Giải pháp thực hiện thi THPT quốc gia chưa ổn định

05/07/2019 08:01 GMT+7

Nếu nhìn lại từ năm 2015 sẽ thấy kỳ thi THPT quốc gia không ổn định, liên tục thay đổi trong tất cả các khâu, dù Bộ GD-ĐT rất nỗ lực cải tiến, nhưng chính những cải tiến đó lại nảy sinh những bất cập khác.

Tổ chức thi không ổn định

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2018 được xem là ít có thay đổi nhất so với các kỳ thi 3 năm trước đó, nhưng vẫn có những biến động “gây bão” trong xã hội.
Năm đầu tiên 2015 có 2 loại cụm thi: Cụm thi liên tỉnh dành cho các thí sinh (TS) thi để xét tuyển vào các trường ĐH, do một số trường ĐH chủ trì. Các TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ thi tại “cụm thi tỉnh” được tổ chức tại địa phương.

Năm 2016 cũng có 2 loại cụm thi, nhưng được gọi là “cụm thi ĐH” (do các trường ĐH chủ trì, sở GD-ĐT phối hợp) và “cụm thi tốt nghiệp”(do các sở GD-ĐT chủ trì).
Theo xu thế này, những tưởng vai trò tổ chức thi của các trường ĐH sẽ được tiếp tục tăng lên, nhưng không ngờ năm 2017 việc tổ chức thi được giao hoàn toàn cho các sở GD-ĐT địa phương, các trường ĐH đóng vai trò phối hợp, thực chất là tham gia chỉ coi thi và giám sát. Cũng từ đó chỉ riêng số lượng TS bị kỷ luật giảm rõ rệt!
Khó kết luận việc giao hoàn toàn trách nhiệm tổ chức thi cho các địa phương là nguyên nhân của gian lận điểm thi xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình (và biết đâu còn một số địa phương khác chưa phát hiện), nhưng chắc chắn việc địa phương “toàn quyền” trong tổ chức thi đã tạo điều kiện cho các vi phạm nghiêm trọng dễ dàng xảy ra.
Việc tăng cường vai trò của các trường ĐH trong khâu chấm thi 2019 chỉ là giải pháp tình thế mang tính đối phó chứ chưa cho thấy khi nào thì có được sự ổn định trong khâu tổ chức của kỳ thi THPT quốc gia.

Đề thi luôn biến động

Trong 2 kỳ thi 2015 và 2016, TS thi theo môn thi. Có 8 môn thi, trong đó chỉ có 4 môn trắc nghiệm. TS chỉ thi bắt buộc 3 môn (toán, văn, ngoại ngữ) và tự chọn một môn trong số các môn còn lại (lý, hóa, sinh, sử, địa).

Năm 2017 có thay đổi rất lớn về đề thi, theo đó TS thi theo bài thi chứ không thi theo môn thi. Có 5 bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (KHTN) (gồm tổ hợp 3 môn độc lập lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (KHXH) (gồm tổ hợp 3 môn độc lập sử, địa, giáo dục công dân). Môn giáo dục công dân lần đầu tiên trở thành môn thi.
Học sinh hệ giáo dục phổ thông phải thi tối thiểu 4 bài thi, nghĩa là phải thi 6 môn thi độc lập thay vì 4 môn như những năm trước. Còn để thi hết cả 5 bài thi, TS cần phải thi 9 môn.
Do có nhiều thay đổi nên nội dung của đề thi năm 2017 được quy định chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Hệ quả rất rõ do thay đổi cấu trúc và hình thức đề thi năm 2017 là số điểm liệt (để bị rớt tốt nghiệp THPT) giảm mạnh, “mưa” điểm 10 và số TS điểm cao tăng mạnh gây khó khăn cho các trường ĐH trong xét tuyển.
Năm 2018, đề thi có thêm một phần nội dung chương trình lớp 11 với độ phân hóa cao hơn. Lập tức điểm thi giảm, không còn “mưa” điểm 10 và điểm sàn xét tuyển của nhiều trường ĐH giảm đến đáy của những năm trước 2015.
Năm 2019, theo lộ trình đã công bố đề thi có thêm phần nội dung chương trình lớp 10. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sau đó đã phải xác định lại đề thi năm 2019 tuy nằm trong chương trình THPT nhưng chủ yếu là lớp 12 và chủ yếu dùng để xét tốt nghiệp THPT.

