Giải pháp nào chấm dứt tình trạng khuyết hiệu trưởng trường ĐH?

Hà Ánh
Hà Ánh
31/05/2023 06:05 GMT+7

Nhiều trường ĐH công lập hiện rơi vào khủng hoảng bộ máy tổ chức. Đáng chú ý, có ĐH dù đã thực hiện nhiều bước trong quy trình bổ nhiệm nhưng vẫn đang trong tình trạng khuyết vị trí hiệu trưởng nhiều năm nay.

Một trong các giải pháp được nêu ra giải quyết tình trạng khuyết hiệu trưởng là cơ quan quản lý trực tiếp quyết định giao quyền hiệu trưởng hoặc người phụ trách trong tình huống cần thiết.

HƠN 5 NĂM CHƯA CÓ HIỆU TRƯỞNG CHÍNH THỨC

Khuyết vị trí hiệu trưởng là một thực tế ở nhiều trường ĐH hiện nay. Trong đó, có những trường dù hiệu trưởng cũ hết tuổi quản lý đã nhiều năm, nhưng việc thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng mới đến nay chưa hoàn thiện. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động của trường.

Đến tháng 5 này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chính thức bước qua năm thứ 3 không có hiệu trưởng kể từ khi hiệu trưởng cũ hết tuổi quản lý vào tháng 5.2021. Ở thời điểm đó, Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã có nghị quyết đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận một trưởng khoa làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, Bộ không công nhận nghị quyết trên. Theo đó, Bộ đề nghị Hội đồng trường xem xét trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng trường này vì đã ký một thông báo nhưng không căn cứ trên nghị quyết của Hội đồng trường, không đúng với quy định tại khoản 10, điều 1, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH.

Giải pháp nào chấm dứt tình trạng khuyết hiệu trưởng trường ĐH? - Ảnh 1.

Khuyết vị trí hiệu trưởng, sinh viên một số trường ĐH không được nhận bằng tốt nghiệp đúng thời hạn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Từ tháng 5.2022 đến nay, trường ĐH này hiện chỉ có một phó hiệu trưởng phụ trách và một phó hiệu trưởng khác tham gia trong việc điều hành ban giám hiệu trường.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự. Từ tháng 7.2020, Bộ Y tế có quyết định công nhận Hội đồng trường của ĐH này. Sau khi hiệu trưởng cũ chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH này bắt đầu bước vào giai đoạn không có hiệu trưởng chính thức. Ở thời điểm đó, một phó hiệu trưởng được giao quyền thực hiện quyền hạn của hiệu trưởng. Hội đồng trường tiếp tục công bố quyết định bổ nhiệm thêm 2 phó hiệu trưởng nhưng sau đó phải thu hồi do làm chưa đúng với quy chế tổ chức hoạt động do trường ban hành. Sau một thời gian dài trường chỉ có một phó hiệu trưởng phụ trách, tháng 8.2022 trường có thêm một phó hiệu trưởng. Giữa tháng 4 năm nay, trường tiếp tục thay đổi người phụ trách trường luân phiên giữa 2 phó hiệu trưởng nhưng vẫn tiếp tục kiện toàn vị trí hiệu trưởng.

Đáng chú ý, cuối tháng 4 qua, Trường ĐH Luật TP.HCM tiếp tục có sự thay đổi lãnh đạo trường nhưng vẫn chưa phải quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng chính thức. Trường có phó hiệu trưởng phụ trách mới, thay thế người phụ trách tiền nhiệm hết tuổi quản lý. Tình trạng này kéo dài suốt hơn 5 năm kể từ khi hiệu trưởng cũ hết tuổi quản lý vào tháng 3.2018. Ngoài người phụ trách, ban giám hiệu trường này hiện chỉ còn một phó hiệu trưởng khác.

Sau khi hiệu trưởng cũ nghỉ hưu, từ đầu năm 2021 đến nay Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng trong tình trạng khuyết hiệu trưởng. Theo nghị quyết của Hội đồng trường, 1 trong số 3 phó hiệu trưởng được giao quyền hiệu trưởng cho đến khi có quyết định về nhân sự hiệu trưởng.

Ngoài ra, nhiều trường ĐH khác trước khi có hiệu trưởng chính thức cũng trải qua tình trạng tương tự như: Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM…

Trong đó một số trường, tình trạng "vắng" hiệu trưởng ảnh hưởng trực tiếp tới người học. Chẳng hạn, hơn 4.000 sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng không thể nhận bằng sau hơn một năm chờ đợi. Thời điểm cuối năm 2020, hàng ngàn sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng chưa được tốt nghiệp do không có người ký bằng…

Giải pháp nào chấm dứt tình trạng khuyết hiệu trưởng trường ĐH? - Ảnh 2.

Đến tháng 5 này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chính thức bước qua năm thứ 3 không có hiệu trưởng kể từ khi hiệu trưởng cũ hết tuổi quản lý vào tháng 5.2021

SPKT

NGUYÊN NHÂN VÌ ĐÂU ?

Một phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH cho biết, nguyên nhân tình trạng khuyết hiệu trưởng trong thời gian dài ở một số trường là do không tổ chức thành công Đại hội Đảng. Đại hội không bầu ra được cấp ủy mới, nên không có sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ, từ đó ảnh hưởng tới quy hoạch, lựa chọn nhân sự. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề kiện toàn hội đồng trường và tiếp theo đó là nhân sự hiệu trưởng.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nhìn nhận nguyên nhân quan trọng còn nằm ở công tác quy hoạch và chuẩn bị lực lượng kế cận của các trường. Dựa theo Nghị định 115 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời gian, đơn vị phải thực hiện quy trình bổ nhiệm/bổ nhiệm lại hiệu trưởng. Tuy nhiên, công tác này ở các trường thực hiện chưa tốt nên dẫn đến tình trạng làm quy trình hiệu trưởng mới sau khi hiệu trưởng cũ nghỉ hưu gặp nhiều khó khăn.

"Các trường hoàn tất quy trình trước 3 tháng thì sẽ không xảy ra tình huống này", ông Ga nói thêm.

CƠ QUAN QUẢN LÝ TRỰC TIẾP QUYẾT ĐỊNH HIỆU TRƯỞNG ?

Trước thực trạng nhiều trường ĐH rơi vào khủng hoảng tổ chức bộ máy và khuyết vị trí hiệu trưởng trong nhiều năm này, Bộ GD-ĐT có đề xuất sửa đổi nghị định, trong đó nội dung được chú ý nhất liên quan đến vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp. Theo đó, Bộ đề xuất sửa Nghị định 99 theo hướng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của "cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận". Cụ thể, cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong 2 trường hợp sau: với trường ĐH mới thành lập; với trường ĐH đã khuyết hiệu trưởng quá 6 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp.

GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết đồng ý với kiến nghị sửa đổi trên nếu nhân sự hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong 2 trường hợp dựa trên đề xuất của hội đồng trường.

Theo ông Bùi Văn Ga, hiệu trưởng là nhân sự quan trọng của trường ĐH, người chịu trách nhiệm điều hành chính của trường, chủ tài khoản, thực hiện ký bằng tốt nghiệp… Không có hiệu trưởng, trường không thể hoạt động hiệu quả. Do đó, theo ông Ga, trong những tình huống bất khả kháng, việc cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường là cần thiết. "Tuy nhiên việc này chỉ xử lý những tình huống không mong muốn và người được giao quyền chỉ trong thời gian nhất định chờ làm nhân sự chính thức", ông Ga nói thêm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.