Theo văn bản định hướng sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức vừa được Bộ Nội vụ ban hành, bộ ngành, địa phương phải xây dựng phương án giảm biên chế, thực hiện theo quy định chung của Bộ Chính trị trong thời hạn 5 năm. Với số lượng cấp phó, sau sắp xếp có thể cao hơn quy định, nhưng phải có phương án sắp xếp giảm số lượng trong 5 năm.
“Không chỉ cán bộ mà vợ con cán bộ phải ủng hộ”
Chia sẻ tại tọa đàm “Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 11.12, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư, cho biết cán bộ công chức, viên chức, người lao động bị tác động rất lớn, họ có những băn khoăn, tâm tư chính đáng. Song ông cũng cho rằng nhận thức việc sắp xếp phải thông suốt, "không chỉ cán bộ mà vợ con cán bộ phải ủng hộ”.
Theo ông Hà, việc sắp xếp lại đội ngũ phải thực hiện nhanh bởi tới đây là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, quý 1/2025 là đại hội đảng cấp cơ sở, khoảng tháng 6 là cấp huyện, tháng 10 cấp tỉnh và tháng 1.2026 là Đại hội Đảng toàn quốc. Vì thế, công tác nhân sự ngay từ cơ quan đơn vị như thế nào phải tính tới, bàn cơ cấu sắp xếp nhân sự cấp ủy ra sao.
Đặc biệt, việc sắp xếp con người phải có lộ trình. “Chìa khóa là dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch. Công bằng thế nào khó lắm, 20 người chỉ 15 người ở lại chả lẽ bốc thăm cho về? Do đó phải đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ một cách công tâm khách quan và có tiêu chí rõ ràng”, ông Hà nói.
TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) đồng tình việc số lượng cấp phó có thể vượt quy định trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, thời hạn 5 năm mới tinh gọn số lượng là quá lâu, khiến “phần tinh gọn thì đạt nhưng phần hiệu lực, hiệu quả thì phải chờ 5 năm”.
Cần chính sách vượt trội
Ông Hòa kiến nghị cần rút ngắn xuống 2 - 3 năm, kèm theo chính sách vượt trội trong sắp xếp cán bộ, công chức. Theo đó, xây dựng chính sách vượt trội cho từng đối tượng, để có điều kiện chuyển công việc mới, bước cuối cùng mới là ra khỏi bộ máy. Việc này cần làm khẩn trương, không để chậm quá, nếu đợi 5 - 10 tháng sau sắp xếp thì không được.
“Ví dụ như 2 ông trưởng chọn 1 ông, vậy ông còn lại thế nào? Nếu đưa xuống làm cấp phó thì phải có chế độ phù hợp. Rồi những người còn 2 - 3 năm nữa về hưu và sẵn sàng về hưu, họ rất trông chờ chính sách, nên phải có chính sách phù hợp”, ông Hòa phân tích.
Thứ ba là đội ngũ do dôi dư vì hết việc nhưng vẫn có năng lực, phải đào tạo, bồi dưỡng để chuyển đổi, trong thời gian chuyển đổi thì chế độ ra sao cần tính đến.
Ông Hòa cũng dẫn ra ví dụ sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy được Trung Quốc thực hiện trước đây đã giảm 50% số lượng công chức dựa trên việc xét năng lực, nếu không đủ năng lực sẽ vào diện 50% tinh giản nhưng có chế độ chính sách đi kèm.
“Không thể nói nhập một cái rồi đẩy hết ra đường”
Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Đức Hà, quyết tâm sắp xếp, tinh gọn rất rõ, nhưng việc giải quyết thế nào là bài toán lớn, khó, không thể có một giải pháp cụ thể nào đáp ứng được yêu cầu, mà phải thực hiện tổng hợp rất nhiều giải pháp. Cả giải pháp về vấn đề chính trị, tư tưởng, cả giải pháp về tổ chức, hành chính, chính sách cho cán bộ…
Thứ nhất phải rất coi trọng giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng để thống nhất nhận thức, sự cần thiết phải làm, không thể chần chừ, chậm trễ được. Thứ hai là tinh gọn bộ máy liên quan đến con người, đây là vấn đề lớn liên quan đến tổ chức, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về cấp trưởng, cấp phó và có lộ trình.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, phải có quá trình chuyển đổi, bố trí bồi dưỡng như thế nào, giải quyết chính sách. Ví dụ những người xin nghỉ hưu trước tuổi thì có chính sách thế nào, có trừ % lương không.
"Đối tượng cán bộ bị tác động rất lớn, phải có thời gian, không thể nói nhập một cái rồi đẩy hết ra đường. Nhưng tất nhiên chúng ta phải khẩn trương, quyết liệt, mỗi người đều phải có trách nhiệm, mỗi cơ quan đơn vị đều phải chủ động. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh T.Ư cũng làm, địa phương cũng làm, không chờ đợi, thụ động mà phải tích cực, chủ động và khẩn trương mới giải quyết được bài toán", ông Hà nói.
Bình luận (0)