Quy định xét tuyển thay đổi liên tục

Xét tuyển là khâu bị thay đổi nhiều nhất trong 5 năm qua, bên cạnh tác động thay đổi của điểm thi cao hay thấp gây khó khăn không ít cho các trường ĐH, CĐ.
Năm 2015, mỗi TS được đăng ký xét tuyển 4 nguyện vọng (NV) nhưng vào một trường ĐH, CĐ duy nhất. Ngoài ra, trong những ngày cuối của thời hạn xét tuyển, TS có thể rút hồ sơ đăng ký từ trường này nộp qua trường khác tạo nên cảnh hỗn loạn trong xét tuyển.
Đến năm 2016, mỗi TS vẫn được đăng ký xét tuyển 4 NV vào 2 trường khác nhau đồng thời có thể được xét trúng tuyển vào cả 2 trường này. Hệ quả là trúng tuyển ảo là hiện tượng nổi bật trong khâu xét tuyển, nhiều trường ĐH kể cả các trường ĐH công lập tuyển không đủ chỉ tiêu. Trong cả hai kỳ thi 2015 và 2016 việc đăng ký xét tuyển thực hiện sau khi biết điểm thi.
Năm 2017 cho phép TS đăng ký không giới hạn số lượng NV, và đăng ký xét tuyển đồng thời với đăng ký dự thi, nhưng lại cho phép điều chỉnh NV sau khi biết kết quả thi. Tuy nhiên, với quy định chỉ cho phép TS trúng tuyển NV duy nhất, các trường phải hình thành những nhóm xét tuyển hoặc lọc ảo, nhưng thực tế cuối cùng vẫn ảo vì có đến 30% TS trúng tuyển nhưng không đến làm thủ tục nhập học!
Năm 2018 tuy quy định xét tuyển về cơ bản không thay đổi, nhưng tác động do điểm thi thấp và giao việc tự xác định điểm sàn xét tuyển cho trường ĐH đã nảy sinh một số bất cập, rồi Bộ cũng phải tiếp tục quy định mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng cho khối ngành sư phạm.
Đến năm 2019, Bộ lại mở rộng thêm khối ngành khoa học sức khỏe có cấp giấy chứng nhận hành nghề cũng phải được quy định điểm ngưỡng xét tuyển.

Khoảng 75% học sinh xét tuyển bằng kết quả thi

Với mục tiêu kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp, dư luận vẫn tin ở một tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2019 sẽ không thấp dưới 90% và không gây sốc cho xã hội. Tuy nhiên, sự ổn định trong tỷ lệ tốt nghiệp được dự đoán sẽ cao lại dựa trên đánh giá đề thi năm 2019 có mức độ dễ lại là tiềm ẩn của lo lắng về biến động đề thi trong những năm tới.
Với mục tiêu dùng làm cơ sở cho các trường ĐH xét tuyển, dù vụ việc gian lận điểm thi 2018 ở một số địa phương làm giảm sút niềm tin, nhưng hơn 200 trường ĐH vẫn tiếp tục sử dụng điểm thi để xét tuyển.
Luật giáo dục sửa đổi bổ sung vừa được Quốc hội thông qua vẫn quy định có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức sử dụng điểm thi dùng để xét tuyển vẫn là lựa chọn của khoảng 75% học sinh, chắc chắn trong vài năm tiếp theo đây chưa có trường ĐH nào có thể tổ chức tuyển sinh hoàn toàn bằng phương thức khác không dùng điểm thi THPT quốc gia.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.