Sáng 7.5, tại Nhà thiếu nhi Q.2, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị số 7) tiếp xúc cử tri Q.2 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 sắp tới diễn ra.
[VIDEO] Tiếp tục tiếp xúc cử tri liên quan đến vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm
|
tin liên quan
UBND TP.HCM chỉ đạo hàng loạt vấn đề về Thủ ThiêmCác đại biểu gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM; bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM.
Cuộc tiếp xúc lần này sẽ ghi nhận, lấy ý kiến góp ý của cử tri trong việc xây dựng một số bộ luật liên quan đến lao động, y tế... Đáng chú ý, một vấn đề sẽ được nêu lên trong cuộc tiếp xúc là giải quyết quyền lợi cho người dân Q.2 ở Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
|
Trong sáng 7.5, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp xúc cử tri trên cương vị đại biểu Quốc hội. Trước đó, do đến tuổi nghỉ hưu, bà Tâm không còn giữ nhiệm vụ Phó bí thư Thành ủy và Chủ tịch HĐND TP.HCM.
|
Những kỳ tiếp xúc trước đó thường rất "nóng" và kéo dài khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm được đặt ra. Có những buổi tiếp xúc kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ mới kết thúc.
Yêu cầu đối thoại
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Trương Anh Xuân yêu cầu tổ đại biểu Quốc hội kiểm tra ngày giờ nào UBND TP.HCM tổ chức đối thoại với người dân 5 khu phố mà có khiếu nại về nhà đất của họ nằm ngoài ranh theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
“Việc đối thoại để làm rõ ranh quy hoạch dự án và đối thoại này phải có sự tham dự của đại diện Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM để làm rõ việc ngoài ranh của 5 khu phố thuộc 3 phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh”, ông Xuân nói.
Nêu ý kiến của mình, cử tri Lê Thị The (P.Bình An, Q.2) cho rằng, vụ việc khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm nay khiến người dân khổ sở, từ trước đến giờ có 115 hộ dân ra Hà Nội khiếu nại nhiều lần, nhưng chưa giải quyết được.
Bà The nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm với người dân Thủ Thiêm, giải quyết một cách công bằng, minh bạch, vì bao nhiêu người đã khổ sở. Người dân Thủ Thiêm đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong khi đó, cử tri Trần Thị Mỹ ví von Thủ Thiêm như “ngôi nhà đang bị cháy”. Theo đó, việc "chữa cháy" này phải đồng lòng cả hai phía từ người dân và chính quyền, chứ nếu chỉ một bên cố chữa sẽ không dập được đám cháy.
"Hai bên cần phải ngồi lại, cần có sự kết hợp chặt chẽ của người dân và chính quền, xem người dân cần gì để chữa còn nếu không rất khó chữa", bà Mỹ nói.
|
Tâm nguyện của 708 người dân Thủ Thiêm
Cử tri Nguyễn Hồng Quang cho biết vừa có kiến nghị tâm nguyện của 708 người dân Thủ Thiêm liên quan đến dụ án Thủ Thiêm để gửi cơ quan chức năng như Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM…
|
Ông Quang đề nghị đại biểu Quốc hội cần đem vấn đề Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội, vì đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến rất nhiều người dân.
Ông Quang cũng nói lời cảm ơn vì thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái, chuyển động tích cực trong việc giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. Tuy nhiên, theo người dân vẫn chưa thật sự đồng tình, vì việc xử lý chưa giải quyết tận gốc rễ vấn đề và chưa dựa theo quy định pháp luật...
Cử tri Nguyễn Thị Mão (P.An Phú) đề nghị Q.2 công khai kết luận thanh tra liên quan đến khu đất 87 ha tại phường An Phú. Theo bà Mão, có những dấu hiệu bất thường khi dự án ban đầu được phê duyệt diện thích thu hồi đất là 87 ha. Tuy nhiên, sau đó thành phố lại nâng diện tích quy hoạch lên trên 88 ha và ra hàng loạt quyết định thu hồi đất.
Theo cử tri Mão, dự án 19 năm nay không triển khai được, đến nay giá đền bù không thay đổi, đẩy hàng chục hộ dân vào cảnh mất nhà cửa...
"Sẽ đưa vấn đề Thủ Thiêm mà bà con bức xúc ra Quốc hội"
Tại buổi tiếp xúc, ông Phan Nguyễn Như Khuê thông tin một số vấn đề trước các ý kiến của cử tri nêu ra trước đó.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, đối với việc các cử tri thắc mắc tổ đại biểu có thông tin vấn đề Thủ Thiêm đến Quốc hội hay không, ông Khuê khẳng định tổ đại biểu không né tránh trách nhiệm và những thông tin mà cử tri phản ánh, đã có văn bản báo cáo cụ thể đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có 4 văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ để có sự phối hợp xem xét giải quyết khiếu nại của người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Khuê khẳng định sẽ đưa vấn đề Thủ Thiêm mà bà con bức xúc ra Quốc hội.
“Với trách nhiệm giám sát, chúng tôi có thể chưa mang lại sự hài lòng đối với người dân nhưng chúng tôi phải thận trọng, chặt chẽ, thậm chí có sự phản biện với các cơ quan liên quan để giải quyết sao cho tốt nhất”, ông Khuê khẳng định.
"Việc giải quyết ở Thủ Thiêm có sự chậm trễ"
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị những lần tiếp xúc sau ban tổ chức cần rút kinh nghiệm trong việc tổ chức để đại biểu nghe nhiều ý kiến của cư tri hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, tổ đại biểu Quốc hội không né tránh mà đấu tranh trực diện để tìm giải pháp giải quyết vấn đề này. Trong đó có giải pháp đối thoại trực tiếp với người dân để tìm ra giải pháp giải quyết kịp thời.
“Trước đây tôi ở trong Ban Thường vụ Thành ủy đã đấu tranh trực diện giải quyết vấn đề này. Không phải vô cớ mà đồng chí Bí thư Thành ủy xuống gặp người dân Thủ Thiêm, mà xuất phát từ việc báo cáo đầy đủ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM xảy ra ở Thủ Thiêm”, bà Tâm nói.
Tuy vậy bà Tâm thừa nhận việc giải quyết ở Thủ Thiêm là chậm. Trước đó, tinh thần của Ban Thường vụ Thành ủy là phải giải quyết trước Tết Nguyên đán, nhưng do vấn đề quá lớn, ảnh hưởng tới đông người, phải xin phép Trung ương nên việc giải quyết phải kéo dài so với dự kiến. Đến nay đã tháng 5, nhưng vấn đề Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết xong, nhất là liên quan đến 4,3 ha ngoài ranh và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Bình luận (0)