Giải pháp kỳ cục

12/04/2017 06:17 GMT+7

Quyết định miễn phí cho người dân địa phương khi qua trạm BOT Bến Thủy 1 chiều qua, là kết quả một quá trình đấu tranh không mệt mỏi của người dân trong suốt 2 năm qua, vì một sự vô lý mà ai cũng nhìn thấy.

Nhưng dự rằng, sẽ vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh từ quyết định này (đơn cử như phải chứng minh là dân địa phương khi đi qua trạm chẳng hạn), nếu câu chuyện không giải quyết tận gốc, đó là đường BOT ở đâu thì đặt trạm ở đấy.
Ai cũng thừa nhận sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây. Và, người ta cũng dễ dàng nhận thấy một trong những yếu tố tạo nên sự phát triển đó là các dự án BOT, xã hội hóa.
Thế nhưng, chính những dự án BOT đang đặt ra những vấn đề ngày càng bức xúc. Từ chuyện kiểm toán chỉ 27 dự án BOT đã làm lòi ra 100 năm lạm thu phí hồi tháng 2 cho thấy, tất cả các khâu từ tổ chức đấu thầu, tới thực hiện, hoàn thành dự án đều bị buông lỏng, thậm chí phó mặc cho chủ đầu tư muốn vẽ thế nào cũng được, làm thế nào cũng xong.

tin liên quan

Viện phí 2,2 triệu đồng, BOT phí 2,8 triệu đồng
Bị đau ruột thừa, từ bên này sang bên kia cầu để mổ và điều trị hết 2,2 triệu đồng viện phí nhưng tiền qua lại trạm thu phí BOT tốn gần 2,8 triệu đồng dù không đi mét đường nào trên dự án BOT!
Đến chuyện bức xúc nhất hiện nay (có thể trở thành điểm nóng xã hội) là trạm thu phí “đặt nhầm chỗ”, chứng minh rằng chủ trương “đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, của nhà đầu tư và của nhà nước” đã không được tính đến. Người ta chỉ tính đến “lợi ích nhóm” của nhà đầu tư và một số quan chức mà quên đi quyền lợi của người dân. Và nhà nước thì đương nhiên thiệt hại về tiền bạc, uy tín.
Trả lời báo chí, một quan chức Bộ GTVT từng rất “hồn nhiên” rằng, đặt trạm thu phí nhầm chỗ cũng là một... giải pháp: “Nếu chúng ta chỉ thu ở đường BOT không thì xe sẽ đi vào đường không thu phí, nếu như vậy nhà đầu tư sẽ không đủ khả năng để đầu tư đường mới”.
Với lý lẽ này của quản lý nhà nước, dễ hiểu khi các dự án BOT được phê duyệt phương án tài chính thu lố cả 100 năm, càng dễ hiểu hơn khi trạm thu phí được đặt ở cả tuyến mới và tuyến cũ (núp dưới mỹ từ “nâng cấp”).
Chưa bàn đến câu chuyện “lợi ích nhóm” mà dư luận vẫn xầm xì khi điểm danh các dự án BOT giao thông gần đây, chỉ quan tâm đến những khó khăn mà người dân gặp phải khi các trạm thu phí được đặt nhầm chỗ, đã thấy trách nhiệm của quản lý nhà nước trước hết là phải giải quyết dứt điểm, không thể tiếp tục thu phí một cách phi lý. Sau nữa, cần phải công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đầu tư, phê duyệt và thực hiện các dự án BOT.
Cũng giống như câu hỏi dư luận đặt ra khi kết quả kiểm toán giảm 100 năm thu phí, ai phải chịu trách nhiệm về việc các trạm thu phí đặt nhầm chỗ; khi mà các phương án BOT đều được phê duyệt với đầy đủ ban bệ, các bộ ngành liên quan. Trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ biết, làm thế nào để giải quyết những bức xúc liên quan đến các dự án BOT bấy lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.