Tại tọa đàm, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương thừa nhận, giá nhiều mặt hàng neo cao trong bối cảnh giá xăng dầu giảm.
Bà Nương cho rằng cần độ trễ nhất định để các đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian qua.
“Bộ Tài chính cũng đã tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá”, bà Nương nói.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (trái) và chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú tại tọa đàm |
nhật Bắc |
Đồng ý có độ trễ nhưng theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực là “không thể trễ hàng tháng hay thậm chí đến mấy tháng được”.
Do đó, ông Lực cho rằng cần có sự vào cuộc sát sao của cơ quan chức năng và người dân cũng có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng vẫn như cũ.
Trước ý kiến cho rằng việc giá nhiều hàng hóa vẫn cao chủ yếu liên quan đến một vài doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, có xu hướng lũng đoạn thị trường và hệ thống phân phối “ăn dày”, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú tỏ ra khá đồng tình.
Dẫn câu chuyện thịt lợn, theo ông Phú, nguyên do chính là qua quá nhiều khâu trung gian, đã đẩy giá 1 kg thịt lợn tăng 170% khi tới tay người tiêu dùng so với khi xuất chuồng.
“Kinh nghiệm các nước, ví dụ như Hàn Quốc chẳng hạn, họ xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ. Trong khi ở ta, một viên thuốc, một con lợn, một con cá đi từ bán buôn, bán lẻ rồi lò mổ, rồi vào siêu thị, mới đến tay người dùng. Trong khi một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí chiết khấu còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất”, ông Phú nói.
Tương tự, một chuyện khác là của ngành mía đường Thái Lan cũng được ông Phú đưa ra để phân tích. Ông cho biết Thái Lan đã luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng ngành đường.
Theo đó quy định rõ một cân đường thì 70% lợi nhuận là dành cho người nông dân còn 30% là các khâu khác. “Nhưng ở ta thì hình như ngược lại. Các nước thì siêu thị bán giá phải rẻ hơn ở chợ. Tôi theo dõi ngành thương mại mấy chục năm nay thì thấy ở ta siêu thị lại đắt hơn chợ khoảng 30%. Tất nhiên có những yếu tố loại trừ như thuế VAT, nhưng yếu tố chủ quan vẫn là siêu thị đẩy giá lên là có”, ông Phú bày tỏ.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng đồng tình rằng các khâu trung gian đang “đánh quả”, ăn chênh lệch nhiều và phần thiệt thòi luôn là những người nông dân yếu thế. “Chỗ này tôi nghĩ đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng. Cho nên muốn gì thì muốn là phải công khai, minh bạch. Điều đó sẽ giúp chúng ta biết chắc chắn rằng đến khâu này giá bị đội lên chừng này, đến khâu kia giá đội lên chừng kia. Như thế sẽ biết khâu nào cần phải xử lý”, ông Lực chia sẻ.
Bình luận (0)