Giải thưởng 15 Tháng 10: Điểm tựa cho những cuộc đời lầm lỡ

14/10/2021 07:02 GMT+7

Chị Phạm Thị Liễu lúc nào cũng cố gắng hết mình, sáng tạo các hoạt động, chương trình ý nghĩa để thu hút và tạo điều kiện cho những người trẻ từng lầm lỡ có thêm cơ hội sống đẹp và sống có ích.

Chị Phạm Thị Liễu (32 tuổi), Phó chủ tịch Ủy ban Hội Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cơ sở cai nghiện ma túy Phước Bình, là 1 trong 65 thanh niên đang được đề cử giải thưởng 15 Tháng 10.

Để thanh niên lầm lỡ vẫn thấy mình có ý nghĩa

Chứng kiến rất nhiều học viên và hội viên của mình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, không người thân thăm gặp, chị Liễu đã nảy ra ý tưởng và triển khai mô hình “Điểm rửa xe tình nguyện” ngay tại cơ sở cai nghiện ma túy Phước Bình. Điểm rửa xe vừa tạo nguồn quỹ giúp đỡ những học viên có hoàn cảnh đặc biệt, vừa tạo điều kiện cho các học viên này làm việc có ý nghĩa cho bản thân và những người đồng cảnh ngộ.

Điểm rửa xe tình nguyện của học viên cai nghiện

“Mình muốn thông qua “Điểm rửa xe tình nguyện” giúp đỡ được cho những học viên có hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần để các bạn an tâm học tập, rèn luyện, cũng như tiếp thêm ý chí vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh, tích lũy kinh nghiệm làm hành trang để chuẩn bị cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Tham gia vào hoạt động rửa xe tình nguyện, các bạn tự thấy mình cũng có thể làm được việc ý nghĩa, giúp được cho những bạn đồng cảnh ngộ”, chị Liễu chia sẻ.

Để thực hiện được “Điểm rửa xe tình nguyện”, chị Liễu cùng các cán bộ chi hội đã vận động kinh phí để mua vật dụng, dụng cụ hỗ trợ cho việc rửa xe của học viên. Điểm rửa xe được bố trí gần nơi thăm gặp học viên để tiện cho việc phục vụ nhu cầu rửa xe của phụ huynh. Tại đây, các bạn sẽ rửa xe miễn phí và tùy vào tấm lòng của phụ huynh muốn đóng góp cho hoạt động mà bỏ vào thùng quyên góp từ thiện. Nguồn quỹ có được sẽ dùng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của những học viên có hoàn cảnh đặc biệt.

“Mình rất vui khi giải pháp đã trở thành điểm tựa nối dài cho những cuộc đời lầm lỡ đang trong hoàn cảnh khó khăn, giúp các bạn xóa bỏ mặc cảm, có thêm niềm tin để vươn lên không chỉ trong cuộc sống hiện tại mà trong cả tương lai. Chính nhờ thế mà trong thời gian qua, các hội viên, học viên có hoàn cảnh khó khăn không người thăm gặp đã không ngừng nỗ lực rèn luyện, tích cực tham gia phong trào xây dựng môi trường sống, học tập và lao động lành mạnh, thường xuyên được tuyên dương khen thưởng trước tập thể như “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, “Người tốt, việc tốt” vào sáng thứ hai chào cờ hằng tuần”, chị Liễu hạnh phúc chia sẻ.

Chị Liễu kể thêm: “Trong đó, có rất nhiều hội viên đã được cơ sở xét duyệt đề nghị Tòa án huyện Long Thành ra quyết định giảm một phần thời hạn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thời gian giảm từ 1 - 3 tháng. Nhờ vậy, các bạn yên tâm tư tưởng, ra sức phấn đấu và rèn luyện, tạo nên không khí sôi nổi trong các phong trào và hoạt động tại cơ sở. Từ đó cũng giúp công tác hỗ trợ, giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ người cai nghiện tại cơ sở được hiệu quả hơn”.

Làm cán bộ Hội trong môi trường đặc thù nên chị Liễu luôn cố gắng sáng tạo những hoạt động và chương trình để thu hút học viên cai nghiện

NVCC

Phải luôn có sự kiên nhẫn

Tốt nghiệp Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhưng có cơ duyên gắn bó với môi trường giáo dục có nhiều đặc thù này, bao năm qua, bằng sức trẻ và sự nhiệt huyết của mình, chị Liễu luôn cố gắng để giúp những học viên từng lầm lỡ có thêm nhiều cơ hội thay đổi nhận thức, rèn luyện bản thân để trở về là những thanh niên sống có ích cho gia đình và xã hội.

Trong quá trình giảng dạy chuyên đề, chị Liễu thường lồng ghép các thước phim, câu chuyện kể về những tấm gương, nghị lực phi thường vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Từ đó định hướng, giúp học viên hiểu được giá trị, bài học ý nghĩa từ cuộc sống qua những mảnh đời bất hạnh, là hành trang để học viên trở về áp dụng vào cuộc sống hằng ngày với kỹ năng thấu hiểu, đồng cảm, kỹ năng từ chối, biết lắng nghe và chia sẻ, xây dựng cho mình niềm tin, ý chí và nghị lực vượt qua những cám dỗ của cuộc sống...

Với đặc thù là môi trường mà học viên không được tiếp cận với điện thoại và mạng internet nên bản thân là cán bộ Hội, chị Liễu đã luôn sáng tạo những hoạt động, chương trình để giúp học viên có thêm kênh giải trí lành mạnh.

“Trong đơn vị, tụi mình luôn chú trọng đến việc phát triển văn hóa đọc cho học viên, vừa để giúp các bạn có thêm hình thức giải trí lành mạnh. Do đó, mình đã thành lập tủ sách thanh niên, chia sách về từng khu để học viên có nhiều cơ hội và dễ dàng tiếp cận với việc đọc sách nhiều hơn, thường xuyên hơn. Tụi mình cũng thường xuyên vận động nguồn sách để học viên có thể tiếp xúc đa dạng các nguồn kiến thức, thông tin giúp các bạn thoải mái tâm lý, không còn suy nghĩ đến những điều tiêu cực”, chị Liễu kể.

Tham gia hoạt động Đoàn, Hội từ lúc còn là học sinh, sinh viên, thế nhưng khi vào môi trường đặc thù như thế này, chị Liễu cho biết bản thân cũng phải luôn cố gắng và có nhiều thay đổi, sáng tạo trong cách thức tổ chức các hoạt động, chương trình để thu hút được học viên.

Chị Liễu, người đang được đề cử giải thưởng 15 Tháng 10, tâm sự: “Lực lượng thanh niên ở bên ngoài đa phần là các bạn năng nổ và nhiệt huyết, còn đối tượng học viên cai nghiện thì vấn đề tâm lý của các bạn cũng phức tạp hơn. Muốn khơi gợi sự năng động của các bạn thì bản thân những người dẫn dắt như tụi mình phải có sự kiên nhẫn, sáng tạo ra nhiều hoạt động mới mẻ mới thu hút được”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.