Để giảm lượng xe trên đường
Một trong những giải pháp nhằm giảm lượng xe ô tô lưu thông trên đường mà Trung Quốc đã thực hiện từ hơn 20 năm nay, đó là việc phân chia ngày chẵn lẻ. Khi thực hiện giải pháp này số lượng xe 4 bánh lưu thông giảm rõ rệt. Cũng nhằm giảm lượng ô tô, một số nước, trong đó có Singapore, ngoài việc đánh thuế nhập khẩu xe, thuế trước bạ cao, người có xe 4 bánh còn phải chịu một khoản tiền lớn để được cấp biển số lưu hành. Ngoài ra người chủ xe còn bắt buộc phải chứng minh xe có chỗ đậu mà không phải đậu ngoài đường. Nhiều nước hạn chế xe 4 bánh ra vào các khu vực trung tâm (downtown) bằng biện pháp thu tiền qua hệ thống thẻ thông minh.
tin liên quan
Người người qua nút 'cổ chai' Trường Chinh - Cộng Hòa - Âu Cơ ám ảnh kẹt xeĐường Trường Chinh (đoạn mũi tàu từ Cộng Hòa đến Âu Cơ, thuộc Q.Tân Bình và Q.Tân Phú, TP.HCM) thời gian qua luôn là nỗi ám ảnh kẹt xe của người dân vào mỗi lúc đi làm và tan tầm.
Để giao thông thông thoáng, một số nước, trong đó có Liên Xô trước đây hay Liên bang Nga ngày nay, cho thiết lập các tuyến đường chính trong TP theo chế độ “làn sóng xanh". Tại tuyến đường này, các đèn tín hiệu giao thông trên suốt tuyến đã được lập trình mà theo đó các phương tiện khi tham gia lưu thông chạy theo đúng tốc độ quy định (bằng các bảng tín hiệu giao thông) thì sẽ luôn được di chuyển thông thoáng mà không phải dừng ở các ngã tư có đèn xanh đỏ.
Ở các tuyến đường quan trọng, cửa ngõ ra vào TP như ở cầu Cổng Vàng (San Francisco, Mỹ) có tình trạng buổi sáng vào giờ đi làm hàng đoàn xe nối đuôi nhau vào TP trong khi hướng ngược lại thì đường trống. Buổi chiều khi tan sở thì ngược lại. TP đã có giải pháp là thay vì đặt dải phân cách cố định đã cho đặt dải phân cách di động: buổi sáng cho mở rộng phần làn đi ra, buổi chiều lúc tan sở thì phân làn ngược lại. Giải pháp này đơn giản nhưng rất hiệu quả.
|
Khoảng giữa thập niên 1990, ở Thái Lan, ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn làm đau đầu chính phủ và người dân nước này. Vào thời điểm đó, tại TP.HCM cũng đã rộ lên cuộc tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng về giải pháp giao thông cho tương lai để tránh rơi vào vết xe đổ của Thái Lan.
Cuộc tranh luận xoay quanh những giải pháp nhằm tăng cường vai trò của giao thông công cộng và vấn đề cốt lõi cũng xoay quanh câu chuyện xe máy cá nhân: cấm hay không cấm? Với nhiều ý kiến trái chiều, một câu chuyện đã gần một phần tư thế kỷ đến nay chưa có hồi kết. Và căn bệnh ùn tắc xe máy ngày càng trầm kha, gây bức xúc cho người dân TP, làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài.
Lý do để câu chuyện này mãi không có hồi kết có thể nói là do chính quyền không cương quyết, không dám mạnh tay bởi ngại đụng chạm đến kế sinh nhai của những người nghèo. Trong thời gian qua, TP tiến hành chỉnh trang đô thị nhằm trả lại vỉa hè cho người đi bộ, xóa bỏ những hình ảnh nhếch nhác tồn tại từ nhiều năm nay tại TP được cho là văn minh hiện đại nhất nước.
Nhiều ý kiến cho rằng nạn buôn gánh bán bưng, lấn chiếm vỉa hè luôn là bạn đồng hành với “văn minh xe gắn máy” nên muốn giải quyết tận gốc vấn nạn trên, cần song song từng bước hạn chế và đi đến cấm hẳn xe gắn máy. Đây là ý kiến không phải là không có cơ sở.
Bởi ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc đã thực hiện hạn chế xe gắn máy rất thành công. Trước đây khi thăm Trung Quốc, đến TP nào cũng thấy đầy rẫy xe đạp, xe gắn máy. Tình trạng giao thông cũng lộn xộn như ở ta hiện nay nhưng rất ngạc nhiên là những năm sau này tình trạng này gần như mất hẳn, ở các TP lớn được thay thế bằng hệ thống giao thông hiện đại.
Tôi có hỏi người hướng dẫn đoàn thì được biết họ hạn chế xe gắn máy theo lộ trình và bằng nhiều biện pháp đồng bộ: tăng thuế trước bạ, phí lưu hành xe gắn máy cùng với việc hạn chế khu vực xe gắn máy được lưu thông theo lộ trình từ những khu vực trung tâm lan tỏa ra phía ngoài, vì vậy nhu cầu và phạm vi hoạt động của xe gắn máy bị thu hẹp dần dẫn đến chỗ người dân không còn thói quen và nhu cầu sử dụng xe gắn máy nữa. Ngoài ra, nhà nước còn bỏ tiền ngân sách để trưng mua xe gắn máy của người dân đã qua sử dụng mang về những vùng quê để bán lại cho người dân ở nơi đời sống còn khó khăn sử dụng.
Nếu cứ thả nổi cho "văn minh xe máy” tồn tại và phát triển, chắc chắn chỉ trong một vài năm tới, số lượng xe máy tại TP.HCM sẽ vượt quá con số 10 triệu, chưa kể số xe máy vãng lai các tỉnh, thì dù có đầu tư bao nhiêu, quỹ đường ở TP sẽ không còn chỗ cho cả xe máy lẫn xe 4 bánh lưu thông.
Còn nhớ trong thập niên 90 của thế kỷ trước có 2 sự kiện đã gây sốt trên truyền thông và gây ra phản ứng trái chiều, thậm chí rất gay gắt, đó là việc xây dựng đường dây tải điện bắc - nam 500 KV, vấn đề cấm đốt pháo. Bằng sự sáng suốt nhìn xa trông rộng và bản lĩnh dám làm dám chịu trách nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Chính phủ kiên quyết thực hiện. Thời gian càng trôi đi, người ta càng thấy rõ những hiệu quả to lớn về mặt kinh tế xã hội của các quyết sách này. Và sau này, đến vấn đề bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, chúng ta cũng đã thực hiện thành công.
Nhắc lại chuyện cũ để chúng ta có cơ sở tin rằng, trong thời điểm nước sôi lửa bỏng hiện nay, với ý thức trách nhiệm với người dân, với sự quyết đoán và bản lĩnh dám làm dám chịu trách nhiệm, chính quyền TP sẽ sớm có quyết sách với lộ trình và những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết vấn nạn giao thông, trong đó có vấn đề hạn chế từng bước, tiến tới chấm dứt sử dụng xe gắn máy.
Bình luận (0)