Nếu như năm 2011, Nha Trang chỉ có 11.000 phòng khách sạn thì năm 2017 đã chạm mốc 27.000 phòng, con số tăng đột biến. Vì vậy nhu cầu tiếp nhận lao động có tay nghề để phục vụ du khách cũng tăng theo.
Việc cần người và những nghịch lý
Việc cần người không chỉ bó hẹp trong phạm vi của ngành du lịch mà hầu như ở tất cả các lĩnh vực khác. Thông tin từ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh này cho biết, hiện có 6.000 doanh nghiệp trong tỉnh đang hoạt động. Mỗi năm số doanh nghiệp trên cần tuyển 11.000 lao động trong khi toàn tỉnh Khánh Hòa mỗi năm chỉ có 10.000 người bước vào độ tuổi lao động. Nghĩa là số cung ít hơn cầu 1.000 người, song các doanh nghiệp vẫn “kêu trời” vì tuyển chọn không ra người mình cần, trong khi số người thiếu việc làm thì vẫn tăng lên. Sở LĐ-TB-XH Khánh Hòa cùng với Liên đoàn Lao động tỉnh đã nhiều lần tổ chức các phiên giao dịch việc làm và mở các điểm tư vấn nhằm hỗ trợ cho người tìm việc. Qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cần người, sẽ có một địa chỉ để tìm hiểu và giao dịch. Tuy nhiên, con số sau đây đã phản ánh một thực trạng đáng buồn: Nếu như năm 2013 có 1.100 người được tuyển dụng trực tiếp từ các phiên giao dịch giới thiệu việc làm thì năm 2014 giảm còn 373 người, năm 2015 xuống còn 290 người và từ năm 2016 đến nay chỉ có 100 người được tuyển dụng trực tiếp. Hầu như số người cần việc họ không mặn mà gì với các phiên giao dịch, vì ở đó, cơ hội để có một chỗ làm “ưng ý” gần như không nhiều. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng cũng rất khó tìm những người mình cần. Cắt nghĩa cho nghịch lý này, chỉ có một lý do, đó là đã có độ vênh giữa đào tạo và sử dụng.
Mới đây, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa đã làm một cuộc khảo sát tại 348 doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên thì thấy rằng, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lại lực lượng lao động cho hơn 2.000 người hệ cao đẳng, trung cấp nghề và hơn 1.700 người hệ sơ cấp nghề, tập trung ở các ngành nghề như: sản xuất chế biến sợi, vải, giày, da, kinh doanh, khách sạn nhà hàng, dịch vụ du lịch, công nghệ kỹ thuật điện tử, điện tử và viễn thông. Cùng với đó, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 7.000 người lao động bị mất việc làm, phải đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp do tay nghề, kỹ thuật yếu.
Để giảm bớt “độ vênh”
Trước hết là giảm “độ vênh” giữa người cần việc và nhà tuyển dụng. Ngành LĐ-TB-XH cùng với Liên đoàn Lao động tỉnh trở thành cầu nối giữa người lao động cần việc với các doanh nghiệp. Các trung tâm giới thiệu việc làm cũng như các phiên giao dịch phải đi vào thực chất. Nghĩa là một khi đã “giới thiệu” thì cơ hội “có việc” phải đạt 70% chứ không nên làm theo kiểu phong trào.
Để giảm “độ vênh”, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người và người tìm việc; kết nối dữ liệu cung - cầu lao động với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó đánh giá, phân tích và dự báo thị trường lao động đang chuyển dịch theo hướng nào để có định hướng tư vấn việc làm, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Cùng với đề án trên, một giải pháp khác cũng đang được xúc tiến. Ngành LĐ-TB-XH đang tiến hành rà soát, bổ sung đào tạo thêm những ngành, nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng thời lượng học thực hành để người học nắm những kiến thức trọng tâm mà doanh nghiệp đang yêu cầu. Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo có địa chỉ để doanh nghiệp khi tuyển dụng khỏi mất công đào tạo lại, số sinh viên theo học các trường nghề cũng sẽ yên tâm là có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bình luận (0)