Chiều đầu tuần ngày giáp tết, ai qua lại ngã tư Lý Thường Kiệt - Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM đều bắt gặp hình ảnh đứa trẻ đen nhẻm, tay ôm ngang hông đứa trẻ chừng hơn 1 tuổi ngủ gà ngủ gật, ngồi ngay cột đèn đỏ, chìa ca nhựa để xin tiền người qua đường. Đáng ngại nhất là đứa bé vội ôm em lao xuống đường để xin tiền mỗi khi dòng người dừng lại chờ đèn đỏ.
Trước đây, khi nhìn thấy những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ hay người già yếu ăn xin tại các ngã tư, tôi thường dừng lại cho tiền. Tôi nghĩ số tiền nhỏ bé mình trao đi đủ để các em mua được một suất cơm, một chai nước hay một hộp sữa cũng đủ ấm lòng qua cơn đói khát...
tin liên quan
TP.HCM tăng cường quản lý người ăn xin dịp sát TếtLần khác, chạy xe máy trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, tôi gặp một thanh niên còn rất trẻ lê đôi chân bại liệt đi bán vé số trên đường, tôi dừng lại mua 5 tờ vé số và cho thêm người này 50.000 đồng.
Bẵng đi một thời gian, tôi đọc được thông tin về đường dây chăn dắt người già, trẻ em hoặc "huấn luyện" những thanh niên trẻ tuổi giả làm người tàn tật, người bại liệt sống dựa vào lòng thương hại của người khác. Tôi bàng hoàng phát hiện người thanh niên bại liệt đã từng được tôi và nhiều người giúp đỡ hoàn toàn mạnh khỏe. Từ đó, tôi đã kiên quyết không cho tiền người lang thang, ăn xin khi gặp trên đường.
TP.Đà Nẵng nhiều năm trước đã từng rất "đau đầu " với tệ nạn ăn xin, thậm chí là làm phiền du khách trong và ngoài nước khi đi du lịch đến TP này, đặc biệt là vào dịp cuối năm và đầu năm mới Tết Nguyên đán.
Trước vấn nạn người lang thang đi ăn xin khắp nơi, chính quyền TP.Đà Nẵng đã kiên quyết dẹp tệ nạn này bằng cách thực hiện các chiến dịch, các đợt ra quân, truy quét, "thu gom" và đưa các đối tượng là trẻ em, người già, người tàn tật lang thang xin ăn không có nơi cư trú vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng hoặc giáo dục dạy nghề đối với trẻ em cơ nhỡ.
Riêng đối với các đối tượng chăn dắt, bóc lột sức lao động của người ăn xin, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, sau đó trao trả về địa phương. Đối với các đối tượng chăn dắt người ăn xin nếu có dấu hiệu của tội phạm sẽ kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng đã vận động nhân dân không cho tiền người ăn xin, lang thang cơ nhỡ và khi thấy đối tượng là ăn xin nhanh chóng báo với chính quyền địa phương và được tuyên dương, khen thưởng.
Chính sự quyết liệt của chính quyền cộng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân nên tệ nạn ăn xin, đặc biệt là tệ nạn chăn dắt người ăn xin tại TP.Đà Nẵng đến nay đã không còn "đất sống".
Tại TP.HCM, trong nhiều năm nay, chính quyền thành phố cũng đã có nhiều đợt ra quân, thu gom, truy quét tệ nạn ăn xin. Thành lập các đường dây nóng tại các trung tâm bảo trợ xã hội, UBND xã phường... để tiếp nhận và xử lý đối tượng lang thang ăn xin khi có tin báo...
Tuy nhiên, có lẽ do thiếu sự phối hợp đồng bộ, do địa bàn TP.HCM rộng lớn trong khi lực lượng lại mỏng... khiến những nỗ lực giải quyết vấn nạn ăn xin mà xa hơn là nạn chăn dắt, bóc lột sức lao động người ăn xin ngày càng hoạt động tinh vi hơn và rất khó phát hiện.
Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để tệ nạn ăn xin, nhất là vào dịp cuối năm và những ngày đầu năm mới, tôi cho rằng thành phố cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn. Trước mắt cần có kế hoạch vận động, tuyên truyền người dân chung tay cùng chính quyền, tuyệt đối không cho tiền người ăn xin, trẻ em lang thang. Tại các địa bàn của từng khu vực, cần quy trách nhiệm cho chủ tịch UBND phường khi để tệ nạn trẻ em, người lang thang ăn xin tái diễn xin trên địa bàn.
Ngoài ra, thành phố cần "học tập" theo mô hình giải quyết triệt để vấn nạn ăn xin như cách TP.Đà Nẵng đã làm từ nhiều năm trước. Cần khuyến khích và khen thưởng đối với người dân báo tin về đối tượng lang thang ăn xin.
Một khi quyết liệt vào cuộc cộng với sự "đồng tâm hiệp lực" của người dân, tin chắc tệ nạn ăn xin sẽ không còn đất sống!
Bình luận (0)