây là mức cước phí niêm yết cố định chứ không tăng hay thay đổi một ngày 2 - 3 mức giá như các ứng dụng taxi khác”. Theo ghi nhận, giá niêm yết của Vinasun là 11.000 đồng/500 m đầu tiên (giá mở cửa), 17.600 đồng/km trong phạm vi 30 km và từ 31 km trở đi giá 14.500 đồng/km. Trong khi đó, giá taxi công nghệ gần như không đổi, vẫn niêm yết giá 10.000 đồng/km + 450 đồng/phút, cước phí tối thiểu 29.000 đồng/2 km đầu tiên. Bên cạnh đó, các ứng dụng taxi công nghệ còn cộng thêm rất nhiều loại phụ phí khác, trong đó phụ phí khiến đội giá cước lên nhiều nhất là phí nhu cầu cao và phí ban đêm.

Tương tự, mặt hàng rau củ quả, giá bán nhiều loại tại chợ vẫn chưa giảm do sản lượng thấp, hao hụt vì thời tiết mưa nhiều. Cụ thể: rau muống 20.000 đồng/kg; cải ngọt, cải thìa, su su: 23.000 đồng/kg; bắp cải, bầu, bí, cải thảo: 25.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Bình Điền, đại diện Ban quản lý chợ cho biết lượng trái cây về chợ vẫn ổn định, sức tiêu thụ bình thường và giá bán chưa có sự điều chỉnh. Các loại trái cây về chợ nhiều nhất, trị giá cao là cam (10.000 - 14.000 đồng/kg), bưởi da xanh (30.000 - 40.000 đồng/kg), sầu riêng (55.000 đồng/kg), xoài cát Hòa Lộc (45.000 - 70.000 đồng/kg), dưa hấu (10.000 - 12.000 đồng/kg). Trong khi đó, các loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, Campuchia, Mỹ… cũng đa dạng không kém, chiếm tỷ lệ khoảng 30% so với trái cây nội địa.

Giá xăng dầu 22.9.2022: Rớt dưới mốc 90 USD/thùng

Gạo, thịt giảm

Mặt hàng giảm giá rõ rệt nhất là gạo và thịt heo. Giá heo hơi ngày 21.9 đồng loạt giảm mạnh khi nguồn cung tăng lên và sức mua yếu. Thị trường heo hơi miền Bắc đồng loạt giảm từ 1.000 - 6.000 đồng/kg, dao động từ 60.000 - 64.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm hơn 15.000 đồng/kg so với cao điểm vào tháng 7 vừa qua. Giá heo hơi khu vực miền Trung, Tây nguyên cũng điều chỉnh tại nhiều nơi, mức giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 57.000 - 62.000 đồng/kg. Tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, giá heo hơi cũng điều chỉnh giảm còn 58.000 - 64.000 đồng/kg. Giá thịt heo bán lẻ trên thị trường các chợ cũng giảm còn 90.000 - 160.000 đồng/kg. Theo một số công ty chăn nuôi, tình hình dịch bệnh đang xảy ra ở một số vùng chăn nuôi đã khiến cho tâm lý bán hàng càng nhanh càng tốt, dẫn đến nguồn cung tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều nơi đã bắt đầu thanh lý để chuẩn bị tái đàn kịp vào dịp tết. Chị N.T.P.Q (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết giá thịt heo, thủy sản hiện nay đã bắt đầu giảm nhẹ. Tuy nhiên, nếu so với thu nhập của công nhân như chị thì vẫn còn cao nên trong giai đoạn hiện nay, chị vẫn phải tiết kiệm tối đa và giảm bớt khẩu phần ăn.

Giá xăng dầu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh. Kinh tế trong nước của chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm. Khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao.

Đại diện Tổng cục Thống kê

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), đến nay đã có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, với tổng vốn 2,2 tỉ USD. Các dự án này tập trung chủ yếu vào mảng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, gà, bò, giết mổ, chế biến, xử lý môi trường… Cục Chăn nuôi cho biết tốc độ phát triển chăn nuôi cả nước vẫn đạt từ 4 - 5% từ đầu năm đến nay. Trong vài năm tới, chăn nuôi VN sẽ có bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa bởi làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các dự án lớn áp dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị khép kín, có chế biến sâu của Công ty C.P, T.H, Dabaco, De Heus, Masan… Với xu hướng này, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp ngày càng tăng, trong khi số cơ sở chăn nuôi nông hộ thì giảm dần. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi heo. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5 - 7%/năm. Riêng giai đoạn 2019 - 2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ, quy mô nông hộ giảm từ 15 - 20% do bị ảnh hưởng liên tiếp bởi các dịch bệnh như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng… Chính vì thế, giá thịt heo sẽ dần giảm đi dưới sự cạnh tranh và điều tiết của các tập đoàn lớn.

Tương tự, dù giá lúa gạo xuất khẩu khởi sắc nhưng thị trường nội địa vẫn khá bình ổn bởi nguồn cung dồi dào. Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 - 16.000 đồng/kg...; mắc tiền nhất như gạo ST25 cũng giảm còn 26.000 đồng/kg.

Một đại diện Tổng cục Thống kê nhận định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm (nhóm hàng có tác động lớn tới CPI) thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt heo, thức ăn chăn nuôi. Hiện nay giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Lý do, VN là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.